Qũy từ thiện, quỹ xã hội được lập nên với múc đích hỗ trợ người gặp khó khăn thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Vậy quy định về cơ cấu, tổ chức của quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thể hiện với nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Hiểu biết chung về quỹ từ thiện, quỹ xã hội:
Trong đời sống xã hội, không ít những cá nhân gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt hơn so với người khác nên dựa trên tinh thần tương thân tương ái mà các quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thành lập vì mục đích hỗ trợ, động viên về vật chất và tinh thần cho các cá nhân này. Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì bạn đọc có thể có cách hiểu chính xác và đầy đủ về các thuật ngữ “Qũy”, ” Qũy xã hội”, “Qũy từ thiện”, cụ thể như sau:
+ Quỹ: là thuật ngữ được sử dụng chỉ tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc việc thành lập này thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ;
+ Quỹ xã hội: theo quy định là quỹ được tổ chức, hoạt động chính để đạt được mục đích nhân văn là hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho cá nhân được tham gia vào giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận;
+ Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính là hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do bị ảnh hưởng từ sự cố mà thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn đem đến và mục đích khác cần được nhắc đến là hướng đến các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Ngày nay, việc thành lập quỹ không hề có những điều kiện khó khăn mà chỉ cần đảm bảo đầy đủ điều kiện như sau:
+ Qũy được thành lập với mục đích hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
+ Trước khi tiến hành thành lập và trong quá trình hoạt động cũng phải có sáng lập viên thành lập quỹ bảo đảm quy định tại Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
+ Liên quan đến vấn đề về tài sản thành lập quỹ thì cần đảm bảo rằng ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
+ Cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu giấy tờ để nộp bộ hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.
2. Quy định về cơ cấu, tổ chức của quỹ từ thiện, quỹ xã hội:
– Liên quan đến cơ cấu, tổ chức của quỹ từ thiện, quỹ xã hội thì nội dung này được trình bày xuyên suốt trong Chương III của Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Cơ quan đầu tiên được xây dựng cho quỹ từ thiện, quỹ xã hội đó là Hội đồng quản lý quỹ:
+ Hội đồng quản lý quỹ được biết đến là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý của quỹ, nhân danh quỹ để đưa ra quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quỹ; những thành viên nằm trong hội đồng quản lý quỹ phải đảm bảo là có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích. Liên quan đến thành phần của Hội đồng quản lý quỹ thì phải có tối thiểu 03 thành viên trong đó số lượng thành viên Hội đồng quản lý quỹ là công dân Việt Nam tối thiểu 51% do sáng lập viên đề cử, đối với trường hợp không có đề cử của sáng lập viên thành lập quỹ, Hội đồng quản lý quỹ nhiệm kỳ trước có trách nhiệm thực hiện việc xét bầu để bầu ra Hội đồng quản lý quỹ nhiệm kỳ tiếp theo và những việc làm này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này công nhận. Ngày nay, nhiệm kỳ Hội đồng quản lý quỹ không quá 05 năm. Hội đồng quản lý quỹ gồm các cá nhân giữ chức vụ: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên.
+ Xét đến trường hợp quỹ thành lập trên cơ sở tài sản hiến, tặng hoặc di chúc thì thành viên là tổ chức hoặc cá nhân đại diện cho tài sản đó chiếm không quá 1/3 tổng số thành viên trong Hội đồng quản lý quỹ.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ:
+ Cá nhân để có thể trở Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ thì cá nhân phải là công dân Việt Nam đã được Hội đồng quản lý quỹ bầu và là người đại diện theo pháp luật của quỹ. Theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ có thể kiêm Giám đốc quỹ;
+ Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ không quá 05 năm. Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế;
+ Đối với trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ kiêm Giám đốc quỹ thì bắt buộc phải ghi rõ các nội dung trong các giấy tờ giao dịch của quỹ;
+ Để duy trì sự hoạt động của quỹ mà trường hợp vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ có thể tiến hành ủy quyền cho cá nhân khác mà theo đó văn bản ủy quyền sẽ được gửi cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ theo nguyên tắc quy định tại điều lệ quỹ;
+ Công việc của chủ tịch hội đồng quản lý sẽ được hỗ trợ từ các cá nhân nằm trong sự quản lý của mình, những người giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ có các Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ; nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch do điều lệ quỹ quy định;
+ Cá nhân, người đại diện tổ chức nước ngoài góp tài sản để thành lập quỹ hoặc có nhiều đóng góp cho quỹ, được các sáng lập viên thành lập quỹ đề cử, có thể được Hội đồng quản lý quỹ bầu làm Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý quỹ hoặc tôn vinh làm Chủ tịch danh dự của quỹ.
– Giám đốc quỹ:
+ Giám đốc quỹ do Hội đồng quản lý quỹ bổ nhiệm trong số thành viên Hội đồng hoặc trong một số trường hợp có thể thuê người khác làm Giám đốc quỹ đều được pháp luật chấp thuận;
+ Nhiệm vụ của Giám đốc quỹ là thực hiện việc điều hành công việc hằng ngày của quỹ, những trách nhiệm của cá nhận này sẽ nằm trong sự giám sát của Hội đồng quản lý quỹ, mọi vấn đề sẽ chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý quỹ và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc quỹ không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại.
– Phụ trách kế toán của quỹ:
+ Người phụ trách kế toán quỹ được Hội đồng quản lý quỹ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc quỹ và thực hiện tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế phụ trách kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
+ Liên quan đến trách nhiệm của người được giao phụ trách kế toán của quỹ thì người này hỗ trợ Giám đốc quỹ tổ chức, thực hiện công tác kế toán, làm các công việc thống kê của quỹ theo quy định của pháp luật;
+ Theo quy định thì sẽ không bổ nhiệm người phụ trách kế toán thuộc trường hợp những người không được làm kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
+ Hoạt động quyết toán là một trong những công việc chỉ yếu của người phụ trách kế toán, nên cá nhân này phải chịu trách nhiệm quyết toán khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể quỹ hoặc chuyển công tác khác.
– Ban Kiểm soát quỹ:
Ban Kiểm soát quỹ trong quá trình thành lập cũng không thể thiếu, và được Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ quyết định thành lập theo nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ. Thành viên trong quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh hoặc quỹ có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam phải có ít nhất 03 thành viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên. Đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã thì Hội đồng quản lý quỹ thực hiện chức năng kiểm soát quỹ.
3. Quỹ từ thiện, quỹ xã hội có được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện:
Căn cứ Điều 32 của Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì đã ghi nhận các nội dung liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện của quỹ như sau:
– Việc thành lập chi nhánh văn phòng đại diện sẽ chỉ được diễn ra nếu quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh và việc được thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện chỉ thực hiện ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với đặt trụ sở chính của quỹ. Hoạt đọng thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cần tuân thủ quy định về hồ sơ, thủ tục, theo đó cá nhân chuẩn bị và gửi 01 bộ hồ sơ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;
– Khi được thành lập thì Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của quỹ; những hoạt động thường nhật phải theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ. Quỹ chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
– Bên cạnh đó, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của quỹ chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.