Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là một trong những nội dung vô cùng quan trọng của Bộ luật Dân sự, bởi vì đây là cơ sở để xem xét một chủ thể có tư cách tham gia xác lập, thực hiện một quan hệ pháp luật hay không. Cùng bài viết tìm hiểu quy định về các loại năng lực hành vi pháp luật dân sự mới nhất.
Mục lục bài viết
- 1 1. Năng lực hành vi pháp luật là gì?
- 2 2. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân:
- 3 3. Năng lực hành vi dân sự của người thành niên:
- 4 4. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên:
- 5 5. Năng lực hành vi dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự:
- 6 6. Năng lực hành vi dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
- 7 7. Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do chủ thể không có năng lực hành vi dân sự:
- 8 8. Thừa kế khi người thừa kế hạn chế năng lực hành vi dân sự:
1. Năng lực hành vi pháp luật là gì?
Năng lực hành vi pháp luật là khả năng của các cá nhân hay tổ chức do pháp luật quy định, bằng các hành vi của chính mình thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí và tự chịu trách nhiệm về những hành vi ấy.
2. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân:
Tại Điều 19
‘Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.’
Năng lực hành vi dân sự là một bộ phận cấu thành của năng lực chủ thể của cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự (năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự). Đối với năng lực pháp luật của cá nhân, từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền và nghĩa vụ dân sự. Nhưng khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự không phát sinh đồng thời với thời điểm cá nhân có được các quyền và nghĩa vụ dân sự đó.
Để tự mình thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của bản thân, cá nhân phải có khả năng nhân thức và làm chủ được hành vi mà cá nhân xác lập trong các quan hệ pháp luật dân sự. Điều này sẽ bảo đảm được quyền lợi của chính cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự và cũng bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Ví dụ, kể từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền được tham gia vào các hợp đồng nhưng nếu đứa trẻ ba tuổi tiến hành bán tài sản có được từ việc thừa kế cho người khác thì rõ ràng quyền lợi của cả người mua và người bán đều không được bảo đảm. Vì vậy, khả năng tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự chính là năng lực hành vi dân sự của cá nhân.
Việc xác định khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mỗi cá nhân khi tham giao vào quan hệ pháp luật dân sự khó có thể thực hiện đối với mỗi quan hệ phát sinh trên thực tế. Bởi vì trong dân sự, số lượng các quan hệ mà các chủ thể tham gia hàng ngày, thường là rất lớn, không thể yêu cầu trong quan hệ dân sự nào chủ thể cũng phải đưa ra chứng cứ chứng minh về khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Vì thế, các quy định của Bộ Luật dân sự đưa ra cách suy đoán pháp lý về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân về cơ bản dựa trên yếu tố độ tuổi, ngoài ra, trong một số trường hợp là dựa vào những yếu tố khác. Do đó sự phân biệt về khả năng nhận thức của mỗi cá nhân, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được chia thành các mức độ khác nhau giữa các cá nhân khác nhau.
3. Năng lực hành vi dân sự của người thành niên:
Theo Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
‘Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.’
Quy định này xác định khái niệm người thành niên phụ thuộc vào độ tuổi. Theo đó, người thành niên là người có độ tuổi từ đủ mười tám tuổi trở lên.
Khái niệm này là cơ sở áp dụng đối với những trường hợp sử dụng thuật ngữ “người thành niên” trong các quy định cụ thể của các văn bản là nguồn của luật dân sự, áp dụng điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự, áp dụng điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự. Ví dụ, các quy định liên quan đến người đã thành niên tại Điều 53 – Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, Điều 625 – Người lập di chúc…
4. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên:
Quy định này xác định khái niệm người chưa thành niên phụ thuộc vào độ tuổi. Theo đó, người chưa thành niên là người có độ tuổi chưa đủ mười tám tuổi. Khái niệm này là cơ sở áp dụng đối với những trường hợp sử dụng thuật ngữ ‘người chưa thành niên’ trong các quy định cụ thể của các văn bản là nguồn của luật dân sự, áp dụng điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự. Ví dụ, các quy định về người chưa thành niên tại Điều 41 – Nơi cư trú của người chưa thành niên, Điều 47- Người được giám hộ, Điều 586 – Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân…
Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên được chia theo các khoảng khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi. Theo đó, tất cả các giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi đều phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Do đó, mọi giao dịch dân sự, kể cả việc mua các đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, cá nhân chưa đủ sáu tuổi cũng không được tự mình thực hiện.
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi đã bắt đầu có một phần năng lực hành vi dân sự. Những người này đã có thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp còn lại, họ chưa được quyền tự mình tham gia. Về cơ bản, hầu hết các giao dịch dân sự của những người này đều phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Những giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì những người này có thể tự mình xác lập, thực hiện bằng hành vi của mình. Ví dụ đứa trẻ 10 tuổi có thể tự mình mua một chiếc bút bi về sử dụng.
5. Năng lực hành vi dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự:
Quy định này đưa ra căn cứ để suy đoán pháp lý về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi để xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân trên thực tế. Theo đó, cá nhân được xác định là mất năng lực hành vi dân sự khi có yếu tố:
– Mắc bệnh liên quan đến tâm thần (bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình);
– Có yêu đầu (theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan).
– Có kết luận của tổ chức giám định về tình trạng bệnh của cá nhân.
– Có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần).
Khi cá nhân được xác định là mất năng lực hành vi dân sự, hậu quả pháp lý đối với họ cũng tương tự như đối với người chưa đủ sáu tuổi. Theo đó, mọi giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự cũng phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Mất năng lực hành vi dân sự không phải là một mức độ năng lực hành vi dân sự mà là một tình trạng của năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định đối với cá nhân bị mắc các bệnh về tâm thần, hoặc bệnh khác mà ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.
6. Năng lực hành vi dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Về khái niệm trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó nội dụng cụ thể như sau, người thành niên mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do tình trạng thể chất hoặc tinh thần tác động lên, thì những người này hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu Tòa án tuyên bố người này là khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Đồng thời Tòa án chỉ định người giám hộ cho người đó, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Điều luật này rất có ý nghĩa đối với thực tế xã hội có rất nhiều người vì những lý do khác nhau (như sức khỏe, tình trạng tình thần, tuổi tác, bệnh tật, tai nạn…) dẫn đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ rất yếu. Tuy nhiên, các cá nhân này lại không có tình trạng như người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có những nguyên nhân khác với nguyên nhân để tuyên người mất năng lực hành vi dân sự nên trước đây, tình trạng năng lực hành vi dân sự của họ, do thiếu vắng quy định của pháp luật, đều vẫn được xác định là đầy đủ. Thực trạng này dẫn tới những hậu quả bất lợi về quyền, nghĩa vụ của chính bản thân các cá nhân này cũng như những chủ thể khác có liên quan.
Điều luật này đưa ra một tình trạng ‘đặc biệt’ về năng lực hành vi dân sự của cá nhân, đó là: có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Theo đó, cá nhân được xác định đang thuộc vào trường hợp này khi có các điều kiện sau:
– Điều kiện thứ nhất là độ tuổi từ mười tám tuổi trở lên, theo quy định của pháp luật dân sự thì được gọi là người thành niên.
– Điều kiện thứ hai là người này chưa hoàn toàn mất năng lực hành vi dân sự, mà chỉ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Có thể hiểu đơn giản là người bị bệnh này lúc tỉnh táo bình thường, lúc không bình thường, không đủ sức khỏe thể chất hoặc tinh thần để điều khiển hành vi.
– Điều kiện thứ ba là phải có yêu cầu của chính bản thân người bị khó khăn, làm chủ hành vi hoặc người có quyền, lợi ích liên quan với người đó hoặc tổ chức, cơ quan hữu quan yêu cầu đối với Tòa án tuyên bố khó khăn trong làm chủ hành vi, trong nhận thức.
– Điều kiện thứ tư là phải có kết luận của giám định pháp y tâm thần, đây là căn cứ, cơ sở cho việc Tòa án ra quyết định.
– Điều kiện thứ năm là phải có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người được yêu cầu có khó khăn trong điều khiển hành vi, làm chủ nhận thức. Khi Tòa án tuyên bố về năng lực hành vi dân sự của cá nhân này, đồng thời, Tòa án cũng chỉ định người giám hộ và xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
7. Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do chủ thể không có năng lực hành vi dân sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Cho tôi hỏi cụ tôi 95 tuổi bị đãng trí tặng cho 1người hàng xóm đôi bông tai vàng trị giá 15 triệu vậy các con của cụ có đòi lại được không. Xin cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Bạn có trình bày, bà bạn 95 tuổi bị đãng trí tặng cho một người hàng xóm đôi bông tai vàng trị giá 15 triệu.Bạn muốn hỏi các con của bà bạn có thể đòi lại được không thì trong trường hợp này phải xem xét việc tặng cho giữa bà bạn và người hàng xóm kia có hiệu lực hay không. Cụ thể:
Theo Điều 117
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
Bên cạnh đó, Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Theo quy định tại Điều 458 Bộ luật dân sự 2015 về tặng cho động sản như sau:
“1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”
Như vậy, đối với việc tặng cho động sản là tài sản không phải đăng ký, thì hai bên không cần phải lập thành văn bản mà chỉ khi nào bên được tặng cho nhận được tài sản thì việc cho tặng đã có hiệu lực, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
– Xét trong trường hợp trên nếu việc tặng cho giữa bà bạn và người hàng xóm kia vào thời điểm người bà của bạn có khả năng nhận thức đầy đủ hành vi của mình và đáp ứng các điều kiện tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 458 Bộ luật dân sự 2015 thì ngay khi người háng xóm kia nhận được hoa tai vàng thì việc tặng cho này đã có hiệu lực. Và những người con của bà bạn không thể đòi lại được.
– Nếu gia đình bạn chứng minh được tại thời điểm thực hiện việc tặng cho người hàng xóm, bà bạn không có đủ năng lực hành vi dân sự thì việc tặng cho giữa bà bạn và người hàng xóm không đáp ứng điều kiện có hiệu lực của giao dịch quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015. Và theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”
Nếu thuộc trường hợp nêu trên thì việc tặng cho giữa bà bạn và người hàng xóm là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 do người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện. Và trong trường hợp này gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện ra
8. Thừa kế khi người thừa kế hạn chế năng lực hành vi dân sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Gửi luật Dương Gia cho em hỏi: Bố mẹ sinh được 2 người con. 1 người lấy vợ và ở nơi khác. Người còn lại ở với bố mẹ và không lấy vợ. Bố mẹ mất và chưa sang tên cho người con ở cùng. Cho em hỏi nếu muốn sang tên cho người con ở cùng thì cần những giấy tờ gì và như thế nào (người con ở cùng bị tật bẩm sinh không nói và không viết được).
Luật sư tư vấn:
Trường hợp bố mẹ mất nhưng không để lại di chúc, căn cứ theo Điều 651 của Bộ luật dân sự 2015 thì di sản để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trường hợp này bố mẹ có hai người con thì di sản thừa kế sẽ được chia đều cho hai người. Nếu muốn sang tên cho người con ở cùng thì cần có văn bản từ chối nhận di sản của người con còn lại. Tuy nhiên, người con ở cùng bị dị tật bẩm sinh không nói và viêt được. Như vậy, nếu người có này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Điều 24 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Đối chiếu quy định trên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không thể tự thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của mình. Thay vào đó, việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của người này phái có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự do Tòa án chỉ định và nhất thiết phải có đủ điều kiện như một người giám hộ. Thông thường, nếu người bị hạn chế năng lực hành vi có vợ (chồng), thì người đại diện là vợ chồng; trong trường hợp người này không có vợ (chồng) thì người đại diện là một người thân thuộc. Người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm quản lý tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tóm lại, để sang tên quyền sử dụng đất cho người con ở cùng thì người con còn lại cần nộp đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên người con ở cùng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Sau đó, Tòa án sẽ chỉ định người đại diện theo pháp luật cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Lúc này, người đại diện theo pháp luật sẽ có trách nhiệm trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.