Vi phạm kiểu dáng công nghiệp được hiểu như thế nào? Quy định về các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp? Cách xử lý các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp?
Hiện nay, lĩnh vực sở hữu trí tuệ đặc biệt là các kiểu dáng công nghiệp là điều mà nhiều bạn đọc quan tâm tới. Các kiểu dáng công nghiệp mới ra đời, kéo theo sự phát triển đó là tình trạng xảy ra các hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ đến chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Vậy, Vi phạm kiểu dáng công nghiệp được hiểu như thế nào? Quy định về các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp? Cách xử lý các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp.
Cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH
– Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
– Thông tư 11/2015/TT-BKHCN Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Vi phạm kiểu dáng công nghiệp được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và được thể hiện bằng các đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này với nhau.
Kiểu dáng công nghiệp thể hiện khác biệt giữa dịch vụ, sản phẩm của nhà sản xuất. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sản phẩm sẽ giúp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp bảo vệ trước các hành vi sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp khi chưa được sự cho phép của chủ sở hữu.
Căn cứ theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện chung để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm các điều kiện:
(1) Có tính mới;
(2) Có tính sáng tạo. Căn cứ theo Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ quy định kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
(3) Có khả năng áp dụng công nghiệp. Căn cứ theo Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Vi phạm kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hành vi sử dụng những kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ trước đó nhưng không có sự cho phép của chủ sở hữu hoặc sử dụng kiểu dáng công việc giống với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký trước đó, cần lưu ý rằng kiểu dáng công nghiệp vẫn còn trong thời hạn còn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Như vậy, có thể hiểu vi phạm kiểu dáng công nghiệp chính là hành vi xâm phạm đến quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.
2. Quy định về các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ theo Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp như sau:
(1) Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
(2) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn thêm hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, cụ thể như sau:
Khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải tuân theo quy định tại các điều 5 và 10
– Đối với sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ trong trường hợp sản phẩm/phần sản phẩm đó phải tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và chỉ có sự khác nhau về đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết hoặc ghi nhớ được.
– Đối với sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong trường hợp sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng (hình dáng) bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng ghi nhớ, nhận biết, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
– Trường hợp tổng thể các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của một sản phẩm/phần sản phẩm bị coi là bản sao hoặc về bản chất được hiểu là bản sao của tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm thuộc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Cách xử lý các trường hợp vi phạm kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN cách xử lý các trường hợp có vi phạm kiểu dáng công nghiệp như sau:
Bước 1: Cần tiến hành điều tra, xác minh và thu thập thông tin xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác nhằm xác định đối tượng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp là đối tượng nào? Hình thức xâm phạm như thế nào? Thông tin của chủ thể có dấu hiệu xâm phạm như tên, tuổi, địa chỉ,…
Bước 2: Đến Viện khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện thủ tục giám định hành vi xâm phạm nhằm tra cứu, xác định việc bị xâm phạm, đạo nhái từ những người có chuyên môn. Đây là cơ sở, căn cứ có thể buộc tội người có hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và chứng cứ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Bước 3: Tiến hành gửi thư khuyến cáo hành vi xâm đối với bên có dấu hiệu vi phạm.
Trường hợp bên có dấu hiệu vi phạm đồng ý với yêu cầu, điều kiện và thỏa thuận giải quyết thì hai bên tiến hành thỏa thuận và đưa ra mức bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trường hợp bên có dấu hiệu vi phạm không đồng ý với yêu cầu, điều kiện và thỏa thuận giải quyết giữa hai bên thì cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Tiến hành gửi đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm xâm phạm kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ theo Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 24 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định Đơn yêu cầu xử lý vi phạm gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Yêu cầu xử lý vi phạm phải được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức đơn yêu cầu xử lý vi phạm, trong đó cần có các nội dung sau:
+ Ngày làm đơn;
+ Tên cơ quan nhận đơn hoặc các cơ quan nhận đơn, thông tin về tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm;
+ Người đại diện hợp pháp hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền;
+ Đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan;
+ Hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm;
+ Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm;
+ Biện pháp yêu cầu xử lý;
+ Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền, dấu xác nhận chữ ký, nếu có;
+ Nếu trước đó đơn đã được gửi cho cơ quan khác thì phải ghi rõ tên cơ quan và ngày gửi đơn trước đó.
Lưu ý: Cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn
(1) Bản sao các văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận, chứng chỉ và các tài liệu khác hợp lệ trong trường hợp chủ thể quyền xuất trình bản gốc để đối chiếu hay bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản gốc.
(2) Bản giải trình của các chủ thể quyền như về doanh thu, uy tín, bằng chứng sử dụng rộng rãi, bản sao các giấy chứng nhận,… cung cấp cho cơ quan xử lý vi phạm chỉ được coi là hợp lệ trong trường hợp có cam kết chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung, thông tin của bản giải trình và chữ ký xác nhận và đóng dấu (nếu có) của chủ thể quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền. Chủ thể quyền phải ký nháy vào từng trang hoặc đóng dấu giáp lai vào các trang trong trường hợp bản giải trình có nhiều trang.
Quy định này cũng được áp dụng tương ứng đối với tài liệu do bên bị yêu cầu xử lý vi phạm cung cấp
(3) Tài liệu mô tả hoặc ảnh chụp hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm; địa điểm nơi có hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm.Tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm có thể cung cấp các tài liệu, mẫu vật, chứng cứ khác để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm và hàng hóa, dịch vụ vi phạm.