Khái quát về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa? Thực tiễn pháp luật về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Các chủ thể khi tham gia
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ họ, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu cho bên mua hàng hóa mà pháp luật cho phép chuyển giao, còn bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán một giá trị tương ứng với giá trị của hàng hóa.
Rủi ro là những sự số xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng gây tổn thất về hàng hóa hoặc tạo cho các bên không thực hiện đúng hợp đồng gây thiệt hại cho một bên hoặc các bên tham gia ký kết. Chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa được hiểu là việc xác định bên mua hay bên bán phải gánh chịu những mất mát hoặc hư hỏng về hàng hóa tại những thời điểm và trong các trường hợp nhất định. Khi nhắc tới chuyển rủi ro trọng tâm nhất là thời điểm chuyển rủi ro, theo đó, thời điểm chuyển dịch rủi ro trong mua bán hàng hóa là một mốc thời gian cụ thể, nhằm xác định được rủi ro đã được chuyển dịch từ bên bán sang bên mua, theo đó các bên sẽ dựa vào cột mốc này để phân định quyền và nghĩa vụ của mình khi có rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
2. Thực tiễn pháp luật về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được quy định từ Điều 57 đến Điều 61 Luật Thương mại, theo đó các bên được thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được chia thành các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Chú ý: Theo nhận định trên, trong các trường hợp dưới đây, tác giả sẽ chỉ phân tích các trường hợp pháp luật quy định mà không nhắc lại đến việc ưu tiến thỏa thuận của các bên.
Thứ nhất, chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định.
Có địa điểm giao hàng xác định được hiểu như sau: đó là địa điểm đã được các bên thỏa thuận và xác định rõ trong hợp đồng mua bán (có địa chỉ cụ thể), trường hợp không thỏa thuận thì xác định theo quy định của pháp luật (Điều 35 Luật Thương mại. Địa điểm giao hàng thường là địa điểm kinh doanh của bên bán hoặc tại một bến xe, bến tàu nào đó.
Việc chuyển rủi ro trong trường hợp này được nêu rõ: “nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được ủy quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa.“.
Như vậy, thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa đã được giao cho bên mua tại địa điểm đó mà không kể bên mua đã trực tiếp nhận hay chưa hoặc thời điểm hàng hóa được giao và người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó.
Đây là trường hợp xác định thời điểm chuyển giao rủi ro dễ dàng nhất so với các trường hợp còn lại.
Thứ hai, chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định.
Theo quy định tại b, Khoản 2, Điều 35 Luật Thương mại: “Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau: b) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên.” Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng xác định thì “người vận chuyển đầu tiên” được xem là một “địa điểm”.
Theo đó, việc chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định là: “nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.”
Như vậy, thời điểm chuyển giao rủi ro trong trường hợp này là khi hàng hóa được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Có thể thấy, đối với trường hợp này đã phát sinh thêm chủ thể thứ ba là người vận chuyển, điều này sẽ làm phát sinh thêm nhiều vấn đề pháp lý liên quan ràng buộc giữa ba bên và việc phân định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại sẽ là nội dung cần bàn luận rất nhiều.
Thứ ba, chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển.
Người nhận hàng để giao ở đây có thể cũng là do hai bên thỏa thuận, bản chất cũng giống người vận chuyển nhưng xác định rủi ro lại không giống như vậy. Thời điểm chuyển rủi ro được xác định trong hai trường hợp:
(1) Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa. Trong trường hợp này, việc giao hàng phải đồng thời với việc giao chứng từ sở hữu hàng hóa cho bên mua.
(2) Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua. Tức là, người nhận hàng để giao đã nhận được hàng hóa cho bên mua, việc xác nhận tùy theo từng cách thức mà các bên mong muốn xác lập và đảm bảo được tính pháp lý.
Thứ tư, chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển.
Trường hợp này khá đặc biệt, bởi tính đặc biệt của đối tượng hợp đồng, thông thường, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa cố định, được xác định ngày, giờ giao hàng, vận chuyển giữa bên mua và bên bán trong hợp đồng, tuy nhiên đối với hàng hóa đang trên đường vận chuyển cũng được xem là đối tượng của hợp đồng. Điều này tuy linh hoạt nhưng cũng có phần hạn chế, bởi rủi ro cao.
Việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển được quy định như sau: ” nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.” Quy định về thời điểm chuyển rủi ro từ thời điểm giao kết hợp đồng là hợp lý bởi trong quá trình đó, bên bán đang thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên mua.
Thứ năm, chuyển rủi ro trong các trường hợp khác.
Đây là trường hợp loại trừ các trường hợp trên và mở rộng phạm vi áp dụng quy định của pháp luật để bảo vệ triệt để được các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa, theo đó: “rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng“. Ở đây, luật quy định là “thuộc quyền định đoạt của bên mua” tức là bên mua lúc đó bên mua đã được chuyển giao luôn quyền sở hữu (có chứng từ sở hữu).
Bên mua sẽ không phải chịu rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Quy định về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa có ý nghĩa to lớn, bởi việc giao thương giữa các thương nhân là rất lớn, giá trị hàng hóa mà các bên trao đổi đem lại cho họ lợi ích kinh tế khủng, giữa các bên thông thường phải xác định rất rõ nội dung này trong hợp đồng mua bán hàng hóa, tránh những tranh chấp không đáng có mặc dù rủi ro là thứ mà cả hai bên đều không mong muốn gặp phải. Thực tế, quy định của pháp luật chỉ mang tính định khung, mọi sự thỏa thuận của thương nhân đều được đặt lên hàng đầu, pháp luật tôn trọng ý chí của các bên sao cho mang lại được sự linh hoạt và chủ động nhất.
Nhìn chung, Luật Thương mại năm 2005 quy định về các trường hợp chuyển rủi ro cụ thể chi tiết và có sự tương thích với quy định chuyển rủi ro theo quy định của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Lí do có sự tương thích này vì trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại 2005, các nhà làm luật đã tham khảo nhiều quy định của Công ước. Tuy nhiên, so với quy định của Luật Thương mại, Công ước Viên có quy định cụ thể hơn về từng trường hợp.