Về ủy thác tư pháp quốc tế trong tố tụng dân sự? Chi phí ủy thác ra nước ngoài là gì? Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác ra nước ngoài?
Ủy thác tư pháp ra nước ngoài là hoạt động vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vụ án tại Tòa án. Đối với các việc giải quyết các vụ việc dân sự thì hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài được thực hiện khá thường xuyên. Khi có hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài, thì đương nhiên sẽ xuất hiện chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
* Cơ sở pháp lý:
–
–
– Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19 tháng 10 năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
1. Về ủy thác tư pháp quốc tế trong tố tụng dân sự
Về nguyên tắc, thì các cơ quan tư pháp có thể thực hiện các hành vi tố tụng theo thẩm quyền (thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ triệu tập đến tòa án,…) trong phạm vi lãnh thổ của nước có cơ quan tư pháp đó. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện các hành vi này ở nước ngoài, cơ quan tư pháp đó phải nhận được sự chấp thuận cụ thể của nước nơi các hành vi đó sẽ được thực hiện trên cơ sở các ủy thác tư pháp quốc tế. Ủy thác tư pháp quốc tế được hiểu một cách khái quát là sự yêu cầu bằng văn bản chính thức của cơ quan tư pháp nước này đối với cơ quan tư pháp nước kia thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt tại lãnh thổ của nước kia theo những nội dung, chỉ định trong văn bản yêu cầu.
Ủy thác tư pháp quốc tế là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước này yêu cầu bằng văn bản cơ quan có thẩm quyền của nước kia thực hiện giúp một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc theo điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên. Ủy thác quốc tế về dân sự chính là hoạt động ủy thác quốc thế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
2. Chi phí ủy thác ra nước ngoài là gì?
Tại Khoản 2 Điều 151 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp.”
Trong quá trình tiến hành hoạt động ủy thác tư pháp có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau và nhiều hoạt động khác nhau. Ví dụ đối với hoạt động tống đạt yêu cầu ủy thác, thì xuất hiện việc tống đạt yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự lên đến cơ quan tiến hành hoạt động ủy thác, từ cơ quan tiến hành hoạt động ủy thác đến cơ quan ủy thác và ngược lại là quá trình nhận kết quả ủy thác. Đây là những hoạt động rất cơ bản xảy ra trong quá trình ủy thác ra nước ngoài. Để thực hiện các hoạt động này, thì cần các khoản tiền, khoản tài chính nhất định, đó chính là chi phí ủy thác ra nước ngoài. Đây là số tiền chi chả cho việc thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp được tính trên quy định của pháp luật trong nước và pháp luật nước được ủy thác.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định: “Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.” Như vậy, chi phí ủy thác ở đây bao gồm các khoản phí, lệ phí, và các khoản chi phí thực tế phát sinh. Hiện nay, theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 thì lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng). Còn về chi phí thực tế phát sinh thì tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì chi phí thực tế gồm:
– Chi phí dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ ủy thác tư pháp;
– Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài;
– Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước ngoài;
– Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
3. Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác ra nước ngoài
Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác ra nước ngoài được quy định tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể:
Các bên đương sự có quyền thỏa thuận về chủ thể chịu nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác ra nước ngoài, thỏa thuận về mức nộp của các chủ thể,…. Hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có thể được xác định theo pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài được xác định như sau:
Thứ nhất, đương sự phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu yêu cầu giải quyết vụ việc của họ không được Tòa án chấp nhận. Theo quy định này, thì đương sự, người đề nghị Tòa án tiến hành ủy thác tư pháp phải chịu chi phí ủy thác tư pháp nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận. Nghĩa là yêu cầu của đương sự nếu không được Tòa án chấp nhận toàn bộ, thì đương sự phải gánh chịu mọi chi phí tố tụng phát sinh (nếu có). Hoặc có thể hiểu các đương sự đã tiến hành hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Tuy nhiên, nếu yêu cầu nào của đương sự không được Tòa án chấp nhận thì đương sự đó phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật cũng không có quy định về trường hợp yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài của các đương sự được Tòa án chấp nhận một phần thì chủ thể nào có nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Thứ hai, trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia. Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác ra nước ngoài trong trường hợp này được coi là nghĩa vụ chung, nghĩa vụ liên đới có thể chia được của các đương sự trong vụ việc dân sự, các bên có nghĩa vụ tương ứng với phần tài sản mà họ được hưởng, việc quy định này đảm bảo việc các bên có nghĩa vụ tương ứng với quyền, lợi ích mà họ được hưởng.
Thứ ba, tại Khoản 3 Điều 153 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.”. Quy định này tương tự trong trường hợp xác định nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ được quy định tại Điều 155 Bộ luật này. Nguyên đơn có yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài luôn có nghĩa vụ phải nộp chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài không phụ thuộc vào việc Tòa án có đồng tình với yêu cầu của họ hay không. Bên vợ hoặc chồng còn lại không phải nộp chi phí này dù sau ly hôn họ được chia một khối lượng tài sản nhất định trong khối tài sản chung của vợ chồng. Nếu hai bên cùng thuận tình ly hôn thì chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được chia đôi, cả hai bên vợ, chồng đều có nghĩa vụ phải chịu chi phí này.
Thứ tư, là trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này thì nguyên đơn phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Đây là trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt mà họ không có yêu cầu giải quyết vắng mặt và trường hợp đình chỉ do nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và bị đơn đồng ý. Đây là trường hợp đình chỉ do ý chí của nguyên đơn, nên các cá nhân này phải có nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Tương tự, thì điều luật 153 cũng quy định trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này (tức khi khi người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc người kháng cáo vắng mặt dù Tòa án triệu tập lần thứ hai) thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Và cuối cùng là đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.