Quy định về mở lớp dạy thêm, trung tâm học thêm ngoài nhà trường. Mở lớp dạy thêm có bị xử phạt không? Cách thức mở trung tâm dạy thêm được quy định như thế nào?
Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Lý do hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 Điều 74 Luật đầu tư ngày 26/11/2014. Thời điểm hết hiệu lực ngày 01/07/2016. Xoay quanh vấn đề này là các quy định về mở lớp dạy thêm, trung tâm học thêm ngoài nhà trường, mở lớp dạy thêm có bị xử phạt không Cách thức mở trung tâm dạy thêm được quy định như thế nào? Bài viết sau đây, Luật sư Luật Dương Gia xin trình bày, phân tích các vấn đề trên như sau:
Mục lục bài viết
Thứ nhất, không cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo quy định mới
Theo quy định Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đưa ra khái niệm là dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học tổ chức dạy. Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về thu và quản lý tiền học thêm đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
– Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
– Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm bị hết hiệu lực một số điều luật do Luật đầu tư năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2016 loại bỏ ngành nghề tổ chức dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các điều luật sau bị hết hiệu lực:
Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm.
Điều 9. Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 10. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Điều 11. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 12. Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm.
Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 14. Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2016 ban hành danh mục các ngành nghề có điều kiện, nên dạy thêm, học thêm không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 thì Bộ và cơ quan ngang bộ không được ban hành những quy định về thủ tục hành chính, vì vậy mà hàng loạt các quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT hết hiệu lực thi hành sẽ không cấp phép dạy thêm.
Thứ hai, cách thức mở trung tâm dạy thêm được quy định như thế nào?
Hiện nay, các tổ chức, cá nhân có mong muốn và đáp ứng đủ các điều kiện chỉ cần đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản riêng và trụ sở giao dịch ổn định, được thành lập theo thủ tục pháp luật quy định, lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính hay chức năng nhiệm chính là kinh doanh. Hộ kinh doanh cá thể là cá nhân hoặc hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Về hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
– Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi
+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
+ Ngành, nghề kinh doanh;
+ Số vốn kinh doanh;
+ Số lao động;
+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
– Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
Về hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp:
Cá nhân, tổ chức gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp gồm những giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên (Đối với công ty TNHH)
– Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Đối với công ty cổ phần)
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
+ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên hoặc cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với thành viên hoặc cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Mặc dù đã có những quy định nới lỏng hơn với ngành nghề kinh doanh này nhưng các tổ chức, cá nhân kinh doanh trung tâm dạy thêm, học thêm vẫn phải đáp ứng một số các yêu cầu đặc thù riêng biệt như về trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên dạy học, quy chuẩn bàn ghế, không gian học thêm, dạy thêm, đảm bảo sự an toàn cho người học và người dạy… Nhà nước sẽ có những chế tài xử lý cụ thể trong các trường hợp trên.
Điều 20 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:
– Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
– Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Giáo viện tự mở lớp dạy thêm khi đang không biên chế tại trường học được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật sư của Luật Dương Gia! Tôi có thắc mắc mong luật sư tư vấn giúp. Vợ tôi tốt nghiệp Đại học Mở Hà Nội, chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn lữ hành (Trình độ tiếng anh theo yêu cầu đào tạo có thể phiên dịch đươc). Sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm thòi gian đào tạo 6 tháng. Nhưng hiện tại không tham gia dạy học trong trường nào cả. Hiện nay ở nhà và nhận kèm các cháu học thêm tiếng anh tại nhà tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh bình (có phòng học, bàn ghế, bảng viết, ánh sáng đầy đủ đảm bảo cho các cháu học) Thời gian dạy học sinh ban ngày không quá 11h, ban đêm không quá 22h. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là mỗi khi phụ huynh đến đón con hoặc đưa con đến học thì hay đứng ở đường (chỉ đứng đợi khoảng 5 đến 10 phút khi chờ con tan lớp) khiến mọi người đi lại hơi khó khăn chứ không phải gây tắc đường, vì đường trong nông thôn); mỗi khi các cháu nghỉ giải lao hay ra đường nô đùa khiến mọi người đi lại phải chú ý, có lúc các cháu cười đùa to tiếng. Vậy xin hỏi luật sư là vợ tôi có vi phạm quy định về dạy thêm học thêm không, có vi phạm về mất trật tự an ninh công cộng không. Nếu vì một lý do nào đó có hàng xóm phản ánh lên chính quyền là nhà tôi làm mất trật tự an ninh thì tôi phải giải quyết ra sao. Kính mong luật sư tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn! ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2012/BGDDT về các trường hợp không được dạy thêm:
“1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”
>>>
Vậy muốn hỏi về việc vợ bạn dạy thêm có vi phạm quy định hay không thì cần xác định các yếu tố có nằm trong các trường hợp bị cấm hay không. Nếu có như học sinh mà vợ bạn dạy là học sinh tiểu học hay học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì bạn không được tiếp tục hoạt động dạy thêm này nữa, còn nếu vợ bạn không vi phạm quy định nào ở trên thì sẽ có thể tiếp tục. Vợ bạn cần đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp.
Hiện nay, vợ bạn được miễn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nên vợ bạn không phải làm thủ tục xin cấp giấy phép này mới được mở lớp. Có thể thấy khi không phải xin cấp giấy phép mở lớp dạy thêm học thêm vợ bạn sẽ phải cam kết về việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường… nên vợ bạn phải có trách nhiệm khi hoạt động của mình ảnh hưởng tới an ninh trật tự xung quanh đó. Vợ bạn cần phải tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này nếu không sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính về việc giữ gìn trật tự, an toàn công cộng.