Giấy ra viện là gì? Quy định về cấp giấy ra viện? Thẩm quyền cấp giấy ra viện? Mẫu giấy ra viện mới nhất kèm hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy ra viện?
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ tôi làm công nhân của Hạt giao thông huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tháng 4/2016 vợ tôi bị gãy chân phải đi mổ chân. Vợ tôi đã làm đầy đủ giấy tờ thủ tục để thanh toán tiền bảo hiểm. Nhưng bên BHXH trả hồ sơ về yêu cầu tách giấy ra viện ra 7 ngày một lần. Trong khi giấy ra viện của vợ tôi là 21 ngày và 14 ngày. Vậy là đúng hay sai. Luật sư giải thích cho tôi rõ được không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 15 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:
– Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
– Các thủ tục, giấy tờ theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch
– Giấy ra viện.
– Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).
Điều 14 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định về trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội như sau:
“Các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tếbao gồm:
1. Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
2. Khám bệnh, chữa bệnh không đúng thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tếtheo quy định tại Điều 8 Thông tư này“.
Mặt khác, căn cứ Điều 16 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định thanh toán trực tiếp như sau:
– Người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.
– Tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm:
+ Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh và lập Giấy biên nhận hồ sơ. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì yêu cầu bổ sung cho đủ;
+ Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán phải hoàn thành việc giám định bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh.Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 19 Thông tư 14/2016/TT-BYT quy định về cấp giấy ra viện như sau:
“1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ra viện:
a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có Điều trị nội trú đã được cấp giấy phép hoạt động;
b) Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điểm a Khoản này được ký giấy ra viện theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
2. Mẫu và cách ghi giấy ra viện thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Như vậy, theo quy định trên bên bảo hiểm xã hội yêu cầu phải tách giấy ra viện 07 ngày một lần là không có căn cứ, bởi theo quy định pháp luật hiện hành chỉ cần có giấy ra viện để nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau.