Tặng cho tài sản là một trong những giao dịch rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia cung cấp cho bạn đọc những thông tin rõ hơn về hợp đồng tặng cho tài sản là gì? Quy định về hợp đồng tặng cho tài sản.
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
Tặng cho tài sản là một trong những hình thức chuyển giao quyền sở hữu trong các giao dịch dân sự. Việc tặng cho tài sản được thể hiện dưới hình thức là hợp đồng tặng cho tài sản.
Hợp đồng tặng cho tài sản là văn bản thể hiện việc chuyển giao tài sản giữa người tặng cho và người nhận tặng cho. Đây là loại hợp đồng không có đền bù. Bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào.
2. Quy định về hợp đồng tặng cho tài sản:
– Hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản: Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định về hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản, do đó, hợp đồng tặng cho tài sản có thể được thể hiện bởi lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể pháp luật quy định thì hợp đồng tặng cho tài sản buộc phải lập bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý: Hợp đồng tặng cho nhà ở, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất…
– Nội dung của hợp đồng tặng cho tài sản: Nội dung của hợp đồng tặng cho tài sản gồm một số nội dung chính:
+ Đối tượng của hợp đồng: tài sản tặng cho
+ Điều kiện tặng cho (nếu có)
+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên
+ Việc nộp thuế và lệ phí chứng thực
+ Phương thức giải quyết tranh chấp
Tặng cho tài sản bao gồm các trường hợp tặng cho động sản và tặng cho bất động sản.
Tặng cho động sản
Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản. Đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký.
Tặng cho bất động sản
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
a, Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật và đạo đức xã hội
b, Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
c, Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Khởi kiện hợp đồng tặng cho tài sản:
Tóm tắt câu hỏi:
Tại lễ hỏi của anh A và chị B, cha mẹ của anh A mang tặng cho chị B 02 chỉ vàng. Khi chưa đến ngày cưới thì anh A và chị B mâu thuẫn, hôn lễ không được tiến hành, cha mẹ anh A làm đơn khởi kiện yêu cầu chị B trả lại 02 chỉ vàng. Trường hợp này cha mẹ của anh A có được quyền khởi kiện không? Có thể chấp nhận yêu cầu của cha mẹ anh A hay không?
Luật sư tư vấn:
Vấn đề trước tiên cần xác định là có quyền khởi kiện không phải là khái niệm đồng nhất với khái niệm có quyền lợi hợp pháp và có căn cứ, nói cách khác là quyền khởi kiện không đồng nghĩa với thắng kiện. Về nguyên tắc, vụ việc phải được giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật mới đi đến phán quyết chấp nhận hay bác yêu cầu của đương sự. Vậy thì trường hợp nào là trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự do “người khởi kiện không có quyền khởi kiện”?
Đó là trường hợp quyền dân sự mà họ yêu cầu không có căn cứ pháp luật, hay nói cách khác là theo hệ thống pháp luật hiện hành thì họ không có quyền đó. Ví dụ: Anh X khởi kiện yêu cầu được chia di sản của anh trai với lý do có công chăm sóc anh trai khi vợ, con của anh trai đang ở xa thì đây là trường hợp anh X không có quyền khởi kiện; nhưng nếu anh X khởi kiện yêu cầu được chia di sản của anh trai với lý do có di chúc của anh trai cho anh được thừa kế thì lại là trường hợp anh A có quyền khởi kiện.
Trong trường hợp của câu hỏi này thì cha mẹ của anh A được quyền khởi kiện về hợp đồng tặng cho vì họ là một bên trong hợp đồng tặng cho tài sản. Việc chấp nhận yêu cầu của cha mẹ anh A hay không phải tùy trường hợp cụ thể. Có thể được hiểu là việc tặng cho người con dâu tương lai ấy với điều kiện người được cho trở thành con dâu họ. Tức là việc tặng cho có điều kiện theo quy định tại điều 470
4. Tặng cho tài sản xong có đòi lại được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi việc tặng cho tiền và mượn tiền của người khác thì có quy định về việc hợp đồng hay giấy tờ gì khác không? Nếu cha mẹ cho con tiền xong một thời gian sau đòi lại con có phải trả lại không? Vì sao?
Luật sư tư vấn:
Việc tặng cho tiền và mượn tiền của người khác đều được pháp luật quy định trong Bộ luật dân sự và được thể hiện dưới hình thức hợp đồng. Theo Điều 465 Bộ luật dân sự quy định về Hợp đồng tặng cho tài sản thì Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
Còn hợp đồng mượn tiền người khác chính là Hợp đồng vay tài sản, được quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự, theo đó Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trong trường hợp các bên không giao kết hợp đồng bằng văn bản thì pháp luật cũng công nhận Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định theo Điều 401 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên khi giao kết các loại hợp đồng trên bạn nên lập thành văn bản và nếu cần thiết thì nên đi công chứng tại văn phòng công chứng để tăng giá trị pháp lý của hợp đồng phòng trường hợp không may xảy ra.
Về vấn đề bố mẹ cho con tiền sau đó đòi lại, về nguyên tắc khi đây được coi là hành đồng tặng cho tài sản giao kết bằng hình thức lời nói có sự chấp thuận của cả hai bên cho và bên nhận, khi tặng cho tài sản, bên tặng cho không yêu cầu đền bù nên bạn có thể không cần trả số tiền đó cho bố mẹ. Tuy nhiên, về mặt đạo đức giữa bố mẹ và con, nếu có điều kiện bạn nên trả lại số tiền đó cho bố mẹ mình.
5. Giải quyết vấn đề thiệt hại xảy ra trong hợp đồng tặng cho tài sản:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi: Theo như tôi biết hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù, vô điều kiện, tức bên tặng cho tài sản không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào về phần mình, toàn bộ tài sản tặng cho và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản này đều thuộc quyền sở hữu của bên nhận tặng cho tài sản từ khi hợp đồng này có hiệu lực( sau khi bên tặng cho trao tài sản cho bên nhận tặng cho trên thực tế). Vậy nếu tài sản nhận được gây ra thiệt hại cho bên được tặng thì bên tặng có nghĩa vụ gì không? Cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định về tặng cho tài sản quy định tại Bộ luật dân sự:
“Điều 465. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Theo như đó đây là dạng hợp đồng tặng cho không có đền bù. Tuy nhiên có hai dạng hợp đồng tặng cho là tặng cho không có điều kiện và tặng cho có điều kiện chứ không phải chỉ có dạng vô điều kiện như bạn nói. Tặng cho tài sản có điều kiện được quy định tại Điều 470 Bộ luật dân sự.
“Điều 470. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Trong trường hợp tài sản tặng cho gây thiệt hại cho bên được tặng cho thì bên tặng cho chỉ có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không
“Điều 469. Thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho
Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trong trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.”