Bộ công thương ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP, trong đó nêu bật quy định về đào tạo kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về nội dung đào tạo kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp:
- 2 2. Quy trình công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp:
- 3 3. Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về đa cấp hoạt động như thế nào?
- 4 4. Khung chương trình đào tạo pháp luật về bán hàng đa cấp:
- 5 5. Mẫu đơn đề nghị công nhận chương trình đào tạo pháp luật về bán hàng đa cấp:
1. Quy định về nội dung đào tạo kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp:
Căn cứ Điều 35
– Các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, pháp luật về quảng cáo, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Nội dung các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Lưu ý: Nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải được sự công nhận của Bộ công thương.
2. Quy trình công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bao gồm:
– Đơn đề nghị công nhận (theo mẫu số 13a).
– Quyết định thành lập cơ sở có chức năng đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương (bản sao).
– Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
– Danh sách bao gồm ít nhất 02 giảng viên có trình độ từ đại học trở lên.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
– Doanh nghiệp sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên sẽ nộp đến Bộ công thương.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
– Bộ Công Thương xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong vòng 07 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận.
– Sau khi tiếp nhận và kiểm tra, hồ sơ không hợp lệ thì Bộ công thương sẽ có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo bổ sung hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ công thương tổ chức thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định công nhận trong vòng 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: nếu như có sự thay đổi thông tin trong hồ sơ đề nghị công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp đã được công nhận, cơ sở đào tạo phải thông báo cho Bộ Công Thương bằng văn bản.
Bộ Công Thương tổ chức thẩm định hồ sơ và ban hành thông báo công nhận nội dung thông tin thay đổi trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận.
Nếu như thông tin thay đổi có nội dung trái với pháp luật thì Bộ công thương phải thông báo không công nhận nội dung thay đổi đó.
3. Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về đa cấp hoạt động như thế nào?
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định về hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về đa cấp bao gồm:
– Tổ chức đào tạo:
+ Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật phải đảm bảo tiến hành đào tạo đúng với nội dung, chương trình đã được công nhận.
+ Cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo, cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm thực hiện báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản về kết quả đào tạo tại cơ sở.
– Thực hiện lưu trữ hồ sơ:
+ Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp thực hiện lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định. Cụ thể hồ sơ lưu trữ sẽ gồm:
- Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho mỗi khóa đào tạo.
- Hồ sơ nhập học của học viên, danh sách học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo của từng khóa đào tạo.
- Hồ sơ quản lý việc cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
– Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp:
+ Cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo tổng kết hoạt động đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của năm trước đó tới Bộ Công thương: thời gian trước ngày 31/1 hàng năm.
+ Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc đào tạo và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp vào hàng năm.
+ Bộ Công Thương có thể yêu cầu cơ sở đào tạo khắc phục sai phạm hoặc tạm đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp căn cứ trên kết quả kiểm tra và tùy vào mức độ sai phạm.
+ Trong các trường hợp sau thì Bộ Công Thương thu hồi, đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp: cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ hoặc các sai phạm không thể khắc phục được; cơ sở đào tạo bị giải thể.
4. Khung chương trình đào tạo pháp luật về bán hàng đa cấp:
Căn cứ Điều 3 Thông tư số
Thứ nhất, tổng quan về bán hàng đa cấp:
– Khái niệm, đặc điểm của bán hàng đa cấp.
– Thực trạng bán hàng đa cấp ở Việt Nam và trên thế giới.
Thứ hai, pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp:
– Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
– Cơ quan quản lý.
– Các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp bán hàng đa cấp (quy định về đăng ký hoạt động, các vấn đề cần tuân thủ trong quá trình hoạt động, các hành vi bị cấm).
– Các vấn đề pháp lý liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp (việc ký hợp đồng, đào tạo cơ bản, cấp thẻ thành viên; các vấn đề cần tuân thủ trong quá trình hoạt động; các hành vi bị cấm).
– Các quy định cơ bản của pháp luật về hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
– Xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp.
Thứ ba, quy tắc đạo đức nghề nghiệp bán hàng đa cấp:
– Quy tắc ứng xử đối với người tiêu dùng.
– Quy tắc ứng xử giữa doanh nghiệp và người tham gia.
– Quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp.
Thứ tư, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
– Tổng quan pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Các quyền của người tiêu dùng.
– Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng (về cung cấp thông tin, chính sách bảo hành, thu hồi sản phẩm …).
– Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm, pháp luật về quảng cáo:
– Tổng quan về quảng cáo.
+ Các khái niệm cơ bản.
+ Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
– Các vấn đề về quảng cáo cần lưu ý trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp:
+ Hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
+ Điều kiện quảng cáo.
+ Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo.
+ Lưu ý đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
5. Mẫu đơn đề nghị công nhận chương trình đào tạo pháp luật về bán hàng đa cấp:
TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …. | …..ngày …. tháng…. năm… |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP
Kính gửi: ……
1. Tên cơ sở đào tạo (ghi bằng chữ in hoa): ………
Địa chỉ của trụ sở chính:……….
Điện thoại:……. Fax:………
2. Quyết định thành lập cơ sở chức năng đào tạo được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ có giá trị pháp luật tương đương:……….
Đề nghị công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trên cơ sở bộ hồ sơ kèm theo như sau:
3. Văn bản, tài liệu kèm theo1: ……
Người liên hệ:……… Điện thoại:……..
Chúng tôi cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo.
| ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐÀO TẠO |
____________________
1 Các văn bản, tài liệu kèm theo gồm:
1. Bản sao quyết định thành lập cơ sở có chức năng đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
2. Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp;
3. Danh sách bao gồm ít nhất 02 giảng viên có trình độ từ đại học trở lên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
– Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.