Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc được sử dụng để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội và chi phí cho sự nghiệp quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Chi quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì:
Chi quỹ BHXHBB là quá trình phân phối, sử dụng quỹ BHXHBB để chi trả cho các chế độ BHXHBB nhằm ổn định cuộc sống của người tham gia và đảm bảo các hoạt động của hệ thống BHXHBB. Quỹ BHXHBB được sử dụng chủ yếu để chi trả cho các đối tượng hưởng các chế độ BHXHBB. Các chế độ BHXHBB được áp dụng đối với NLĐ nhiều hay ít, mức độ hưởng của từng chế độ cụ thể ở mức nào phụ thuộc vào chính sách BHXHBB do mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ quy định.
Quỹ BHXHBB gồm nhiều thành phần nhằm duy trì và thực hiện các chế độ khác nhau trong hệ thống BHXHBB. Đối với mỗi quỹ thành phần, pháp luật quy định cơ chế nguồn thu, chi khác nhau. Điều này phụ thuộc vào cơ cấu quỹ và đặc điểm của từng chế độ, tình hình thực tế của từng quỹ.
Quỹ BHXHBB là một quỹ độc lập với ngân sách nhà nước, quỹ được vận hành quản lý theo các cơ chế do Nhà nước quy định. Để vận hành hoạt động của quỹ, cần có tổ chức bộ máy, lực lượng nhân lực nhất định. Do đó quỹ còn thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chi khác như chi cho hoạt động thường xuyên để duy trì bộ máy làm việc của cơ quan BHXH, chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị có thành tích tốt trong việc thực hiện pháp luật về quỹ BHXHBB và chi cho hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
Chi BHXH được thực hiện bởi hai quá trình:
- Phân phối quỹ BHXH là quá trình phân bổ các nguồn tài chính từ quỹ BHXHBB để hình thành các quỹ thành phần: quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, quỹ hưu trí và tử tuất hoặc phân bổ cho các mục đích sử dụng khác nhau như: quỹ đầu tư phát triển, quỹ chi trả các chế độ BHXH…
- Sử dụng quỹ BHXH là quá trình chi tiền của quỹ BHXHBB đến tay đối tượng được thụ hưởng hoặc cho từng mục đích sử dụng cụ thể.
Phân phối và sử dụng quỹ BHXHBB là hai phạm trù khác nhau, nhưng trong thực tế, hai quá trình này thường đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, từ mục đích sử dụng quỹ đòi hỏi phải tách riêng hai quá trình này theo thứ tự trước sau.
Quỹ BHXHBB được sử dụng để chi trả các chế độ BHXH và chi phí cho sự nghiệp quản lý BHXH, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH.
2. Chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động:
Nguồn tài chính dùng cho hoạt động chi trả các chế độ BHXHBB chiếm đại bộ phận trong việc sử dụng quỹ BHXHBB. Các chế độ BHXHBB được áp dụng đối với NLĐ nhiều hay ít, mức độ hưởng thụ của từng loại chế độ cao hay thấp phụ thuộc vào chính sách BHXH quy định bằng pháp luật tại mỗi quốc gia.
Chế độ ốm đau:
Chế độ bảo hiểm ốm đau được chi trả cho NLĐ tham gia BHXHBB và bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 17 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian NLĐ được nghỉ và hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau được xác định tuỳ theo điều kiện làm việc của NLĐ đó. Cụ thể, với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường thì thời gian nghỉ việc tối đa được hưởng bảo hiểm ốm đau là 30 ngày, 40 ngày và 60 ngày nếu đã đóng BHXH tương ứng các mức dưới 15 năm, đủ 15 năm đến dưới 30 năm và từ 30 năm trở lên. Đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ–TBXH và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian hưởng bảo hiểm ốm đau tối đa là 40 ngày, 50 ngày và 70 ngày tương ứng với thời gian đóng BHXH như trên. Riêng trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì thời gian hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau tối đa là 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ hằng tuần. | Mức hưởng chế độ ốm đau ngắn ngày và con ốm bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ đối với NLĐ bình thường. Nếu NLĐ mắc bệnh dài ngày thuộc quy định của Bộ Y tế đã ban hành, mức hưởng tối đa 180 ngày (tỷ lệ 75%). Nếu hết thời gian 180 ngày mà NLĐ vẫn phải tiếp tục điều trị thì NLĐ được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật BHXH 2014.
NLĐ có thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày một năm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và theo quyết định của NSDLĐ và BCH Công đoàn cơ sở với mức hưởng bằng 30% mức lương cơ sở.
Chế độ thai sản:
NLĐ thuộc một trong các đối tượng sau thì được hưởng chế độ thai sản: (i) Lao động nữ mang thai; (ii) Lao động nữ sinh con; (iii) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; (iv) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; (v) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; (vi) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Bên cạnh đó, lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi để được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp lao động nữ sinh con, đã đóng BHXHBB từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi bằng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc nhân với số tháng nghỉ sinh/nuôi con nuôi theo chế độ. | Mức hưởng trợ cấp thai sản khi nghỉ việc đi khám thai, lao động nam nghỉ chăm sóc khi vợ sinh con bằng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kể trước khi nghỉ việc chia cho 24 ngày nhân với số ngày nghỉ việc khi đã khám thai lao động nam nghỉ chăm sóc khi vợ sinh con nhân 100%.
Mức hưởng trợ cấp thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia 30 ngày nhận với số ngày nghỉ việc do sẩy thai, nạo, hút, thai lưu phá thai bệnh lý nhân 100%,
Nếu lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, chế độ sinh con, sau khi sinh con chết, lao động nữ mang thai hộ theo quy định mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Mức hưởng sẽ bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 115/2015/NĐ–CP ngày 11/11/2015
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp chi trả cho các trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Trong các trường hợp này, tai nạn lao động bao gồm tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ, tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Về mức hưởng, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng phụ thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động. Trợ cấp một lần được chi trả cho NLĐ giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%, mức trợ cấp bằng mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động cộng với mức trợ cấp theo số năm đã tham gia bảo hiểm. Trong đó, suy giảm 5% bằng 05 lần mức lương cơ sở, thêm 1% được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, được hưởng thêm trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH, 1 năm trở xuống thì được hưởng 0,5 tháng, thêm 1 năm đóng BHXH được hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị. Trợ cấp hàng tháng dành cho NLĐ giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở, giảm thêm 1% thì được thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra được hưởng theo trợ cấp theo số năm đóng BHXH, 1 năm trở xuống tính bằng 0,5%, thêm một năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kể trước khi nghỉ việc điều trị. Ngoài ra, NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình và bằng 40% lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung [31, Điều 52].
- Chế độ hưu trí: Tuổi nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu của NLĐ được quy định tại Điều 169 BLLĐ 2019 như sau: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.” Như vậy, tại thời điểm năm 2022 thì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 08 tháng, và của lao động nam là 60 tuổi 06 tháng.
NLĐ được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi, điều kiện theo quy định tại Điều 219 BLLĐ 2019 sửa đổi Điều 54, 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
– Trường hợp không bị suy giảm khả năng lao động: (i) Nam đủ 60 tuổi 06 tháng hoặc nữ đủ 55 tuổi 08 tháng; (ii) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế–xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 01/01/2021 thì NLĐ nam chỉ cần đủ 55 tuổi 06 tháng, nữ chỉ cần đủ 50 tuổi 08 tháng; (iii) NLĐ nam chỉ cần đủ 50 tuổi 06 tháng, nữ đủ 45 tuổi 08 tháng trong trường hợp NLĐ có đủ 15 năm làm công việc khai thác trong hầm lò; (iv) Trường hợp NLĐ bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao có thể nghỉ hưu bất kể độ tuổi.
Như vậy, mặc dù NLĐ không bị suy giảm khả năng lao động nhưng nếu đã có một thời gian dài làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, khó khăn... thì được nghỉ hưu sớm hơn so với NLĐ làm việc trong điều kiện thông thường.
– Trường hợp suy giảm khả năng lao động: (i) NLĐ đủ 55 tuổi 06 tháng, nữ đủ 50 tuổi 08 tháng nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 81%; (ii) NLĐ đủ 50 tuổi 06 tháng, nữ đủ 45 tuổi 08 tháng nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (iii) Trường hợp NLĐ có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội ban hành và suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì pháp luật không quy định độ tuổi nghỉ hưu.
Có thể thấy, dựa vào mức suy giảm khả năng lao động mà pháp luật quy định tuổi nghỉ hưu sớm hơn cho NLĐ.
– Với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cần phải đủ 55 tuổi 08 tháng và có từ 15 – 20 năm tham gia ΒΗΧΗ.
Mức lương hưu
Mức lương hưu cơ bản được tính theo công thức: “Lương hưu =Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương đóng BHXH”. Trong đó:
– Với lao động nam: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH. Sau đó mỗi năm đóng cộng 2%, tối đa bằng 75%.
– Với lao động nữ: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó mỗi năm đóng được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
– Với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính theo số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
- Đủ 15 năm đóng BHXH tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- Từ đủ 15 – 20 năm đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
– NLĐ nghỉ hưu trước tuổi thì được tính như người nghỉ hưu đủ tuổi, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Nếu thời gian nghỉ hưu trước tuổi có tháng lẻ:
- Lẻ dưới 6 tháng: Không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
- Lẻ từ 6 tháng trở lên: Giảm 1%. | Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nhân với số năm đóng BHXH cao hơn đối với những người đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng có số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Hưởng chế độ BHXH một lần dành cho những trường hợp: (i) Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm; (ii) Có nhu cầu ra nước ngoài định cư; (iii) Đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH. Đồng thời không muốn tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện nữa; (iv) Đang mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; (v) Công an, bộ độ phục viên hay xuất ngũ mà không đủ điều kiện được hưởng lương hưu theo chính sách; (vi)Tham gia BHXH sau 1 năm nghỉ việc hoặc sau 1 năm không còn tiếp tục đóng nữa. Mức hưởng chế độ BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính với mức khác nhau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ trước năm 2014;
- Với trường hợp tham gia bảo hiểm chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng mức tối đa bằng 02 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH. Chế độ tử tuất:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật BHXH 2014 thì người lo mai táng cho NLĐ thuộc một trong các trường hợp sau được nhận trợ cấp mai táng: (i) Người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên; (ii) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (iii) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.
Bên cạnh đó, thân nhân của NLĐ đã chết được nhận trợ cấp hàng tháng bao gồm: (i) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai; (ii) Vợ từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (iii) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ; (iii) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở, nếu thân nhân không có người nuôi dưỡng thì bằng 70% mức lương cơ sở. Số thân nhân được hưởng không quá 04 người, nếu có 02 người chết trở lên, thân nhân được nhận 02 lần trợ cấp.
Mức hưởng trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, được tính theo số năm đã tham gia BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 về sau; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH,
Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian hưởng lương hưu, nếu chết trong 12 tháng đầu thì bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng, nếu vào những tháng sau đó, hưởng thêm một tháng lương hưu thì trợ cấp giảm 0,5 tháng lương hưu, thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
3. Chi đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng:
Quỹ BHXHBB hiện nay chịu trách nhiệm đóng BHXH cho một số nhóm đối tượng sau:
- Người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng,
- Người hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với NLĐ bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, pháp luật hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm y tế của người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Đối với người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng, cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở.
4. Chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội:
Theo Điều 90 Luật BHXH 2014, chi phí quản lý BHXH được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về BHXH;
- Cải cách thủ tục BHXH, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng BHXH;
- Tổ chức thu, chi trả BHXH và hoạt động bộ máy của cơ quan BHXH các cấp.
Đây là các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý các chế độ BHXHBB, bao gồm các khoản chi thường xuyên (chi tiền lương, hoạt động công vụ, chi nghiệp vụ thường xuyên, chi phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc), chi không thường xuyên (chi mua tài sản, trang thiết bị làm việc, chị đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức, chi nghiên cứu khoa học và các khoản chi khác) và chi đặc thù (chi hỗ trợ thu, chi BHXH và BHYT). Các mục chi này được xác định nhằm đảm bảo tính phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Trong giai đoạn 2019, 2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 51/2018/QĐ–TTg quy định chi phí quản lý các quỹ BHXH như sau:
- Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội.
- Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp)
- Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế năm 2019 bằng 4,6%, năm 2020 bằng 4,2% và năm 2021 bằng 3,8% dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế Giai đoạn 2022 – 2024, Bộ Tài chính đã có dự thảo lấy ý kiến của nhân dân dựa trên Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý quỹ BHXH như sau:
- Mức chi phí quản lý BHXH bình quân giai đoạn 2022–2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%. Mức chi phí quản lý BHTN bình quân giai đoạn 2022–2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHTN) được trích từ quỹ BHTN; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.
- Mức chi phí quản lý BHYT bình quân giai đoạn 2022–2024 tối đa 3,5% dự toán thu tiền đóng BHYT, được trích từ số tiền thu BHYT; trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%. Nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trên hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.