Hiện nay thị trường chứng khoán phát triển hết sức sôi nổi và mạnh mẽ, bởi sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin giúp kết nối được nhà đầu tư vào thị trường này. Vậy hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là chứng khoán phái sinh?
Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở (có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại… hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất…), loại chứng khoán này quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm:
– Hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định. Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là chỉ số chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành sau khi báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
– Hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn giao dịch thỏa thuận dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.
– Chứng khoán phái sinh giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán phải có các nội dung chủ yếu sau: thông tin về tài sản cơ sở bao gồm: tên, các thông tin khác về tài sản cơ sở; thông tin về chứng khoán phái sinh bao gồm: tên hợp đồng, quy mô hợp đồng, phương thức giao dịch, giới hạn vị thế, thời gian giao dịch, thời gian đáo hạn, ngày thanh toán cuối cùng, ngày giao dịch cuối cùng, ngày niêm yết, phương thức thực hiện thanh toán, bước giá, đơn vị yết giá, biên độ dao động giá,….
Tổ chức, cá nhân được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng nếu có vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà bị cơ quan có thẩm quyền cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn thì không được tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh. Trong quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Ở nước ta hiện nay, sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam bao gồm: Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm).
2. Quy định về hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh:
Trách nhiệm tổ chức các giao dịch chứng khoán phái sinh thuộc về Sở giao dịch chứng khoán, theo đó sở giao dịch chứng khoán tổ chức, vận hành hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan.
Việc tạm ngừng giao dịch một, một số hoặc toàn bộ chứng khoán phái sinh trên thị trường được sở giao dịch chứng khoán thực hiện sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nếu xảy ra một trong các trường hợp như:
– Giá trị của tài sản cơ sở do thị trường cơ sở ngừng giao dịch không thể xác định được giá trị, tài sản cơ sở bị tạm ngừng giao dịch trong vòng 03 ngày làm việc.
– Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc sự cố kỹ thuật tại hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán.
– Tạm ngừng theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định Giao dịch chứng khoán phái sinh theo hợp đồng tương lai được thực hiện thông qua các thành viên giao dịch và Sở giao dịch chứng khoán theo phương thức giao dịch khớp lệnh và phương thức giao dịch thỏa thuận. Đối với giao dịch chứng khoán phái sinh giao dịch theo hợp đồng kỳ hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.
Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Đồng thời, nhà đầu tư phải thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế; nếu không thực hiện thủ tục này nhà đầu tư không thực hiện việc giảm vị thế, thành viên bù trừ được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư về mức đảm bảo tuân thủ giới hạn vị thế trên tài khoản.
3. Đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh:
– Để đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau:
Là công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh; Đáp ứng yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ cho giao dịch chứng khoán phái sinh; Có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp đăng ký làm thành viên không bù trừ.
– Để đăng ký thành viên giao dịch của công ty chứng khoán cần chuẩn chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm:
+ Giấy đăng ký thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh theo mẫu
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp
+ Bản thuyết minh về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Sở giao dịch chứng khoán
+ Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp đăng ký làm thành viên không bù trừ.
Công ty chứng khoán đăng ký cần nộp hồ sơ gốc, nếu nộp bản sao thì là bản sao có chứng thực. Hồ sơ này gửi đến Sở giao dịch chứng khoán theo các hình thức là trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời điểm 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở giao dịch chứng khoán có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký thành viên giao dịch hoàn thiện cơ sở vật chất, cài đặt hệ thống, kết nối các phần mềm truyền nhận dữ liệu giao dịch, thử nghiệm giao dịch và các công việc triển khai giao dịch khác. Nếu hồ sơ có thiếu sót hoặc không hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký thành viên giao dịch sửa đổi, bổ sung.
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày công ty chứng khoán hoàn tất các công việc chuẩn bị triển khai giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán ra Quyết định chấp thuận tư cách thành viên giao dịch và công bố thông tin về thành viên mới trên phương tiện công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán.
Công ty chứng khoán sẽ bị từ chối đăng ký thành viên giao dịch nếu tổ chức đăng ký thành viên thuộc một trong các trường hợp sau: không đủ điều kiện làm thành viên giao dịch; hồ sơ đăng ký làm thành viên có tài liệu giả mạo hoặc có thông tin sai sự thật; công ty chứng khoán không hoàn thiện thủ tục để được cấp quyết định chấp thuận tư cách thành viên giao dịch trong vòng 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán có văn bản gửi công ty chứng khoán theo quy. Lúc này Sở giao dịch chứng khoán cần thông báo bằng văn bản cho công ty chứng khoán và nêu rõ lý do từ chối.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Nghị định 158/2020/NĐ-CP chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 158/2020 về chứng khoán phái sinh