Quy định về cắm mốc giới theo quy hoạch? Quy định về quản lý mốc giới theo quy hoạch?
Quy hoạch xây dựng chỉ là việc tổ chức, sắp xếp lại không gian được thể hiện trên đồ án quy hoạch xây dựng. Để hiện thực hóa quy hoạch xây dựng phải trải qua nhiều công đoạn, quy trình phực tạp mà trước hết phải thực hiện hoạt động cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa. Cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch rất quan trọng, do vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành riêng một thông tư để chỉ điều chỉnh về nội dung này. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích một số quy định trọng tâm làm tiền đề để người đọc hiểu rõ hơn về cắm mốc giới và quản lý mốc giới.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất
Thông tư 10/2016/TT-BXD quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Mục lục bài viết
1. Quy định về cắm mốc giới theo quy hoạch?
Mặc dù như đã nói, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới, tuy nhiên, trong phần này, tác giả sẽ chỉ tập trung cơ bản vào quy định tại Điều 44, Luật Xây dựng và sử dụng một vài quy định chi tiết để chứng minh cho điều đó. Về cơ bản, nội dung tại Điều 44 thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, việc cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa được thực hiện đối với đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng.
– Đồ án quy hoạch là hình thức thể hiện của quy hoạch xây dựng, gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
– Quy hoạch chung xây dựng là là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị, khu chức năng, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, khu chức năng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. (Khoản 7, Điều 3,
– Quy hoạch phân khu xây dựng là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, khu chức năng của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị, khu chức năng nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung. (Khoản 8, Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị 2009).
– Quy hoạch chi tiết xây dựng là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung. (Khoản 9, Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị 2009).
Như vậy, việc cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa được thực hiện căn cứ vào các cấp độ quy hoạch xây dựng được biểu hiện qua đồ án. Cắm mốc giới ngoài thực địa là cơ sở đầu tiên để xác định và phân cách trong thực tế diện tích đất được sử dụng vào các mục đích cụ thể, tránh bị chồng chéo, chen lấn.
Thứ hai, cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng được duyệt gồm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, ranh giới vùng cấm xây dựng theo hồ sơ mốc giới được phê duyệt (Khoản 2). Trong đó:
– Chỉ giới đường đỏ (có ký hiệu CGĐ) là là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.(1.4.22- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD).
– Chỉ giới xây dựng là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất cho phép xây dựng công trình (phần nối và phần ngầm) và phần đất lưu không. (1.4.23-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD).
– Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa. (Khoản 11, Điều 3, Luật Xây dựng).
– Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký hiệu RG. (Khoản 4, Điều 2, Thông tư 10/2019/TT-BXD).
Việc xác định các loại mốc giới có ý nghĩa quan trọng, tránh tình trạng bỏ sót, phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật quy hoạch xây dựng thông thường. Xác định đầy đủ các loại mốc giới và tiến hành cắm mốc giới đầy đủ là cơ sở để tránh tình trạng tranh chấp không đáng có.
Yêu cầu đối với mốc giới: Mốc giới phải bảo đảm độ bền vững, có kích thước theo tiêu chuẩn và được ghi các chỉ số theo quy định, dễ nhận biết, an toàn cho người, phương tiện giao thông qua lại và phù hợp với địa hình, địa mạo khu vực cắm mốc. (Khoản 6). Việc đặt ra tiêu chuẩn, yêu cầu đối với mốc giới là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt là có nhiều loại mốc giới khác nhau và thông thường, thời gian tồn tại của mốc giới cũng dài.
Thứ ba, trách nhiệm tổ chức, thực hiện cắm mốc giới.
Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan có trách nhiệm tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa. Việc cắm mốc giới ngoài thực địa phải được hoàn thành trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hồ sơ mốc giới được phê duyệt. Cụ thể: (Khoản 4)
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cắm mốc giới xây dựng đối với đồ án quy hoạch xây dựng thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện cắm mốc giới xây dựng đối với đồ án quy hoạch xây dựng thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
– Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cắm mốc giới xây dựng đối với đồ án quy hoạch xây dựng thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Việc phân chia trách nhiệm giúp cho hoạt động cắm mốc giới được diễn ra nhanh chóng, tránh chồng chéo nhiệm vụ, dễ xác định chủ thể chịu trách nhiệm nếu có vi phạm về nghĩa vụ cắm mốc giới, đồng thời dễ dàng quản lý mốc giới theo quy hoạch.
Thứ tư, xử lý vi phạm.
Người nào có hành vi cắm mốc chỉ giới, cốt xây dựng sai vị trí, di dời, phá hoại mốc chỉ giới, cốt xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. (Khoản 10). Như vậy, việc xử lý vi phạm được xác định là chủ thể thông thường, bất cứ người nào, kể cả người có trách nhiệm cắm mốc giới hay người dân thực hiện hành vi di dời, phá hoại. Hậu quả pháp lý mà người có hành vi phải gánh chịu khá nặng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm.
2. Quy định về quản lý mốc giới theo quy hoạch?
Trên cơ sở quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 44 Luật Xây dựng, cụ thể:
“7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ mốc giới thực địa.
8. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng lưu giữ hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt và có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến mốc giới cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.“
Thông tư 10/2019/TT-BXD đã dành hẳn Chương IV để quy định chi tiết, theo đó, Thông tư xác định:
Thứ nhất, trách nhiệm quản lý và bảo vệ mốc giới.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các mốc giới quy hoạch nằm trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Hình thức quản lý: tổ chức kiểm tra, bổ sung, khôi phục các mốc giới bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt (hằng năm).
– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ mốc giới ngoài thực địa đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ, nếu có hư hỏng, xê dịch thì phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để có phương án xử lý.
Việc trao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong việc quản lý và bảo vệ mốc giới là hợp lí. Đây là những chủ thể hoạt động gần và cũng có khả năng là cơ quan đã tổ chức triển khai cắm mốc giới, việc quản lý, bảo vệ sẽ sát sao hơn, nắm rõ hơn, công tác kiểm tra, bổ sung, cũng diễn ra nhanh chóng hơn.
Thứ hai, lưu giữ hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch.
– Trách nhiệm lưu giữ hồ sơ: Cơ quan quản lý quy hoạch, cơ quan quản lý đất đai các cấp.
– Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch bao gồm: Quyết định phê duyệt kèm theo thuyết minh; các bản vẽ đã ký, đóng dấu phê duyệt, tệp tin lưu giữ toàn bộ thuyết minh, bản vẽ và biên bản nghiệm thu, bàn giao mốc giới ngoài thực địa.
– Ý nghĩa của hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch: Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng là tài liệu để chính quyền các cấp sử dụng trong công tác công khai quy hoạch, quản lý quy hoạch; triển khai dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao (thuê) đất theo quy định.
Bằng việc quy định cụ thể, chi tiết về hoạt động lưu giữ hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch, đã chứng tỏ được vai trò, ý nghĩa của loại hồ sơ này, việc làm mất hoặc hư hỏng hồ sơ sẽ dẫn đến việc cơ quan quản lý quy hoạch, cơ quan quản lý đất đai phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định.
Thứ ba, cung cấp thông tin về hồ sơ cắm mốc giới cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
Cơ quan cung cấp thông tin về mốc giới có thể cung cấp dưới các hình thức: trả lời bằng văn bản; cung cấp bản sao bản vẽ hồ sơ cắm mốc giới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, điểm hạn chế trong quy định của pháp luật là việc không xác định tổ chức, cá nhân nào được quyền yêu càu cung cấp thông tin hồ sơ? phải chẳng mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có quyền yêu cầu? Đây là điều khiến tác giả băn khoăn và mong quy định của pháp luật được quy định một cách chi tiết hơn.