Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự? Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật? Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng?Phân biệt hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng? Đơn phương chấm dứt Hợp đồng hay Sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi?
Hợp đồng dân sự có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên kể từ thời điểm giao kết hợp đồng hoặc theo thỏa thuận của các bên. Những nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên và các vấn đề liên quan là yêu cầu mang tính bản chất của hiệu lực hợp đồng và là nội dung cơ bản của nguyên tắc hiệu lực bất biến. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện hợp đồng, không phải lúc nào các bên cũng có thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, hoàn thành và thanh lý hợp đồng theo quy định.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
- 1 1. Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự
- 2 2. Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật
- 3 3. Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng
- 4 4. Phân biệt hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng
- 5 5. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng hay Sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi
1. Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 BLDS 2015, điều kiện đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được quy định như sau: Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Đối với mỗi loại hợp đồng cụ thể thì pháp luật có những quy định riêng về điều kiện để các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng:
– Đối với hợp đồng lao động: Người Lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp quy định tại Bộ luật lao động 2019, Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp quy định tại
– Đối với hợp đồng thuê tài sản: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 478 BLDS 2015, bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 480 và khoản 2 Điều 481, bên cho thuê tài sản có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng hoặc bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp đối với thỏa thuận trả tiền thuê theo kì.
– Đối với hợp đồng vận chuyển hành khách: Bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 525 BLDS 2015; Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 524 BLDS 2015.
Ngoài ra, nếu dựa vào tính pháp lý và có căn cứ, chúng ta có thể phân ra hai trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự như sau:
– Thứ nhất, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
– Thứ hai, đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định.
2. Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật
✔ Thứ nhất việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải phù hợp với giao kết trong hợp đồng đã ký kết. Như vậy nếu trong hợp đồng kinh tế đã ký kết các bên có thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì khi áp dụng các bên cần tuân theo thỏa thuận này.
✔ Thứ hai khi các bên không thỏa thuận quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên có yêu cầu chấm dứt hợp đồng căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành để gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ của đối tác
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi xảy ra hành vi vi phạm là được thỏa thuận là điều kiện để chấm dứt hợp đồng hoặc xảy ra hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản thì đều là điều kiện chấm dứt hợp đồng. Nếu thuộc trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm không được hủy hợp đồng. Các trường hợp được miễn trách nhiệm trong hợp đồng:
+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của của bên kia.
✔ Đối với các hợp đồng không áp dụng theo luật thương mại 2005 thì căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng được áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
3. Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật sẽ buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng và có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật thì sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận đối với vấn đề giải quyết tranh chấp và quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng.
4. Phân biệt hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng là hai trong các trường hợp kết thúc thực hiện hợp đồng. Vậy nên phân biệt hai trường hợp này như thế nào?
Sự giống nhau của hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng có những điểm giống nhau như sau:
– Đều được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015
– Đều có hậu quả là kết thúc việc thực hiện hợp đồng.
– Do một bên thực hiện.
– Chỉ không phải bồi thường khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Đây cũng là điều kiện để áp dụng việc hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
– Phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hoặc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Sự khác nhau giữa hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng
STT | Tiêu chí | Hủy bỏ hợp đồng | Đơn phương chấm dứt hợp đồng |
1 | Căn cứ pháp lý | Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 | Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 |
2 | Các trường hợp | – Do chậm thực hiện nghĩa vụ – Do không có khả năng làm – Do tài sản bị hư hại, bị hỏng, bị mất | – Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng – Do hai bên thỏa thuận – Do pháp luật quy định |
3 | Điều kiện áp dụng | Phải có sự vi phạm hợp đồng và đây cũng là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng | Không bắt buộc phải có sự vi phạm hợp đồng bởi hai bên có thể thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định |
4 | Hậu quả | – Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận – Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ đi chi phí | – Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt – Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa |
5. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng hay Sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi
Một số trường hợp có thể được giải quyết bằng cơ chế giải phóng nghĩa vụ của hợp đồng, như cho phép một trong các bên được chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc cho phép các bên thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) đã dành một điều luật để quy định về việc “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Đây là một quy định mới được bổ sung ở BLDS 2015. Việc bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khi nào được coi là hoàn cảnh có sự thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng?
Theo Khoản 1 Điều 420 BLDS 2015 Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng phải có tính khách quan, tức là không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng. Ví dụ: bão, lũ, cháy, đình công, bạo động, có một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc một sự kiện khách quan diễn ra nằm ngoài sự kiểm soát của một bên… Điều kiện này có điểm tương đồng với các sự kiện được coi là “bất khả kháng”.
(ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Nghĩa là, sự thay đổi của hoàn cảnh nằm ngoài ý chí và khả năng tính toán trước của các bên. Quy định này cũng thể hiện tính khách quan của sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng.
(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; Theo quy định này, sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng làm cho các bên không thể thực hiện được hợp đồng theo những điều khoản đã ký kết. Mức độ của sự thay đổi của hoàn cảnh có thể khiến cho việc giao kết hợp đồng sẽ không được diễn ra hoặc diễn ra với nội dung khác.
(iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; Nếu như không thay đổi nội dung của hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trong cho một bên. Thiệt hại nghiêm trọng được đề cập ở đây được hiểu là nếu thiệt hại xảy ra, thì một trong các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Đây là quy định nhằm xác định nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Nếu như bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng thì bản thân họ cũng có nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh đến lợi ích của mình. Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng thì phải chứng minh đầy đủ các điều kiện, đặc biệt phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay đổi đó.
Hậu quả pháp lý khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể: Khoản 2 Điều 420 BLDS 2015 quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”.
Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra, BLDS 2015 đã ghi nhận và trao quyền đàm phán lại hợp đồng cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng. Khi đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng cho phù hợp với thực tế và cân bằng lợi ích của hai bên.
Khi các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng.
Pháp luật không quy định thời gian cụ thể để các bên đàm phán lại hợp đồng, chỉ khi các bên không đạt được sự thỏa thuận thì mới nhờ Tòa án can thiệp, tức là các bên phải nỗ lực đàm phán, thỏa thuận chỉnh sửa, bổ sung điều khoản hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, chỉ khi nào các bên không đạt được sự thống nhất thì mới được nhờ Tòa án giải quyết.
Khi đó theo Khoản 3 Điều 420 BLDS 2015: Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: (i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; (ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Như vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản chỉ xảy ra khi có Quyết định của Tòa án, một trong các bên không thể tự ý chấm dứt và cũng không phải cứ có yêu cầu là Tòa án sẽ cho chấm dứt hợp đồng. Việc can thiệp này là cần thiết bởi nó như “sợi dây trói buộc” mà bên bị ảnh hưởng sẽ mong muốn được “giải thoát” và “chỉ” Tòa án mới có khả khả năng “giải phóng” cho họ.
Một vấn đề cần lưu ý là trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 4 Điều 420 BLDS 2015). Có nghĩa rằng trừ khi các bên có thỏa thuận về việc ngừng thực hiện hợp đồng, nếu không, các bên vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng đã xác lập trước đó trong suốt quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng và ngay cả trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.