Đại diện là gì? Phân loại đại diện? Đại diện pháp luật trong tố tụng dân sự là gì? Quyền và nghĩa vụ của người đại diện? Chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự?
Đương sự trong vụ án dân sự có quyền tự mình tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Họ cũng có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vậy Đại diện pháp luật trong tố tụng dân sự là gì? Người đại diện có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Trường hợp nào thì sẽ chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự?
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Đại diện là gì?
– Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện như sau:
“1.Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó;
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.”
Như vậy trong giao lưu dân sự, các chủ thể có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tuy nhiên, trong vài trường hợp nhất định có thể thông qua hành vi của người khác là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của mình. Cá nhân người ủy quyền cũng như người được ủy quyền phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập
2. Phân loại đại diện
2.1. Đại diện theo pháp luật của cá nhân:
Theo điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm
+ Cha mẹ đối với con chưa thành niên, con chưa thành niên sẽ đương nhiên được cha, mẹ đại diện trong các quan hệ hệ với người thứ ba.
+ Người giám hộ đối với người được giám hộ.
+ Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
+ Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện
+ Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2.2. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân:
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại điều 137 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ (đối với pháp nhân thương mại)
+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Ví dụ trong một vụ tranh chấp dân sự, Tòa án có thể chỉ định người đại diện cho công ty bị đơn là Giám đốc chi nhánh của công ty đó vì chi nhánh đó là đơn vị trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự đang có tranh chấp.
2.3. Đại diện theo ủy quyền:
Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. (Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015)
– Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
– Trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì người đó phải đáp ứng đủ năng lực hành vi dân sự với nội dung ủy quyền mà pháp luật định, nếu bên ủy quyền là pháp nhân thì việc ủy quyền phải thông qua hành vi của người đại diện theo pháp luật của mình
– Đại diện pháp luật theo ủy quyền có thể xác lập thông qua một hợp đồng ủy quyền hoặc cũng có thể thông qua hành vi ủy quyền mang tính hành chính ( văn bản ủy quyền). Nếu việc ủy quyền được xác lập thông qua hợp đồng ủy quyền thì phải có sự thỏa thuận của cả hai nên và thông thường được xác lập giữa các bên không có mối quan hệ lao động với nhau. Nếu việc ủy quyền được xác lập thông qua hành vi ủy quyền hành chính thì đó chính là ý chỉ của người có quyền đối với người có nghĩa vụ thực hiện nên việc ủy quyền này là ý chí của một bên (bên ủy quyền) còn người được ủy quyền sẽ thực hiện.
– Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Ví dụ, Đất của ông A là đất hộ gia đình, ông A muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà B. Tuy nhiên trong hợp đồng chuyển nhượng phải có chữ ký của tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu của ông A tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. TRong trường hợp gia đình ông A có thành viên không có hoặc chưa có đủ hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật có thể ký thay hoặc có ủy quyền bằng văn bản cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình đó.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
3. Đại diện pháp luật trong tố tụng dân sự là gì?
– Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng dân sự là người thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án. Tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự thì người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo đó người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cũng chính là người đại diện theo pháp luật trong Bộ luật dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
– Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
– Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
– Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của
Lưu ý: Các trường hợp không được làm người đại diện:
+ Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
+ Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
+ Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện:
Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng dân sự như sau:
“1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.”
Theo đó, các quyền và nghĩa vụ mà người đại diện được phép thực hiện sẽ được hai bên người đại diện và người được đại diện thỏa thuận với nhau. Và người đại diện chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong phạm vi của nội dung thỏa thuận đó.
5. Chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự:
– Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp sau thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
+ Trường hợp họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
+ Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó.