Khái quát về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường? Quy định của pháp luật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường?
Ban hành và áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là môi trường là một trong những hình thức pháp lý quan trọng để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chính vì có vai trò quan trọng, do vậy, hệ thống các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỷ thuật môi trường được pháp luật môi trường quy định rất chi tiết và cụ thể, tạo cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh hành vi của con người cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Để làm rõ quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hãy cũng Luật Dương Gia có những phân tích, bình luận trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường?
1.1. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Theo nghĩa rộng, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là những chuẩn mực môi trường, trong đó bao gồm tất cả những thông số thành phần của môi trường được coi là trong sạch và an toàn. Những chuẩn mực này được xây dựng phù hợp với cuộc sống của con người và có những phương pháp nhất định để xác định chúng.
Dưới góc độ pháp lý, Luật bảo vệ môi trường đưa ra định nghĩa về quy chuẩn kỹ thuật môi trường như sau: ” Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.” (Khoản 5, Điều 3).
Những chuẩn mực, những giới hạn cho phép được hiểu là mức độ hoặc phạm vi chất ô nhiễm nhất định có thể chấp nhận được (được phép tồn tại trong một thành phần môi trường nhất định hoặc trong một khoảng thời gian nhất định) vì chưa đến mức gây nguy hiểm cho con người hoặc đã giới hạn an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường trong hiện tại cũng như trong tương lai.
1.2. Tiêu chuẩn môi trường.
Khái niệm về tiêu chuẩn môi trường được hiểu thống nhất căn cứ vào Khoản 6, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, theo đó: “Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.“
Tiêu chuẩn môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường luôn được nghiên cứu và tìm hiểm song hành với nhau bởi chứa đựng nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên bản chất của hai nội dung là khác nhau và thực tiễn pháp luật chứng minh rằng quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường đa dang, chi tiết hơn so với quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.
1.3. Sự khác nhau giữa quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường.
Giữa quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường khác nhau ở nhiều góc độ, về nội dung, chủ thể ban hành, cách thức, trình tự, thủ tục ban hành. Tuy nhiên, điểm khác nhau cốt lõi nhất giữa quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường là:
– Quy chuẩn kỹ thuật môi trường vừa là quy phạm pháp luật vừa là quy phạm kỹ thuật có tính bắt buộc chung, được áp dụng thống nhất (được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành) để điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình khai thác, sử dụng, tác động đến các yếu tố khác nhau của môi trường.
– Khác với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường không mang tính bắt buộc chung mà áp dụng tự nguyện, tiêu chuẩn chỉ trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Quy định của pháp luật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường?
2.1. Quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường được quy định từ Điều 113 đến Điều 118 Luật Bảo vệ môi trường, với các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, phân loại quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Căn cứ vào tính chất của quy chuẩn kỹ thuật môi trường cũng như mục đích ban hành quy chuẩn, hệ thống quy chuẩn môi trường được chia thành 03 loại:
– Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh.
Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh được quy định tại Điều 116 Luật bảo vệ môi trường, theo đó: “1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường gồm:…..2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.” Việc đặt ra yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường xung quanh lấy con người, sinh vật làm nền tảng và đối tượng có khả năng tác động chủ yếu. Dựa vào đặc điểm về không gian, thời gian và mục đích sử dụng các thành phần môi trường, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng môi trường xung quanh được xây dựng thành các nhóm theo quy định tại Khoản 1, Điều 113.
– Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được quy định tại Điều 117, theo đó:
“1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
2. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.
3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm.“
Yêu cầu này khác với yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, khi lấy nền tảng xác định “ô nhiễm môi trường” do các chất gây ô nhiễm, việc xác định quy chuẩn phụ thuộc vào hàm lượng và khả năng tác động của hàm lượng chất gây ô nhiễm tới môi trường.
– Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.
Nội dung về quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác không được quy định cụ thể trong Luật bảo vệ môi trường, việc phân loại thêm nhóm quy chuẩn này là sự dự trù của pháp luật và đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật (nếu có). Việc áp dụng quy định đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác dựa trên quy định tại Điều 118 Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ hai, xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Nội dung này được quy định tại Điều 118 Luật Bảo vệ môi trường, trong đó xác định chủ thể có thẩm quyền ban hành quy chuẩn là: Bộ Tài nguyên và Môi trường (ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương).
Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể là
2.2. Quy định về tiêu chuẩn môi trường.
Tiêu chuẩn môi trường được quy định tại Điều 119, Điều 120 Luật Bảo vệ môi trường.
Cũng tương tự như cách phân loại trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường cũng được phân thành 03 loại: tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác. Tuy nhiên, tiêu chuẩn môi trường lại không đặt ra các yêu cầu chặt chẽ như đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Tiêu chuẩn môi trường dựa vào chủ thể ban hành có thể phân thành tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở, trong đó, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố; còn tiêu chuẩn cơ sở về môi trường do tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị sự sự nghiệp hoặc tổ chức xã hội- nghề nghiệp (Khoản 3, Điều 11, Văn bản hợp nhất Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật) xây dựng và công bố. (Khoản 2, 3, 4, Điều 120 Luật bảo vệ môi trường).
Phạm vi áp dụng đối với tiêu chuẩn cơ sở khá hẹp, chỉ có giá trị trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn. Đối với tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, phạm vi áp dụng rộng hơn nhưng lại không có tính bắt buộc, trừ khi nó được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. (toàn bộ hoặc một phần) (Khoản 2, 3, Điều 119).
Nhìn chung, quy định về ban hành, áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là khá chặt chẽ và thống nhất, đó phải là sự kết hợp giữa quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo sự ra đời của các tiêu chuẩn, quy chuẩn là hợp pháp, hợp lý và áp dụng hiệu quả trong thực tế, phù hợp với tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta và sẵn sàng trở thành một trong các phương tiện pháp lý hữu hiệu nhất để kiểm soát ô nhiễm môi trường.