Phát triển lưới điện là một trong những vấn đề cấp bách của nước ta hiện nay để cung cấp một mạng lưới điện an toàn, đồng thời đảm bảo sự hoạt động ổn định của toàn hệ thống điện quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Quy định về cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện:
Theo quy định của pháp luật hiện nay cụ thể là căn cứ tại Thông tư số 12/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, thì quá trình cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện năng sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Các chủ thể có nhu cầu đề nghị cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện sẽ cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Sau khi các chủ thể chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ thì sẽ gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nhiều hình thức khác nhau, có thể gửi trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi thông qua hình thức trực tuyến. Hồ sơ này sẽ được chuyển đến Bộ phận tiếp nhận và sẽ được trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
Bước 3: Các công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ cần phải tiến hành kiểm tra và thẩm định. Nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ phải hướng dẫn các chủ thể có nhu cầu tiến hành bổ sung và hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu như xét thấy bu sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ viết phiếu tiếp nhận hồ sơ và ghi rõ thời hạn trả kết quả cũng như thu lệ phí theo quy định của pháp luật, sau đó chuyển hồ sơ đến các phòng ban chuyên môn để giải quyết.
Bước 4: Các phòng ban chuyên môn thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở Công thương tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ theo quy định của pháp luật, trong thời hạn luật định đó là 03 ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các chủ thể đề nghị cấp giấy phép nếu như hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ kèm theo lý do chính đáng cũng như yêu cầu bổ sung các tài liệu và giấy tờ khác có liên quan sao cho hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung và hoàn thiện tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các chủ thể có nhu cầu cần tiến hành hoàn thiện hồ sơ theo đúng văn bản. Trong thời hạn 60 ngày được tính kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các chủ thể sửa đổi hồ sơ nhưng các chủ thể không sửa đổi và bổ sung hồ sơ thì cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở Công thương trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm thẩm định hồ sơ bạn kiểm tra lại hồ sơ nếu xét thấy cần thiết, sau đó trình lên cơ quan có thẩm quyền tiếp theo là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc để được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Bước 5: Phòng ban chuyên môn sẽ chuyển hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho các chủ thể có nhu cầu. Sau đó thì bộ phận tiếp nhận sẽ đưa lại kết quả của quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho các chủ thể có đơn đề nghị cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện.
2. Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện:
Nhìn chung thì hồ sơ xin cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện sẽ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo mẫu do pháp luật có quy định, ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực;
– Bản sao của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản sao của quyết định thành lập hoặc của giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép;
– Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chính theo mẫu do pháp luật có quy định ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; bản sao bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề và
– Danh mục các dự án có quy mô tương tự mà tổ chức tư vấn hoặc các chuyên gia tư vấn chính đã thực hiện;
– Danh mục trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn và cam kết của tổ chức đảm bảo đáp ứng cho hoạt động tư vấn.
3. Quy định về điều kiện xin cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện:
Thứ nhất, quá trình xin cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện cần phải đáp ứng được các điều kiện chung như sau:
– Chủ thể có nhu cầu phải là tổ chức cá nhân được thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế được thành lập và được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về hợp tác xã, hộ kinh doanh và cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật, và bao gồm các chủ thể khác cũng được pháp luật ghi nhận một cách đầy đủ và hợp lệ.
– Phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Phải có một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để xin cấp phép tư vấn quy hoạch phát triển điện như đã phân tích ở trên;
– Phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước và nộp phí thẩm định cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, quá trình xin cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện cần phải đắp ứng những điều kiện riêng sau đây:
– Đó phải là tổ chức tư vấn chuyên ngành và có năng lực chuyên môn về các công trình và thiết bị điện cũng như các trạm biến áp, có khả năng đánh giá tác động của môi trường cũng như phân tích sự tác động của nền kinh tế tài chính cho các dự án công trình đường dây tải điện;
– Phải có các đội ngũ chuyên gia phù hợp với các lĩnh vực tư vấn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường dây và các thiết bị điện, các đội ngũ chuyên gia phải có kinh nghiệm đối với quá trình xây dựng và tổ chức thi công các đường dây và các trạm biến áp;
– Các đội ngủ chuyên gia tư vấn phải có trình độ chuyên môn, phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hệ thống kĩ thuật điện hoặc các chuyên ngành khác tương tự lĩnh vực này, phải có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia ít nhất 01 dự án đường dây trạm biến áp, phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật;
– Phải đáp ứng được các điều kiện về các trang thiết bị và kĩ thuật cũng như phần mềm phục vụ cho quá trình tư vấn quy hoạch phát triển điện;
– Ngoài ra thì cũng cần phải đáp ứng những điều kiện về số lượng chuyên gia tư vấn chính theo hạng công trình đường dây tải điện cũng như trạm biến áp như sau:
+ Hạng 1: Phải đảm bảo được rằng có 20 chuyên gia trở lên, trong đó có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chủ trì;
+ Hạng 2: Phải đảm bảo được rằng có 15 chuyên gia trở lên, trong đó có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chủ trì;
+ Hạng 3: Phải đảm bảo được rằng có 10 chuyên gia trở lên, trong đó có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chủ trì;
+ Hạng 4: Phải đảm bảo được rằng có 05 chuyên gia trở lên, trong đó có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chủ trì.
4. Một số phương án phát triển điện lực trong giai đoạn hiện nay:
Hiện nay có thể thấy, trên cơ sở quá trình phân tích và đánh giá về tình hình nguồn cũng như lưới điện hiện tại, các mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh và địa bàn trên cả nước trong giai đoạn tới thì cần đưa ra một số đề án và một số phương pháp phát triển điện lực sao cho phù hợp, có thể đưa ra hai phương án phát triển điện lực như sau:
Thứ nhất, phương án cao: Đáp ứng phụ tải tối đa cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương (không hạn chế về vốn đầu tư và địa phương không gặp khó khăn về tài chính).
Thứ hai, phương án cơ sở: Đáp ứng phụ tải tối đa cho các khu dân cư và các khu công nghiệp có tính khả thi cao, các đề án được nhà nước phê duyệt và bảo lãnh về tài chính. Phương án cơ sở được chọn để thiết kế sơ đồ phát triển lưới điện chính của tỉnh, còn phương án cao chính là phương án dự phòng trong trường hợp tốc độ tăng trưởng điện năng cao hơn, lưới điện cần đáp ứng cầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Điện lực năm 2022;
– Thông tư số 12/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.