Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện đối với cán bộ, công chức để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, vô tư trong thời gian công tác. Vậy quy định về kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức gồm có nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về kê khai tài sản thu nhập:
1.1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản hàng năm:
Kê khai tài sản, thu nhập được hiểu là quá trình ghi nhận các thông tin về loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản của cá nhân thuộc trường hợp phải kê khai. Qúa trình này phải được ghi nhận với các thông tin rõ ràng, đầy đủ, chính xác từ việc hình thành, nguồn gốc sở hữu tài sản; quá trình tăng thêm thu nhập được ghi theo mẫu hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, bao gồm:
– Các đối tượng là ngạch công chức và giữ chức danh sau đây:
+ Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.
+ Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP;
+ Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 33 Luật Phòng chống tham nhũng đã ghi nhận về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức mà còn phải kê khai tài sản, thu nhập của cả vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.
Do đó, những người thân của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của người đó cũng nằm trong diện kê khai và được kiểm tra giám sat từ cơ quan có thẩm quyền.
1.2. Hình thức kê khai tài sản:
Căn cứ Điều 36 Luật Phòng chống tham nhũng thì quá trình kê khai tài sản được thực hiện theo 1 trong 03 hình thức, đó là: kê khai tài sản lần đầu, tiến hành kê khai bổ sung và thực hiện hoạt động kê khai hằng năm. Với mỗi hình thức kê khai lại áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức nói riêng. Cụ thể:
– Tiến hành kê khai lần đầu: được thực hiện bởi những người đang giữ vị trí công tác hoặc lần đầu giữ vị trí công tác gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an và Quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập…
– Hoạt động kê khai bổ sung: trong năm nếu cá nhân có sự biến động về tài sản, thu nhập mà giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì phải tuân thủ nghĩa vụ kê khai này;
– Kê khai hằng năm: được áp dụng đối với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở trở lên; người công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác không phải giữ chức vụ từ Giám đốc Sở trở lên.
Lưu ý: Khoản 3 Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức sẽ không tiến hành kê khai tất cả đối tượng thuộc trường hợp phải kê khai mà có thể lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Như vậy, trong các đối tượng phải kê khai hằng năm, sẽ có cán bộ, công chức được lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh việc kê khai cũng như kê khai tài sản, thu nhập và biến động phải kê khai tài sản, thu nhập của người thân gồm vợ/chồng, con chưa thành niên.
2. Thời gian thực hiện kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức:
Thời gian thực hiện kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần tuân thủ theo nội dung trình bày dưới đây:
– Đối với thời điểm hoàn thành kê khai lần đầu:
Cán bộ, công chức phải hoàn thành việc kê khai trong vòng 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
– Thời điểm hoàn thành việc kê khai bổ sung:
Thời điểm để cá nhân hoàn tất trách nhiệm kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên là trong thời hạn trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập.
– Thời điểm hoàn thành việc kê khai hàng năm:
Mốc thời gian trước ngày 31 tháng 12 hàng năm được sử dụng mặc định để cá nhân đang giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ tiến hành kê khai tài sản thu nhập.
– Thời điểm hoàn thành việc kê khai phục vụ công tác cán bộ:
– Theo quy định thì trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác của cán bộ công chức thì phải hoàn tất nghĩa vụ kê khai, thời gian chậm nhất để thực hiện là 10 ngày;
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.
3. Thủ tục tiến hành kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức:
Việc hướng dẫn kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức được quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP và Quyết định 70/QĐ-TTCP năm 2021 như sau:
– Bước 1: Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (gọi tắt là người có nghĩa vụ kê khai) có trách nhiệm trong việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai được quy định tại Điều 34 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
+ Người thực hiện kê khai sẽ được Cơ quan, tổ chức gửi mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu, hướng dẫn việc ghi các thông tin kê khai tài sản, thu nhập.
– Bước 2: Tiến hành kê khai
Dựa theo mẫu kê khai được cung cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người có nghĩa vụ kê khai sẽ thực hiện trong hai bản và tiến hành gửi về cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc.
Thông tin về tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:
+ Thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng của cá nhân thực hiện kê khai;
+ Tất cả tài sản thuộc loại Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;
+ Nếu có căn cứ cho rằng tài sản ở nước ngoài;
+ Ngoài ra, các thông tin liên quan đến tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
Hiện nay, nếu bản kê khai được thực hiện không đúng mẫu và thông tin cung cấp không đầy đủ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại. Thời hạn kê khai bổ sung hoặc kê khai lại là 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
– Bước 3: Kiểm tra bản kê khai:
Sau khi nhận được bản kê khai của cá nhân đã điền thông tin thì trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý sẽ phải rà soát, kiểm tra nếu văn bản hợp lệ thì bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống tham nhũng 2018.
– Bước 4: Công khai bản kê khai
+ Địa điểm thực hiện công khai bản kê khai là tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc;
+ Văn bản này phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm nếu người này trong tương lai có thể được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị
+ Đối với các cá nhân đang là ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì tiến hành công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử;
+ Cá nhân khi nằm trong trường hợp dự kiến bầu hoặc phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì thông tin này cần được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn;
+ Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng chống tham nhũng 2018;
– Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.