Quy định về cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội? Vai trò và ý nghĩa hoạt động cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội?
Bảo hiểm xã hội là một chính sách do nhà nước ban hành để đảm bảo quyền lợi cho con người trong những truong hợp cụ thể nhất là đối với người lao động. Bảo hiểm xã hội do cơ quan nhà nước quản lý về bảo hiểm xã hội trong tất cả các hoạt động cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này có quyền hạn và trách nhiệm để phát triển lĩnh vực này. Vậy cụ thể quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 89/2020/NĐ-CP, ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Quy định về cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
1.1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
5. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Như quy định trên chúng ta thấy các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội sẽ có các cấp khác nhau từ trung ương tới địa phương, những cơ quan này có trách nhiệm hoạt động quản lý pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nhà nước thành lập quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ độc lập thuộc Ngân sách Nhà nước và giao cho Tổng Công đoàn Việt Nam quản lý và cơ quan này nay là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quản lý toàn bộ quỹ này và sau này giao cho ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý quỹ hưu trí và tử tuất. Có thể thấy đây là Điều lệ tạm thời nhưng đã quy định đầy đủ 6 chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ này chủ yếu dựa trên nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm khuyến khích mọi người tăng cường kỷ
1.2. Vị trí và chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo quy định tại điều 1. Vị trí và chức năng Nghị định 89/2020/NĐ-CP, ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định cụ thể:
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Viet Nam Social Security, viết tắt là VSS.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm xã hội là một quá trình từ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện chiến lược, chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội đến việc tổ chức bộ máy thực hiện cũng như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội
Các cơ quan quản lý nhà nước, ban chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội ở địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; quản lý tốt đối tượng tham gia nhằm tăng cường quản lý quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng để có kế hoạch phát triển. Việc phát triển đối tượng tham gia là một trong những chỉ tiêu quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tham gia.
Với vị trí đó thì cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội thực hiện các chức năng của mình như thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngăn chặn kịp thời tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xử lý nghiêm những đơn vị cố tình trốn đóng, chiếm dụng, nợ quỹ bảo hiểm kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và các tổ chức, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó thì cần phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục thu, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
2. Vai trò và ý nghĩa hoạt động cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo khoản 1 điều 3 Luật bảo hiểm xã hội thì có thể hiểu bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất, dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội.
Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội nói chung hiện nay đang là vấn đề cấp bách và cần thiết phải tìm ra các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội nhằm xác định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đóng quỹ bảo hiểm và trách nhiệm của nhà nước đối với ngành bảo hiểm xã hội. Việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia, bảo tồn được quỹ bảo hiểm, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của nước ta.
Thông qua hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội các cơ quan đã thực hiện phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm và thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quản lý tốt đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cơ sở. Nâng cao hiệu quả sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo.
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mọi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì công tác thực hiện chi trả các chế độ, chính sách đối với người lao động cần được kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm chi trả đúng đối tượng, không bỏ sót, sẵn sàng chi trả các chế độ trợ cấp cho người lao động và bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, hạn chế thấp nhất việc gây thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội.
Kết luận: chúng ta có thể thấy pháp luật quy định rất cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với những hoạt động của bảo hiểm xã hội thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này và đồng thời phát hiện ra những hành vi trái pháp luật, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về bảo hiểm xã hội.Pháp luật đã quy định rất cụ thể và chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng và trách nhiệm của cơ quan quản lý, theo đó các cấp quản lý phải tuân thủ đúng quy định đề ra.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quy định về cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.