Quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo Luật lao động!
Đất nước càng phát triển thì việc quan tâm đến an sinh xã hội càng phải được để tâm, đặc biệt là vấn đề sức khỏe. Đối tượng cần được bảo đảm về sức khỏe để giúp đất nước phát triển ngoài trẻ em đương nhiên cần lưu ý đến tầng lớp người lao động – người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất làm ra của cải vật chất nhất.
Khám sức khỏe cho người lao động thường xuyên giúp cho người sử dụng lao động đánh giá được mức độ phù hợp về sức khỏe của người lao động với công việc đang thực hiện; qua đó nếu phát hiện được bệnh tiềm tàng phát sinh do tiếp xúc môi trường nghề nghiệp thì kịp thời chữa trị.
Nhà nước cũng nhận thấy vấn đề quan tâm đến sức khỏe người lao động cần chú trọng nên có quy định về việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Vậy về việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp được quy định ra sao, bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quyền được khám sức khỏe định kỳ của người lao động:
Trong quá trình tuyển dụng việc làm thì người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người ứng tuyển có đủ đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia làm việc làm một tiêu chí đánh giá để tuyển dụng và sắp xếp lao động.
Sau khi được tuyển dụng và đi làm trong doanh nghiệp, theo Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động thì người lao động có quyền được chăm sóc sức khỏe. Cụ thể quyền được khám sức khỏe định kỳ của người lao động như sau:
+ Mỗi năm ít nhất một lần, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho tất cả lao động.
Đối với những đối tượng lao động đặc biệt như những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
+ Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
+ Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
+ Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
+ Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Tóm lại, theo quy định tại
Người sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe và quản lý hồ sơ sức khỏe cho người lao động. Điều này cũng được
+ Người sử dụng lao động dựa vào quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với từng ngành nghề, công việc và
+ Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Sau đó tiến hành lập, lưu giữ để quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động thông thường; đặc biệt quản lý hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp.
+ Sau khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả cho họ biết.
+ Hằng năm, người sử dụng lao động phải lập báo cáo về việc quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyên môn theo luật định.
Tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT cũng quy định cụ thể các nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối trong vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người lao động làm việc trong công ty của mình. Trong các nghĩa vụ về bảo đảm sức khỏe thì việc khám sức khỏe định kỳ được quy định là người sử dụng lao động phải quản lý sức khỏe và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.
Vậy nên, doanh nghiệp phải tiến hành lập, lưu giữ và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân các lao động, hồ sơ quản lý tình hình sức khỏe toàn bộ lao động.
Nếu người sử dụng lao động mà không thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, lập và quản lý hồ sơ sức khỏe theo quy định pháp luật thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính.
2. Chi phí khám sức khỏe định kỳ của người lao động:
Theo quy định pháp luật thì toàn bộ chi phí dùng cho hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp sẽ do người sử dụng lao động cho trả. Theo quy định tại Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì số tiền chi trả này người sử dụng lao động được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Do đó, tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làm việc tại công ty của mình và phải trả toàn bộ số tiền cho hoạt động khám sức khỏe định kỳ sau đó sẽ hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.
Như vậy, khi tham gia khám sức khỏe định kỳ, người lao động không phải mất bất kỳ một chi phí nào. Đây là quyền lợi được hưởng và hoàn toàn miễn phí đối với người lao động.
3. Trình tự, thủ tục khám sức khỏe định kỳ của người lao động:
Khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp thì hồ sơ khám sức khỏe gồm những giấy tờ sau:
+ Sổ khám sức khỏe định kỳ (có mẫu theo Phụ lục số 03 ban hành kèm Thông tư 14/2013/TT-BYT).
+ Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ riêng lẻ: phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp nơi người lao động đang làm việc.
Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ theo hợp đồng (tức khám theo đợt tập trung do doanh nghiệp tổ chức): phải có tên trong danh sách lao động khám sức khỏe định kỳ do doanh nghiệp lập (lập bằng văn bản có dấu xác nhận).
Cơ sở khám sức khỏe định kỳ sau khi nhận được hồ sơ sẽ tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định pháp luật. Sau khi khám xong, cơ sở khám sức khỏe sẽ ghi kết luận cùng chữ ký xác nhận vào sổ khám sức khỏe định kỳ. Tiếp đó, trả lại sổ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nếu khám sức khỏe đơn lẻ; chuyển cho người sử dụng lao động hoặc cho người lao động theo như hợp đồng đã thỏa thuận nếu thuộc trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng.
Sau khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cơ sở khám sức khỏe thông báo kết quả cho người lao động biết. Tình trạng sức khỏe của người lao động sau mỗi lần thăm khám được ghi đầy đủ vào sổ khám sức khỏe định kỳ của mỗi người.
Tất cả hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của người lao động sẽ do người sử dụng lao động lập và quản lý. Người sử dụng lao động sẽ quản lý hồ sơ sức khỏe từ lúc người lao động bắt đầu làm việc cho đến khi nghỉ việc, trừ trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động thì dù nghỉ hưu người sử dụng lao động vẫn phải lưu giữ hồ sơ sức khỏe.
Trên đây là bài viết của Luật Dương gia về vấn đề “Quy định về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp”. Mọi thắc mắc liên quan đến pháp luật lao động và tất cả các lĩnh vực khác hãy liên hệ với Luật Dương gia để được giải đáp.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho hỏi, tôi đang làm việc tại một công ty đồ gỗ, sơn sản phẩm. Vậy cho hỏi theo quy định về khám sức khỏe định kỳ công ty tôi phải tổ chức khám mấy lần trong 1 năm? Khám những hạng mục nào? Và theo văn bản pháp lý nào quy định? tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
“Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
…”
Theo quy định nêu trên thì đối với người lao động làm công việc bình thường thì mỗi năm được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần. Đối với những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mỗi năm phải được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 06 tháng 01 lần. Đây là quyền mà người lao động được hưởng. Đồng thời, đây cũng là nghĩa vụ của người lao động. Khi người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, người lao động có nghĩa vụ phải tham gia khám sức khỏe đầy đủ để người sử dụng lao động lập hồ sơ sức khỏe.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm việc tại một công ty đồ gỗ, sơn sản phẩm, do bạn không nói rõ công việc cụ thể nên bạn cần căn cứ theo Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện hành, nếu công việc được xếp vào nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ được khám ít nhất 06 tháng 1 lần, nếu là công việc bình thường thì phải khám cho người lao động ít nhất 01 năm 1 lần. Do đó, theo quy định trên thì hàng năm công ty bạn phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong công ty.
Căn cứ theo các quy định tại Chương II Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định về thủ tục, nội dung khám sức khỏe từ Điều 4 đến Điều 8. Cụ thể tại Điều 6 quy định về nội dung khám sức khỏe như sau:
“Điều 6. Nội dung khám sức khỏe
1. Đối với KSK cho người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với KSK cho người chưa đủ 18 (mười tám) tuổi nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Đối với trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Sổ KSK định kỳ quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
…”
Theo đó, đối với khám sức khỏe cho người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không thuộc trường hợp khám sức khỏe định kỳ thì khám theo nội dung ghi trong Giấy khám sức khỏe quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT bao gồm các nội dung như: tiền sử bệnh của đối tượng khám sức khỏe ( bản thân, gia đình), khám thể lực chung (chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp,…), khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa (nội, ngoại, sản, mắt,…), khám cận lâm sàng,…
Đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ thì sẽ thực hiện khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ của người lao động theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo thông tư 14/2013/TT-BYT bao gồm các nội dung như: tiền sử bệnh, tật của người lao động, khám thể lực (chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp,…), khám lâm sàng (nội khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu), khám cận lâm sàng.