Hiện nay, mặc dù có nhiều luồng quan điểm trái chiều tuy nhiên việc lắp đặt camera ở các môi trường mầm non là biện pháp quan trọng và phù hợp để bảo đảm cho em được sống an toàn và lành mạnh, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em. Vậy quy định về lắp đặt camera ở trường mầm non hiện nay được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về lắp camera trường mầm non như thế nào?
Trước hết cần phải khẳng định, theo quy định của pháp luật hiện nay thì chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc chưa có một điều luật cụ thể nào quy định bắt buộc về việc phải lắp đặt hệ thống camera ở trường học nói chung và trường mầm non trong phạm vi cả nước nói riêng. Tuy nhiên xét theo nhu cầu thực tế, về phía gia đình và phía phụ huynh học sinh luôn luôn mong muốn đảm bảo cho con em mình có một môi trường học tập lành mạnh và phát triển tốt nhất. Đồng thời, về phía nhà trường thì việc lắp đặt camera cũng là một điều vô cùng quan trọng, đây cũng là một trong những tiêu chí khẳng định chất lượng với phụ huynh, nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học và trong cơ sở giáo dục của mình, nâng cao uy tín của trường học và phát triển hơn nữa nên tảng khoa học – kĩ thuật – công nghệ thông tin trong trường, phục vụ cho mục đích giáo dục.
Nhiều Sở giáo dục và đào tạo hiện nay cũng nhận thấy sự cần thiết cần phải lắp đặt camera trong trường mầm non để đảm bảo cho trẻ em được sinh hoạt an toàn và lành mạnh, ở nhiều nơi, Sở giáo dục và đào tạo đã đưa ra những chính sách khuyến khích cơ sở mầm non cần thiết lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh. Vì vậy trên phương diện thực tế, hiện nay các Sở giáo dục và đào tạo đều đang khuyến khích các ngôi trường mầm non lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh bảo vệ trẻ em trong quá trình giảng dạy.
Bởi vì đây được xem là một trong những phương tiện vô cùng hiệu quả để cán bộ giáo viên trong nhà trường có thể kiểm soát tốt nhất hoạt động giáo dục chăm sóc trẻ em, việc lắp đặt camera đồng thời cũng cần phải nhận được sự thống nhất giữa cơ sở mầm non và ban đại diện cha mẹ học sinh, tức là trong quá trình lắp đặt thì cần phải tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh, và trong quá trình sử dụng tuyệt đối không được thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tới quyền riêng tư của trẻ em.
2. Lắp camera ở trường mầm non có vi phạm quy định pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh trong những trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, bao gồm:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia dân tộc hoặc vì lợi ích chung cộng đồng;
– Hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động công cộng, trong đó bao gồm hoạt động hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hoạt động công cộng khác tuy nhiên không làm ảnh hưởng hoặc tổn hại đến danh dự nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền về đời sống bí mật riêng tư cá nhân và bí mật gia đình. Theo đó:
– Đời sống riêng tư bí mật cá nhân và bí mật gia đình được xem là một trong những vấn đề bất khả xâm phạm, được pháp luật Việt Nam bảo vệ;
– Việc thu thập, lưu giữ, công khai thông tin, sử dụng các thông tin liên quan đến hoạt động đời sống riêng tư và bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó, việc thu thập và lưu giữ, quản lý và sử dụng hoặc công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình bắt buộc phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Văn bản hợp nhất Luật trẻ em năm 2018 có quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư. Theo đó:
– Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích và sự phát triển tốt nhất của trẻ em;
– Trẻ em được pháp luật bảo vệ tối đa về danh dự nhân phẩm, uy tín, bí mật điện thoại, thư tín, điện tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, đồng thời trẻ em cũng được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Theo đó thì có thể nói, để hạn chế việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em, nhiều trường mầm non quan ngại về việc lắp đặt camera là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, đặc biệt là xâm phạm đến quyền riêng tư. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận lợi ích tuyệt vời mà hệ thống camera mang lại khi lắp đặt trong trường mầm non, vì vậy pháp luật không bắt buộc trường mầm non phải lắp đặt camera, tuy nhiên trong quá trình lắp đặt camera thì cần phải sử dụng đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không xâm phạm đến hình ảnh cá nhân và không xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em để tránh bị xử phạt không mong muốn. Đồng thời trong quá trình lắp đặt hệ thống camera thì cần phải tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng ý của các bậc phụ huynh.
Bên cạnh quy định của pháp luật, nhiều quan điểm trái chiều đến từ các bậc phụ huynh cho rằng việc lắp đặt camera sẽ xâm phạm đến quyền riêng tư và không tạo ra không gian thoải mái tự do cho học sinh, giáo viên như sau:
– Xâm phạm đến quyền riêng tư. Nhiều phụ huynh cho rằng việc lắp đặt hệ thống camera ở các môi trường mầm non, đặc biệt là mầm non công lập đã và đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của lớp học. Bởi vì lớp học là nơi các em học tập và sinh hoạt hằng ngày, vì thế không thể tránh khỏi những khoảnh khắc riêng tư, khi lắp đặt hệ thống camera thì sẽ quay lại toàn bộ những hình ảnh đó, ảnh hưởng tới đời sống cá nhân của học sinh và giáo viên;
– Lắp đặt camera tạo ra không gian gò bó, thiếu sự tự do và thoải mái. Sự thoải mái là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng khi tham gia vào môi trường lớp học, khi có sự thoải mái thì học sinh mới phát triển được lành mạnh và phát huy được hết khả năng của mình. Giáo viên cũng là người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy chăm sóc trẻ em. Vì vậy điều mà các cô giáo quan tâm đó là môi trường và khả năng kết nối giữa học sinh và giáo viên, tạo cho các em có không gian vui chơi giải trí thoải mái nhất có thể. Thế nhưng việc lắp đặt camera đã vô tình tạo ra giao cảm vô hình khiến cho tất cả mọi người mất đi sự tự do không mong muốn;
– Tăng áp lực cho giáo viên trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Một số ý kiến cho rằng, việc lắp đặt camera tại trường mầm non sẽ tăng áp lực cho giáo viên mầm non. Dưới sự giám sát quá chặt chẽ và nghiêm khắc của camera, giáo biết khó lòng có thể phát huy được hết khả năng của mình, một số giáo viên sẽ mất tự tin trong quá trình thể hiện năng lực, tiết học diễn ra không thoải mái, thay vào đó là sự cẩn trọng quá mức.
Vì vậy, để đảm bảo giữ được quyền riêng tư cho mọi cá nhân, trong đó bao gồm cả học sinh và giáo viên mầm non, hiện nay có khá nhiều cơ sở mầm non đã không lựa chọn hình thức lắp đặt hệ thống camera để giám sát. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của việc lắp đặt camera, vì vậy trong quá trình lắp đặt thì cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật, và có thể cân nhắc về việc cơ sở mầm non của mình có nên lắp đặt camera hay không và có nhận được sự đồng ý ủng hộ của phụ huynh hay không.
3. Lợi ích của việc lắp camera ở trường mầm non?
Có thể kể đến một số lợi ích cơ bản của việc lắp đặt hệ thống camera giám sát ở trường mầm non như sau:
– Ngăn chặn hành vi bạo lực, bảo đảm cho trẻ em có môi trường phát triển lành mạnh và toàn diện, bởi vì tình trạng bạo lực trẻ em hiện nay diễn ra ở nhiều nơi gây ảnh hưởng lớn tới đời sống, gây hoang mang tâm lý cho nhiều bậc phụ huynh;
– Giảm thiểu tối đa nạn bắt cóc trẻ em, giảm thiểu hành vi vi phạm quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật đối với các chủ thể trong môi trường giáo dục;
– Đem lại sự an tâm cho các bậc phụ huynh, tạo ra một môi trường giám sát an ninh vô cùng chặt chẽ, đây là một trong những điều kiện tiêu chuẩn để nâng cao sự an tâm khi phụ huynh gửi gắm con em đến một cơ sở mầm non;
– Phụ huynh dễ dàng nắm bắt thông tin và trao đổi với giáo viên trong quá trình học tập của con, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của cơ sở mầm non, dễ dàng quản lý và giám sát tình hình của lớp học, nâng cao chất lượng trong môi trường giáo dục;
– Nâng cao ý thức của giáo viên trong quá trình đứng lớp, điều chỉnh hành vi của giáo viên sao cho đúng với chuẩn mực sư phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH 2018 Luật Trẻ em;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: