Lưu trú là gì? Trường hợp nào cần lưu trú? Xử lý như thế nào đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về lưu trú? So sánh quy định về lưu trú trong Luật Cư trú năm 2020 và Luật Cư trú năm 2006?
Nhà nước đã xây dựng những quy định về việc quản lý dân cư, như việc quản lý tạm trú, tạm vắng, cư trú. Vậy, đối với các trường hợp chỉ ở tạm một thời gian ngắn như qua đêm tại một địa điểm thì nhà nước quản lý như thế nào? Với câu hỏi đó, thì Nhà nước đã ban hành quy định về lưu trú. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các quy định pháp luật về lưu trú.
Luật sư
Cơ sở pháp lý
– Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013
– Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực vào ngày 01/7/2021;
– Nghị định số 167/2013/NĐ- CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
– Thông tư số 55/2021/TT- BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có hiệu lực ngày 01/77/2021.
1. Lưu trú là gì?
Theo quy định tại Điều 31 Luật cư trú 2006 thì việc lưu trú và
“Điều 31. Lưu trú và thông báo lưu trú
1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.”
Như vậy, có thể hiểu lưu trú là việc cá nhân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phương, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình tuy nhiên các trường hợp này không thuộc trường hợp phải tiến hành thực hiện hoạt động phải đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, quy định này chưa quy định cụ thể là trường hợp nào phải thực hiện đăng ký lưu trú. Luật cư trú năm 2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2021 quy định: “Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.” Như vậy, trong quy định này đã quy định rõ ràng về thời gian mà cá nhân ở lại nơi không phải nơi thường trú hoặc nơi họ đã đăng ký tạm trú ít hơn 30 ngày thì phải lưu trú.
2. Trường hợp nào cần lưu trú?
Tại Luật Cư trú năm 2006 quy định về các trường hợp cần thông báo lưu trú đó chính là
“2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.” (Điều 31)
Như vậy, theo quy định này, thì trong các trường hợp có người từ nơi khác đến các gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác mà không phải là các cá nhân đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú trong một thời gian nhất định thì cần thực hiện hoạt động thông báo lưu trú.
Chủ thể thực hiện hoạt động thông báo lưu trú cho cơ quan có thẩm quyền đó chính là đại diện hộ gia đình, đại diện nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác. Tuy nhiên, trong trường hợp hộ gia đình, nhà ở tập thể có người đến lưu trú lại không đăng ký thường trú tại địa phương đó, tức họ chỉ đăng ký tạm trú hoặc cũng có thể đang lưu trú ở địa phương thì chính cá nhân đến lưu trú thực hiện hoạt động thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động thông báo lưu trú là hoạt động bắt buộc đối với đại diện nơi có người đến lưu trú, và đối với các cá nhân lưu trú nhằm đảm bảo sự quản lý dân cư của nhà nước.
Chủ thể tiếp nhận thông báo lưu trú đó chính là Công an xã, phường, thị trấn nơi mà cá nhân đến lưu trú. Khi nhận được thông báo lưu trú, thì các cán bộ công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm ghi nội dung thông báo lưu trú vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Phương thức thông báo lưu trú, thì cá cá nhân có thể thông báo lưu trú trực tiếp tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Hoặc thực hiện thông báo lưu trú qua mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính hoặc thông qua điện thoại.
Thời điểm thực hiện thông báo lưu trú đó chính là trước 23 giờ ngày mà cá nhân đến lưu trú. Trường hợp cá nhân đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện vào sáng ngày hôm sau. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột đến lưu trú nhiều lần tại địa phương, thì đại diện gia đình nơi cá nhân đến lưu trú chỉ cần thực hiện thông báo lưu trú một lần.
Ví dụ đối với câu hỏi: “Tôi làm nghề kinh doanh khách sạn, tôi thường nhận khách ở qua đêm và chỉ hỏi CMND của cả hai. Đến 23 giờ mỗi ngày tôi đi đăng ký lưu trú cho họ, tôi chỉ đăng ký cho người có giấy CMND, người còn lại tôi không đăng ký. Vậy nếu công an đến kiểm tra, khách sạn có bị phạt không. Và tôi nên làm gì khi nhận những vị khách như vây, tôi có nên cho họ ở không ?”
Thì đối chiếu đối với các quy định phân tích ở trên ở trên, thì đối với câu hỏi không thông báo lưu trú đối với người không có Giấy chứng minh nhân dân có vi phạm không, vì có thể trả lời rằng thực hiện như vật là không đúng, do việc lưu trú và thông báo lưu trú không yêu cầu phải có Giấy chứng minh nhân dân, do đó không cần phải có việc người có CMND bảo lãnh cho người còn lại. Nếu lưu trú trước 23 giờ có thể thông báo lưu trú trực tiếp hoặc qua điện thoại, lưu trú sau 23h thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau.
3. Xử lý như thế nào đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về lưu trú?
Trong Nghị định số 167/2013/NĐ- CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có những quy định về việc xử lý đối với hành vi không thực hiện các quy định pháp luật về lưu trú như sau:
“Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…..
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…..
đ) Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với
Như vậy, đối với hành vi không thực hiện việc thông báo lưu trú đối với cơ quan theo quy định của Luật cư trú sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể mức phạt đối với các cá nhân, chỉ hộ gia đình không thực hiện khai báo lưu trú đó chính là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; và mức phạt đối với quy định về cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú đó chính là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Theo quy định của pháp luật hành chính, thì thông thường mức phạt sẽ được tính là trung bình cộng của mức cao nhất và mức thấp nhất của khung hình phạt, và căn cứ tùy trường hợp vi phạm cụ thể mà có thể áp dụng mức cao nhất hoặc thấp nhất của khung hình phạt.
4. So sánh quy định về lưu trú trong Luật Cư trú năm 2020 và Luật Cư trú năm 2006
Luật Cư trú năm 2020 ra đời có những quy định tiến bộ, khắc phục những hạn chế trong Luật Cư trú năm 2006. Và quy định về thông báo lưu trú cũng có những thay đổi nhất định.
Tại Khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2020 quy định như sau: “1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú”. Như vậy, Luật Cư trú năm 2020 không quy định theo hướng liệt kê về nơi lưu trú như nhà tập thể, khách sạn,… như luật cũ mà chia thành 4 nhóm chính đó chính là gia đình, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú và cơ sở khác có chức năng lưu trú. Và đối với quy định này so với luật cũ, thì chủ thể thực hiện hoạt động lưu trú đã rộng hơn, có thêm chủ thể là cơ sở lưu trú du lịch- việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp, khi du lịch đang trở thành một ngành dịch vụ phát triển vượt bậc, và khi du lịch thì luông dân cư di chuyển rất nhiều, gây khó khăn trong việc quản lý dân cư.
Điểm khác biệt nữa, đó chính là thành viên trong hộ gia đình cũng có thể thực hiện thông báo lưu trú chứ không chỉ có đại diện hộ gia đình như luật cũ. Luật mới đã thay đổi quy định về việc hộ gia đình, nhà tập thể không có đăng ký thường xuyên thì người lưu trú thực hiện thông báo lưu trú mà thay bằng việc thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở thì cá nhân lưu trú sẽ thực hiện hoạt động thông báo lưu trú.
Điểm mới trong Luật Cư trú năm 2020 là trong luật quy định rõ về nội dung thông báo về lưu trú, bao gồm các thông tin sau: họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.(Khoản 3 Điều 30)
Về thời điểm thông báo lưu trú thì kế thừa luật cũ, nhưng quy định chi tiết về việc thông báo lưu trú sau 23 giờ sẽ được thực hiện trước 08 giờ sáng ngày hôm sau.
Phương thức thông báo lưu trú được quy định tại Thông tư số 55/2021/TT- BCA cũng có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2021 đó là thông báo lưu trú trực tiếp, qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử, thông qua trang thông tin điện tử, thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.