Nếu như có quốc tịch là cơ sở để xác định mối quan hệ pháp lý vững chắc, ổn định giữa một cá nhân với một quốc gia thì ngược lại mất quốc tịch sẽ làm chấm dứt mối quan hệ giữa một cá nhân với quốc gia mà mình mang quốc tịch. Cùng bài viết tìm hiểu mất quốc tịch là gì? Các trường hợp đương nhiên mất quốc tịch.
Mục lục bài viết
1. Đương nhiên mất quốc tịch là gì?
– Việc mất quốc tịch của một công dân xảy ra khi người đó ở vào những trường hợp mà pháp luật đã có những quy định từ trước. Pháp luật của các nước trên thế giới thường quy định những trường hợp cụ dẫn đến hệ quả pháp lý mất quốc tịch của đương sự khi họ thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Gia nhập quốc tịch nước khác
– Phục vụ trong lực lượng vũ trang nước ngoài
– Tham gia vào bộ máy nhà nước của quốc gia khác
Như vậy, đương nhiên mất quốc tịch là trường hợp công dân của một quốc gia bị mất quốc tịch một cách mặc nhiên chứ không phải là hành vi trừng phạt từ nhà nước.
2. Xin thôi quốc tịch là gì?
– Thôi quốc tịch là việc đương sự bị mất quốc tịch xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của đương sự khi họ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mình cho phép họ thôi quốc tịch.
– Để được thôi quốc tịch đương sự phải làm đơn xin thôi quốc tịch gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khi được phép thôi quốc tịch họ sẽ không được coi là công dân của nước đó nữa. Pháp luật các nước đều quy định một số điều kiện chủ yếu để xin thôi quốc tịch như:
• Đã hoàn thành hoặc được miễn nghĩa vụ quân sự
• Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính cho quốc gia mà họ xin thoi quốc tịch.
• Không phải thi hành các phán quyết dân sự
• Không bị truy tố hình sự trong thời gian xin thôi quốc tịch
3. Bị tước quốc tịch là gì?
– Tước quốc tịch là việc công dân bị chính quốc gia mà mình mang quốc tịch tước bỏ quyền được mang quốc tịch trên cơ sở những hành vi vi phạm pháp luật của nước đó, thông thường đó là những hành vi gây phương hại đến lợi ích và uy tín của quốc gia…
– Tước quốc tịch là biện pháp trừng phạt mà quốc gia thi hành đối với công dân nước mình khi họ không còn xứng đáng với danh hiệu công dân nữa. Như vậy việc một người có quốc tịch cũng chính là vấn đề liên quan đến danh dự cá nhân. Vì vậy chỉ khi nào công dân có hành vi vi phạm cụ thể và được luật quy định mới có thể bị tước quốc tịch.
Trình tự thủ tục và điều kiện tước quốc tịch được quy định trong pháp luật quốc gia của mỗi nước và hoàn toàn phải tôn trong nguyên tắc đã được đưa ra trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948. Theo đó, “mọi người đều có quyền có một quốc tịch; không ai bị tước quốc tịch một cách vô cớ và bị từ chối quyền được đổi quốc tịch”.
4. Đi du học thì có bị mất quốc tịch Việt Nam không?
Tóm tắt câu hỏi:
Bạn tôi sang Mỹ du học từ tháng 1/2013 và đã được gia đình bảo lãnh nhập quốc tịch Mỹ. Tôi băn khoăn là sau khi bạn ấy trở về Việt Nam, bạn ấy có mất quốc tịch Việt Nam không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Quốc tịch, bạn không còn quốc tịch Việt Nam nếu thuộc các trường hợp sau:
“1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.
2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.
3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, trường hợp những người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày 1/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam, nhưng trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/7/2009, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam (Điều 13 Luật quốc tịch 2008).
4. Trường hợp trẻ em chưa đủ 15 tuổi tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà cha, mẹ là người có quốc tịch nước ngoài và trường hợp con chưa thành niên khi cha mẹ thôi quốc tịch Việt Nam.
5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định về việc người không có quốc tịch Việt Nam”.
Điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ–CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam quy định: “Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam”.
Do đó, khi bạn của bạn được bão lãnh ở Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ nhưng bạn chưa thôi quốc tịch Việt Nam thì bạn của bạn vẫn có quốc tịch Việt Nam.
5. Nhập quốc tịch nước ngoài có bị mất quốc tịch Việt Nam không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên là lê Ngọc Diễm sinh năm 1985 .Tôi sang Mỹ 5 năm và đã nhập quốc tịch Mỹ cách đây vài tháng trước. Này tôi có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam và muốn đứng tên ,Nhưng không biết quốc tịch Việt Nam của tôi vẫn còn hay tự mất đi sau khi tôi nhập quốc tịch Mỹ? Hiện nay tôi vẫn còn hộ chiếu của Việt Nam Đến năm 2017 mới hết hạn .
Xin hỏi nếu như tôi muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải làm giấy tờ gì? Hiện tại tôi đang ở bên Mỹ những giấy tờ đó có thể gửi qua fax hay bưu điện được không? Hãy tôi phải trực tiếp về Việt Nam để làm tất cả các hồ sơ xin nhập tịch? Rất mong nhận được sự trả lời của quý Luật sư. Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2014 sửa đổi quy định:
“Người có quốc tịch Việt Nam
1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật quốc tịch có hiệu lực (01/07/2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam như: Giấy khai sinh (trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ); Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài; Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi… thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Điều 26 Luật Quốc tịch quy định các trường hợp mất quốc tịch Việt Nam bao gồm:
“- Được thôi quốc tịch Việt Nam (có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam);
– Bị tước quốc tịch Việt Nam; Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai và có quốc tịch Việt Nam mà chưa đủ 15 tuổi thì không còn quốc tịch Việt Nam trong trường hợp tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài;
– Mất quốc tịch trong trường hợp thay đổi quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; Mất quốc tịch theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Từ các quy định trên, đối tượng phải đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc các trường hợp mất quốc tịch Việt Nam, có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam trước ngày 01/7/2009 (ngày Luật Quốc tịch có hiệu lực) và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau ngày 01/07/2009, không phải đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam.
Do đó, bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau ngày 01/7/2009, có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là hộ chiếu Việt Nam và không thuộc các trường hợp mất quốc tịch Việt Nam nên bạn đương nhiên vẫn được xác định có quốc tịch Việt Nam mà không phải đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam.