Quy định về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Với từng đối tượng cụ thể, thì nội dung phổ biến pháp luật sẽ có những quy định với giới hạn nhất định.
Để hoạt động giáo dục pháp luật được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả cần xác định nội dung cơ bản, phù hợp với đối tượng giáo dục, loại hình và cấp độ giáo dục. Theo nguyên lí chung thì nội dung và mục đích của giáo dục có quan hệ hữu cơ với nhau, vì vậy giáo dục pháp luật phải nhằm định hướng cả về tri thức, tình cảm và hành vi cho đối tượng giáo dục. Nhìn chung, nội dung của giáo dục pháp luật tương đối rộng, mang tính đặc thù riêng cho từng chương trình đào tạo. Chẳng hạn, kiến thức lí luận về pháp luật, các quy định pháp luật hiện hành, các thông tin về thực hiện, bảo vệ pháp luật, các số liệu về xã hội học pháp luật, giáo dục mô thức hành vi pháp luật… Các nội dung cơ bản này lại được thể hiện phù hợp với kết cấu của mỗi chương trình giảng dạy khác nhau, theo yêu cầu cụ thể khác nhau. Hiện nay, nội dung của phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta được xác định gồm:
– Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức…; các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
– Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thoả thuận quốc tế.
Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.
Tuy nhiên, do đối tượng tại xã, phường có những đặc thù riêng nên nội dung PBGDPL ở cơ sở xã, phường cũng là một phương thức đặc thù với đối tượng là các tầng lớp nhân dân ở cơ sở xã, phường mà chủ yếu là học sinh tiêu học, trung học cơ sở, thanh niên, phụ nữ, nông dân, nhân dân, thành thị, người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ lao động tự do. Vì thế, việc xác định nội dung cơ bản của PB, GDPL ở cơ sở xã, phường trước hết căn cứ vào đối tượng, mục tiêu PB, GDPL cho đối tượng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, đặc điểm của đối tượng. Nội dung đó có thể phân thành các mức độ theo các yêu cầu sau đây:
Một là, yêu cầu tối thiểu về nội dung PBGDPL cho mọi công dân (có thể gọi là pháp luật phổ thông). Để mỗi công dân “sống và làm việc theo pháp luật”, họ phải có những hiểu biết tối thiểu về pháp luật và những kỹ năng tối thiểu để sử dụng pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như thực hiện các nghĩa vụ của mình trước gia đình, trước Nhà nước, trước xã hội. ở đây, các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường phải gắn với các khía cạnh đạo đức, tâm lý, với các cơ sở kinh tế – xã hội của quy định pháp luật để tạo nên nhận thức đúng, tâm lý sẵn sàng và thiện chí để thực hiện ngay các quyền và nghĩa vụ công dân mà tình huống pháp lý cụ thể đòi hỏi họ.
– Một số hiểu biết, thông tin cơ bản về tổ chức bộ máy Nhà nước thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
– Các quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của công dân do Hiến pháp và một số đạo luật quy định;
– Một số thủ tục, trình tự pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ của công dân.
– Các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và gián tiếp của công dân…
Ở mức độ này, giáo dục pháp luật là yếu tố quan trọng giúp cho mỗi công dân ý thức được vị trí công dân của mình trong quan hệ với Nhà nước và với công dân khác, biết mình có những quyền gì, nghĩa vụ gì và khi cần thì biết mình phải đến đâu, làm gì, làm như thế nào để bảo vệ các quyền đó.
Hai là, yêu cầu riêng về PBGDPL cho mỗi loại đối tượng. Mỗi công dân trong từng địa vị, điều kiện, hoàn cảnh và ở mỗi địa bàn khác nhau lại có những nhu cầu hiểu biết pháp luật khác nhau. Do đó, nội dung PBGDPL ở đây cũng phải cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng. Cần phải phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tham gia quản lý Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan, công chức Nhà nước, quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động, tự do kinh doanh, nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản toàn dân, lợi ích cộng đồng, nghĩa vụ đóng thuế, lao động công ích và các quyền, nghĩa vụ cơ bản khác của công dân.
Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở: Đây là lớp người đang trong quá trình học tập và rèn luyện trong nhà trường, đồng thời đang ở độ tuổi hình thành nhân cách. Những hiểu biết về thế giới xung quanh cũng như những quan niệm về đời sống xã hội còn đang được bồi đắp, định hình thông qua hoạt động học tập và giao tiếp xã hội. Một đặc điểm riêng đối với lớp học sinh này là nội dung giáo dục pháp luật không tách rời nội dung đào tạo. Mục tiêu giáo dục đào tạo nước ta đã được xác định rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hoá, khoa học… trong đó có “mục tiêu phát triển cụ thể các bậc học: xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, xây dựng trung học mới, mở rộng bậc đại học và sau đại học, xây dựng hệ thống trung tâm chất lượng cao”. Để đạt được các mục tiêu trên, nội dung cơ bản của quá trình giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa cho học sinh bao gồm nội dung thuộc các lĩnh vực: “trí dục, đức dục, giáo dục lao động, thể dục và mỹ dục”. Giáo dục pháp luật cũng như các giáo dục khác được ghép vào 5 lĩnh vực trên. Trước đây, giáo dục pháp luật trong trường phổ thông đã ghép vào lĩnh vực đức dục, và đến nay, giáo dục pháp luật được ghép trong môn giáo dục công dân cùng với giáo dục chính trị và đạo đức. Như vậy, nội dung của giáo dục pháp luật trong nhà trường là một bộ phận của nội dung giáo dục nói chung, phải tuân thủ mục tiêu giáo dục nói chung. Song, nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường có tính hệ thống nhưng ít được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với trạng thái động của các thông tin cơ bản trong hệ thống pháp luật thực định. Do đó, cần được hỗ trợ bằng các chương trình mang tính cập nhật cao như giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các hoạt động ngoại khóa như nghe nói chuyện pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật đồng thời phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Những nội dung pháp luật cần giáo dục cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở là:
Đối với thanh niên: Phần lớn thanh niên ở cơ sở xã, phường nước ta là những người đã học hết bậc tiểu học, trung học cơ sở hoặc phổ thông trung học. Vì thế, họ đã có một trình độ văn hoá nhất định để đủ khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương mình. Thông thường, thanh niên ở cơ sở xã, phường tham gia vào tổ chức Đoàn thanh niên nên có điều kiện tham gia và các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ pháp luật do tổ chức Đoàn thanh niên thành lập. Dù làm nghề gì thì họ vẫn là những người làm chủ nông thôn từ đồng bằng đến miền núi; họ cũng phải thực hiện nghĩa vụ mà Tổ quốc giao phó – đó là nghĩa vụ quân sự; rồi họ sẽ là những người chủ của mỗi gia đình, là những người bố, người mẹ trong gia đình. Đối với xã hội, họ có thể tham gia vào việc bảo vệ trật tự, an ninh cho thôn, xóm mình như làm dân quân tự vệ… Gắn với mỗi hoạt động mà họ tham gia và mỗi nghĩa vụ mà họ gánh vác thì những nội dung pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục riêng đối với họ là các kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; nghĩa vụ quân sự; phòng chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; tội phạm hình sự, biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm; trách nhiệm hành chính.
Đối với phụ nữ: Trong thời đại ngày nay, phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và cả trong gia đình. Song, do gánh nặng trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm làm vợ, đặc biệt trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con cái đã có phần hạn chế việc tham gia hoạt động xã hội của người phụ nữ. Mặc dù vậy, họ vẫn phải hoàn thành mọi công việc trong gia đình, vừa phải lo tham gia lao động sản xuất, công tác trên mọi lĩnh vực. Phần lớn phụ nữ ở nông thôn, miền núi nước ta đều có trình độ văn hoá thấp và ít quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội. Nếu họ không có sự hiểu biết nhất định về pháp luật thì khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, họ rất khó tự đứng ra bảo vệ mình. Do đó, Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, ở các xã, phường nước ta đều có Hội phụ nữ. Đây là một tổ chức mà mọi người phụ nữ đều có thể tham gia sinh hoạt. Ở đó, họ có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như sẽ được giải đáp những vướng mắc trong cuộc sống. Vì thế, nội dung PBGDPL cho riêng người phụ nữ ở cơ sở xã, phường phải gắn với công việc, với trách nhiệm của họ cũng như quyền lợi của họ từ trong gia đình đến xã hội. Đó là những kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; quyền bình đẳng nam – nữ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Đối với nông dân: Như chúng ta đã biết, nông dân là lực lượng chiếm đa số ở xã, phường, đặc biệt là ở nông thôn, đồng bằng và miền núi. Đối tượng nông dân tăng lên sau khi Hà Nội thực hiện hợp nhất với tỉnh Hà Tây. Một đặc điểm đặc trưng của người nông dân là gắn bó với đất đai, ruộng vườn. Vì thế, đối với họ, những hiểu biết về các quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất, thuế nông nghiệp, các chính sách về nông thôn mới, đồn điền đổi thửa… là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao dân trí đồng thời hạn chế các nhược điểm còn tồn tại ở nông dân? Hiện nay, ở các xã, phường nước ta đã thành lập các tổ chức mà người nông dân có thể tham gia như: Hội nông dân, các tổ hoà giải cơ sở … . Đó cũng là nơi họ có thể tiếp nhận được những thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông dân (ngoài việc nghe thông tin từ loa truyền thanh của xã, phường). Vì thế, những nội dung cần thiết để PBGDPL cho người nông dân là các kiến thức pháp luật về: quyền sử dụng đất, thuế nông nghiệp, giao dịch dân sự trong cuộc sống cộng đồng; hôn nhân gia đình, đăng ký hộ tịch; chống tệ nạn cờ bạc, hủ tục lạc hậu.
Đối với nhân dân phường, xã, thị trấn, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: quy tắc sinh hoạt cộng đồng ở các đô thị; bảo vệ môi trường; quyền kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh; an toàn giao thông; trật tự, an toàn xã hội; quy tắc xây dựng công trình, quyền sử dụng, sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, bảo vệ công trình công cộng…
Đối với người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ ở cơ sở, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về:
Từ việc xác định phạm vi, đặc điểm và các mức độ yêu cầu về nội dung PB, GDPL, có thể thấy rằng khó có một hình thức hay một chủ thể PB, GDPL riêng biệt nào có thể đáp ứng được việc truyền tải toàn bộ các yêu cầu, phạm vi nội dung để đạt tới mục tiêu giáo dục pháp luật đặt ra cho mỗi đối tượng.