Căn cứ xác lập quyền đối với giống cây trồng? Hoạt động đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng? Ý nghĩa của việc bảo hộ đối với giống cây trồng?
Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo trong mọi lĩnh vực, bảo đảm cho việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hoá nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội mà không bị người khác đánh cắp. Và đối với lĩnh vực giống cây trồng cũng vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ luôn đặt ra vấn đề bảo vệ quyền đối với giống cây trồng. Vậy quyền đối với giống cây trồng được căn cứ xác lập khi nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về căn cứ xác lập quyền đối với giống cây trồng.
1. Căn cứ xác lập quyền đối với giống cây trồng?
Quyền đối với giống cây trồng: là quyền hợp pháp đối với giống cây trồng mới được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển.
Tại Khoản 4 Điều 4
“4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.”
Theo quy định này thì quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, đối với các đối tượng được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người muốn có quyền phải làm đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ
Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được. (Khoản 24 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Đối tượng bảo hộ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng. Vật liệu thu hoạch là cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống.
Để được bảo hộ, giống cây trồng phải là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên gọi phù hợp. (Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ).
2. Hoạt động đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng
* Chủ thể có thẩm quyền đăng ký bảo hộ
Chủ thể có thẩm quyền đăng ký bảo hộ chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà cơ quan đó chính là Văn phòng bảo hộ giống cây trồng.
Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng được thành lập năm 2002 và chính thức đi vào hoạt động năm 2004, thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn phòng có chức năng tiếp nhận và thẩm định đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới, thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật, tư vấn và làm thủ tục trình Bộ cấp, đình chỉ, huỷ bỏ hoặc thu hồi Bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Theo thống kê của Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, đến năm 2010 Văn phòng đã cấp văn bằng bảo hộ cho 18 giống lúa, 18 giống ngô và 7 giống cây trồng khác (lạc, dưa hấu, mướp đắng, sung).
Do giống cây trồng là một trong những đối tượng mới thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên hiện nay các hoạt động liên quan đến xác lập, quản lý và phát triển loại tài sản này còn hạn chế và cần được tăng cường thúc đẩy trong thời gian tới.
* Chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký bảo hộ
Chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký bảo hộ chính là chủ thể có quyền lợi liên quan trực tiếp đối với giống cây trồng, không ai khác đó chính là những người sáng tạo, người phát triển, phát hiện giống cây trồng.
* Tiêu chuẩn để bảo hộ giống cây trồng
Giống cây trồng để được bảo hộ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định chi tiết tại Luật Sở hữu trí tuệ
– Tính mới: để được coi là ‘mới’ đối với đơn đăng ký bảo hộ, giống không được bán hoặc xử lý với sự đồng ý của người nộp đơn trong một năm trước khi nộp đơn trong Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác. (ĐIều 159 Luật Sở hữu trí tuệ).
– Tính khác biệt: phải phân biệt rõ ràng bằng một hoặc nhiều đặc điểm có khả năng mô tả chính xác với bất kỳ giống nào khác mà sự tồn tại của chúng là vấn đề hiểu biết chung tại thời điểm nộp đơn. Những giống được biết đến phổ biến bao gồm những giống đã được trồng trọt, được khai thác cho mục đích thương mại, được lưu giữ trong một bộ sưu tập tham khảo hoặc đã được mô tả chính xác trong một ấn phẩm.
– Tính đồng nhất: tất cả các cây trong giống phải có cùng đặc điểm.
– Tính ổn định: các đặc tính của giống phải không thay đổi sau khi “nhân giống nhiều lần” (ví dụ: sinh sản từ hạt, cành giâm, củ hoặc các bộ phận khác của cây). Hạt giống / vật liệu cây trồng sẽ được kiểm tra độc lập để quyết định xem giống có đáp ứng các tiêu chí này hay không.
– Tên gọi phù hợp: tên phải cho phép nhận dạng rõ ràng giống và đảm bảo nó khác với tên gọi xác định giống hiện có của cùng một loài thực vật hoặc một loài có liên quan.
* Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng
– Đơn yêu cầu cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng phải bao gồm các tài liệu sau (bao gồm 3 bộ): Tờ khai đăng ký; Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật; Giấy uỷ quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên; Chứng từ nộp phí, lệ phí. (Khoản 1 Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ). Mỗi đơn chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng. Các giấy tờ trên phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ các giấy tờ như Giấy uỷ quyền; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên; Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn có thể sử dụng bằng ngôn ngữ khác.
– Đơn yêu cầu cấp bằng sẽ được nộp lên Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng. Ngày nộp đơn là ngày đơn được tiếp nhận. Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng chỉ tiếp nhận đơn khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định pháp luật.
– Sau khi nhận đơn, thì Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng sẽ tiến hành thẩm định đơn đăng ký bảo hộ. Nội dung thẩm định bao gồm: tính mới, tên gọi, kết quả khảo nghiệm của giống cây trồng.
– Đơn đăng ký bảo hộ đáp ứng được các điều kiện quy định và nộp lệ phí thì Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng ra quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.
3. Ý nghĩa của việc bảo hộ đối với giống cây trồng
Quyền đối với giống cây trồng (còn gọi là quyền của nhà tạo giống cây trồng) là một dạng quyền sở hữu trí tuệ được thiết kế đặc biệt để bảo hộ các giống cây trồng mới. Các quyền này cung cấp sự bảo vệ hợp pháp như một phần thưởng cho các nhà tạo giống cây trồng đã đầu tư vào việc lai tạo và phát triển các giống cây trồng mới.
Quyền đối với giống cây trồng cho phép chủ sở hữu ngăn chặn bất kỳ người không có thẩm quyền nào: sản xuất hoặc tái sản xuất (nhân giống); sử dụng cho mục đích nhân giống; chào bán, bán hoặc tiếp thị khác; xuất khẩu; nhập khẩu và dự trữ cho bất kỳ mục đích nào trong số này.
Quyền đối với giống cây trồng cũng được mở rộng cho bất kỳ giống nào phụ thuộc vào giống được bảo hộ. Giống phụ thuộc được định nghĩa là những giống mà việc sản xuất lặp đi lặp lại yêu cầu sử dụng lặp lại giống được bảo hộ (tức là giống lai), hoặc những giống về cơ bản có nguồn gốc từ giống được bảo hộ mà bản thân nó không có nguồn gốc.
Quyền đối với giống cây trồng không cho phép chủ sở hữu có thể ngăn cản bất kỳ hành vi nào được thực hiện vì mục đích tư nhân và phi thương mại, cho mục đích thử nghiệm hoặc cho mục đích lai tạo giống khác. Nông dân cũng có thể tiết kiệm hạt giống để sử dụng cho riêng mình nếu chủ sở hữu quyền được trả một khoản thù lao công bằng cho việc sử dụng này.
Việc bảo hộ giống cây trồng giúp cho việc nhân giống cây trồng cải thiện năng suất của các giống cây trồng, giúp người trồng trọt và nông dân đạt được năng suất cao hơn với chất lượng tốt hơn (ví dụ: khả năng kháng bệnh) đáp ứng nhu cầu thương mại và tiêu dùng. Nguyên liệu thu hoạch từ các giống cây trồng mới có thể dẫn đến việc sản xuất các sản phẩm mới, cải tiến (ví dụ: bia thủ công từ hoa bia), trái cây và rau quả bổ dưỡng hơn và nhiều lựa chọn hơn nói chung cho người tiêu dùng. Việc lai tạo các giống cây mới có thể đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về thời gian và tiền bạc. Chế độ bảo hộ giống cây trồng nhằm cung cấp các khuyến khích cho các nhà tạo giống cây trồng phát triển các giống mới, bằng cách tạo cơ hội cho họ thu được lợi tức từ khoản đầu tư này thông qua việc cấp độc quyền trong một thời gian nhất định.