Theo quy định của pháp luật hiện nay, bầu cử, khiếu nại và tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được hiến pháp ghi nhận. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong bầu cử.
Mục lục bài viết
1. Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử:
Hiện nay, khiếu nại và tố cáo trong bầu cử được quy định cụ thể tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (hay còn được gọi tắt là Luật bầu cử). Nhìn chung thì có thể nói, hoạt động khiếu nại và tố cáo trong bầu cử sẽ tập trung vào những vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với danh sách cử tri trong hoạt động bầu cử. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Luật bầu cử năm 2015 có quy định về việc khiếu nại đối với danh sách cử tri. Cụ thể như sau:
– Trong quá trình kiểm tra danh sách cử tri, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện ra có sai sót thì trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày niêm yết, công dân hoàn toàn có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri đó theo thủ tục do pháp luật quy định. Cơ quan lập danh sách cử tri sẽ phải ghi nhận những thông tin khiếu nại của công dân vào sổ khiếu nại. Trong khoảng thời gian 05 ngày được tính kể từ ngày nhận được khiếu nại của công dân, cơ quan lập danh sách cử tri sẽ phải giải quyết khiếu nại, sau đó thông báo cho người khiếu nại về kết quả giải quyết;
– Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, hoặc hết thời gian giải quyết nhưng người khiếu nại vẫn không được giải quyết, thì công dân hoàn toàn có quyền khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Thứ hai, khiếu nại và tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử. Căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Luật bầu cử năm 2015 có quy định về hoạt động khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và lập danh sách người ứng cử. Cụ thể như sau:
– Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, liên quan đến quá trình lập danh sách đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được gửi đến ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử cấp quốc gia. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại lần 02 đến hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được xem là quyết định cuối cùng;
– Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên quan đến quá trình lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì sẽ được gửi tới ban bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người khiếu nại, người tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của ban bầu cử, thì công dân hoàn toàn có quyền khiếu nại lần hai đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương đương. Quyết định của Ủy ban bầu cử sẽ được xem là quyết định cuối cùng;
– Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ cần phải thực hiện hoạt động ghi vào sổ thụ lý, giải quyết khiếu nại và tố cáo đã nhận được của công dân theo thẩm quyền.
Thứ ba, khiếu nại và tố cáo về vấn đề kiểm phiếu. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 75 của Luật bầu cử năm 2015 có quy định cụ thể như sau:
– Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nhận nội dung vào biên bản;
– Trong trường hợp tổ bầu cử không giải quyết được thì cần phải ghi rõ ý kiến của tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, sau đó chuyển đến cho ban bầu cử.
Thứ tư, giải quyết khiếu nại về vấn đề kết quả bầu cử. Căn cứ theo quy định tại Điều 87 của Luật bầu cử năm 2015 có quy định cụ thể như sau:
– Khiếu nại liên quan đến kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội sẽ được gửi đến chủ thể có thẩm quyền đó là Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất trong khoảng thời gian 05 ngày được tính kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội;
– Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ cần phải gửi đến chủ thể có thẩm quyền đó là Ủy ban bầu cử chậm nhất trong khoảng thời gian 05 ngày được tính kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
– Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phải có nghĩa vụ xem xét và giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được văn bản khiếu nại. Ủy ban bầu cử sẽ phải có nghĩa vụ xem xét và giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đối với đại biểu Hội đồng nhân dân trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày nhận được văn bản khiếu nại;
– Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định giải quyết khiếu nại của Ủy ban bầu cử sẽ được xem là quyết định cuối cùng.
2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử:
Căn cứ theo quy định tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Quốc Hội năm 2015 có quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bầu cử. Cụ thể như sau:
– Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử của đại biểu Quốc hội, chuyển giao hồ sơ, chuyển giao các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động khiếu nại và tố cáo đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật;
– Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh/thành phố sẽ có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại và tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của ban bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ bầu cử. Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tố cáo liên quan đến hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội do ban bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ bầu cử chuyển đến, có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại và tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội;
– Ủy ban bầu cử ở các cấp sẽ có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại, tố cáo đối với quá trình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân do mình quản lý, có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại/tố cáo liên quan đến hoạt động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình do ban bầu cử chuyển đến, có thẩm quyền giải quyết khiếu nại/tố cáo liên quan đến những người ứng cử và quá trình lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc cấp mình;
– Ban bầu cử có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại và tố cáo đối với quá trình thực hiện công tác bầu cử của các tổ bầu cử, có thẩm quyền giải quyết hoạt động khiếu nại và tố cáo liên quan đến hoạt động bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến.
3. Những khiếu nại, tố cáo trong bầu cử không giải quyết:
Có thể kể đến những trường hợp khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bầu cử không được giải quyết như sau:
– Các trường hợp khiếu nại quá thời gian khiếu nại theo quy định của pháp luật, các trường hợp khiếu nại đang được cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết, các trường hợp khiếu nại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao nhất xem xét và đưa ra kết luận, đưa ra quyết định có hiệu lực;
– Các trường hợp tố cáo giấu tên, tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ địa chỉ, các trường hợp tố cáo có tên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và đưa ra kết luận trên thực tế, nay tiếp tục thực hiện thủ tục tố cáo lại tuy nhiên không có thêm các loại giấy tờ và tài liệu chứng cứ mới làm thay đổi bản chất của vụ việc;
– Đơn tố cáo có tên tuy nhiên không rõ nội dung, không chứa đựng hoặc phản ánh đầy đủ nội dung tố cáo, đơn tố cáo không do người tố cáo trực tiếp ký tên, được lập trái quy định của pháp luật, đơn tố cáo có từ 02 người trở lên cùng ký tên, đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Quốc hội năm 2015.