Quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. Quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật, điều kiện và chức danh của người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
Sự phát triển của mỗi một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào quy mô cơ cấu doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp, thương hiệu, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, đường lối kinh doanh của các chủ sở hữu doanh nghiệp… thì còn phụ thuộc một phần vào khả năng lãnh đạo, đại diện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Qua đó, có thể thấy, người đại điện theo pháp luật của doanh nghiệp góp phần quan trọng trong các vấn đề của doanh nghiệp. Vậy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong các quy định của pháp luật được hiểu như thế nào? Về vấn đề này, trên phương diện phân tích một loại hình doanh nghiệp, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ đề cập đến “Quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Hiện nay, nội dung về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần được quy định trong các văn bản như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trước hết, “đại diện”, theo quy định tại Điều 134
Đối với việc “đại diện”, tuỳ thuộc vào căn cứ xác lập quyền đại diện, thì “đại diện” sẽ bao gồm hai hình thức là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Trong đó, đại diện theo pháp luật là hình thức đại diện mà trong đó, quyền đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Trên cơ sở khái niệm “đại diện”, “đại diện theo pháp luật” được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2015 cũng có quy định cụ thể về khái niệm “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là khái niệm dùng để chỉ cá nhân đóng vai trò là đại diện cho doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp; là đại diện của doanh nghiệp để tham gia tố tụng trước Toà án, Trọng tài với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa lụ liên quan. Bên cạnh đó thì người đại diện của doanh nghiệp cũng là người thay mặt doanh nghiệp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, căn cứ theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015, và Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2015, được xác định, bao gồm các trường hợp: Người đại diện được doanh nghiệp chỉ định theo Điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật, và người do Toà án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Toà án trong một số trường hợp đặt biệt.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật tuỳ vào loại hình doanh nghiệp thì Doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật thì tối thiểu là 01 người đại diện theo pháp luật cư trú thường trú, tạm trú, sinh sống tại Việt Nam.
Trường hợp trong doanh nghiệp có duy nhất 01 người đại diện theo pháp luật thì người đại diện này phải cư trú thường trú, tạm trú, sinh sống ở Việt Nam. Khi người này thực hiện việc xuất cảnh khỏi Việt Nam thì họ phải làm văn bản ủy quyền cho người khác để thay mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi văn bản uỷ quyền và họ vẫn phải chịu trách nhiệm với những quyền và nghĩa vụ đã uỷ quyền.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp chỉ có duy nhất 01 người đại diện theo pháp luật và người này đã xuất cảnh, không có mặt ở Việt Nam nhiều hơn 30 ngày mà không có văn bản uỷ quyền cho người khác thực hiện công việc đại diện thep pháp luật của doanh nghiệp trong thời gian vắng mặt hoặc thuộc trường hợp người đại diện đã chết, bị mất tích, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị kết án, bị phạt tù thì trường hợp này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này sẽ được thay thế bằng một người mới do chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, hoặc Hội đồng quản trị cử.
2. Quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
Trên cơ sở những quy định chung về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì đối với loại hình công ty cổ phần, pháp luật cũng có những quy định riêng về nười đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong công ty cổ phẩn có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Việc xác định số lượng cũng như chức danh quản lý và các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ được quy định cụ thể trong nội dung Điều lệ doanh nghiệp (Điều 13, Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Trường hợp trong Điều lệ của Công ty Cổ phần chỉ xác định công ty chỉ có 01 người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì trường hợp này, căn cứ theo khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần. Trường hợp này, người giữ chức danh nào được xác định là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần sẽ được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty. Bởi đây là vấn đề thuộc phạm vi nội bộ của doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật. Trường hợp, trong Điều lệ của Công ty cổ phần không có quy định khác, thì người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần sẽ được xác định là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trường hợp trong Điều lệ của Công ty Cổ phần xác định công ty sẽ có từ 02 người đại diện theo pháp luật trở lên thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được xác định là người đại diện theo pháp luật đương nhiên của công ty cổ phần.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần, dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là Giám đốc hay Tổng giám đốc thì không chỉ được quy định trong Điều lệ Công ty mà còn được thể hiện trên Giấy phép đăng ký kinh doanh/Giấy phép đăng ký doanh nghiệp và các giấy tờ pháp lý của Công ty Cổ phần. Người đại diện theo pháp luật sẽ đứng ra thay mặt Công ty cổ phần ký kết các hợp đồng, tham gia các giao dịch và điều hành hoạt động của Công ty cổ phần.
Ngoài ra, đối với mỗi chức danh mà người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần đảm nhiệm thì pháp luật cũng có những quy định riêng nhất định cần lưu ý như sau:
– Đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị: Người được giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị được xác định là một trong những thành viên của Hội đồng quản trị được Hội đồng quản trị bầu làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần, trừ trường hợp công ty Cổ phần này là công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số biểu quyết và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
– Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc là người được Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc được thuê ở bên ngoài để đảm nhận chức vụ này. Nếu như trước đây, trong quy định tại Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Giám đốc, hoặc Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp khác, thì hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ quy định này, tạo điều kiện cho cá nhân – người đại diện của Công ty Cổ phần được quyền kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nói chung, của Công ty cổ phần nói riêng là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong nội bộ của doanh nghiệp và trong việc điều hành, định hướng và phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ với Công ty cổ phần mà mỗi loại hình doanh nghiệp thì người đại diện của doanh nghiệp đều phải đáp ứng những điêu kiện nhất định.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
3. Có hai người đại diện theo pháp luật có đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Khoản 2, Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Đại hội cổ đông của Công ty chúng tôi đã biểu quyết và nghị quyết đại hội cũng đã ghi rõ: “Thông qua 2 người đại diện theo pháp luật là CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ và PHÓ CHỦ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ. Như vậy có đúng không? Nếu sai thì xử lý kết quả thế nào? Rất mong các Luật sư tư vấn giúp. Trân tọng cảm ơn! ?
Luật sư tư vấn:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014:
“Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Do đó, có thể thấy pháp luật quy định công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể số lượng, chức danh của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì chức danh đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.
Tại khoản 2 Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì Đại hội cổ đông của Công ty bạn đã biểu quyết và nghị quyết đại hội nêu rõ: “Thông qua hai người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó Chủ tịch hội đồng quản trị”. Tuy nhiên bên bạn cần lưu ý chức danh “Phó chủ tịch Hội đồng quản trị”, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về chức danh này.
Việc bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công việc nội bộ của doanh nghiệp. Trên cơ sở quy định của pháp luật, trong trường hợp điều lệ công ty bạn không có quy định cụ thể chức danh của người đại diện theo pháp luật thì sẽ áp dụng quy định của luật doanh nghiệp, khi đó Chủ tịch hội đồng quản trị sẽ làm đại diện theo pháp luật của công ty nếu công ty có một người đại diện theo pháp luật hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty nếu công ty có hai người đại diện theo pháp luật.