Quy định về lập biên bản xử phạt công trình xây dựng trái phép. Biên bản xử phạt hành chính cũ lập sai, lập biên bản mới thay thế.
Quy định về lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Biên bản xử phạt hành chính cũ lập sai có được lập biên bản mới thay thế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biên bản vi phạm hành chính về xây dựng lập năm 2009 có một phần nội dung sai pháp luật. UBND phường đã ban hành quyết định hủy quyết định xử phạt sai và lập lại biên bản mới để trình UBND quận ra quyết định khắc phục hậu quả (yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng). Vậy có được xem là 01 hành vi mà lập hai lần biên bản không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
2. Luật sư tư vấn:
Xử phạt là việc áp dụng chế tài có tính chất trừng phạt, gây ra cho đối tượng bị xử phạt thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, do người có thẩm quyền, nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật. Xử phạt vi phạm hành chính là việc áp dụng xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải tội phạm theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì:
"Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần."
Theo nguyên tắc này thì trong thời gian tiến hành xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một vi phạm hành chính cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt không được xử phạt lần thứ hai đối với vi phạm đó.
Quy định xử phạt một lần đối với một hành vi vi phạm hành chính có ý nghĩa nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng trong việc xử phạt, tránh tình trạng xử phạt nhiều lần đối với một vi phạm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đồng thời, đảm bảo hiệu lực của quyết định xử phạt đối với từng vi phạm hành chính cụ thể.
Trong thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính việc xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có thể có những sai sót trong việc ban hành Quyết định xử phạt. Các sai sót phổ biến như: các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa xác định đúng thẩm quyền ban hành, các căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không chính xác, hình thức quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn nhầm lẫn…
Để xử lý các trường hợp sai sót đối với quyết định về xử lý vi phạm nêu trên, tại Khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:
"Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Khi có quyết định mới thay thế quyết định xử phạt cũ thì biên bản xử phạt cũ và quyết định xử phạt cũ sẽ không còn hiệu lực, tuy nhiên quyết định này phải được sửa đổi kịp thời, và vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, không để rơi vào tình trạng 1 hành vi bị xử phạt nhiều lần thì mới không vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần.