Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng là một tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc thực hiện đầu tư xây dựng. Quy định về Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được pháp luật quy định như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
- 2 2. Dự án đầu tư xây dựng phải lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:
- 3 3. Nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
- 4 4. Thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng:
- 5 5. Thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư:
- 6 6. Thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
1. Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là một tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc thực hiện đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình có quy mô nhỏ, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
2. Dự án đầu tư xây dựng phải lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định về dự án đầu tư xây dựng phải lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, Điều này quy định dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng (trừ các trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng), bao gồm:
– Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
– Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mà có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất);
– Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc các dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng về an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm cả chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Lưu ý rằng, trong trường hợp nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện xây dựng thì không phải lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
3. Nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
Căn cứ Điều 55 Luật Xây dựng 2014 quy định về nội dung của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, Điều này quy định nội dung của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng bao gồm:
– Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.
– Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:
+ Thuyết minh về sự cần thiết đầu tư;
+ Mục tiêu xây dựng;
+ Địa điểm xây dựng;
+ Diện tích sử dụng đất;
+ Quy mô, công suất, cấp công trình;
+ Giải pháp thi công xây dựng;
+ An toàn xây dựng;
+ Phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường;
+ Bố trí kinh phí thực hiện;
+ Thời gian xây dựng;
+ Hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
4. Thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng:
Căn cứ Điều 56 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định về thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng, Điều này quy định:
– Đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
– Đối với dự án PPP, việc thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
– Đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc các trường hợp trên, việc thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng được thực hiện như sau:
+ Người quyết định đầu tư có trách nhiệm:
++ Tổ chức thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng;
++ Giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc giao tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi người quyết định đầu tư không có cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện thẩm định các nội dung Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.
+ Đối với dự án yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm về quốc phòng, an ninh, dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ sẽ còn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến hoặc thực hiện thẩm định, thẩm duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan. Chủ đầu tư sẽ được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả về thực hiện yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường phải được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.
+ Cơ quan chủ trì thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết làm cơ sở cho việc thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng.
+ Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện quy định trên, trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
5. Thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư:
– Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà chỉ cần lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật, người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung sau:
+ Sự phù hợp về quy hoạch, mục tiêu, quy mô đầu tư và những yêu cầu khác được xác định trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng;
+ Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công về bảo đảm an toàn công trình và các biện pháp bảo đảm an toàn công trình lân cận;
+ Việc lập tổng mức đầu tư xây dựng, xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng;
+ Giải pháp tổ chức thực hiện dự án, phương án giải phóng mặt bằng, hình thức thực hiện dự án;
+ Sự phù hợp của phương án công nghệ (nếu có);
+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và yêu cầu của người quyết định đầu tư.
– Đối với dự án sử dụng vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định về nội dung thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng bảo đảm đáp ứng yêu cầu về đầu tư, kinh doanh và quy định của pháp luật có liên quan.
– Trường hợp dự án đầu tư xây dựng có sử dụng cộng nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng mà có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ thì sẽ phải được cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của Chính phủ. Nội dung và thời gian thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc có ý kiến về công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Kết quả của thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc ý kiến của cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực sẽ được gửi cơ quan chủ trì thẩm định của người quyết định đầu tư để tổng hợp.
6. Thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng:
Căn cứ khoản 4 Điều 109 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, Điều này quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này ở trên địa bàn hành chính của mình theo phân cấp; ban hành về quy trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng những dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công do chính Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư; chỉ đạo, thực hiện kiểm tra các cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc thực hiện tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc chuyên ngành, cụ thể:
– Sở Xây dựng đối với:
+ Dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng dân dụng;
+ Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở;
+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng;
+ Dự án đầu tư xây dựng công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và đường bộ ở trong đô thị (trừ đường quốc lộ qua đô thị).
– Sở Giao thông vận tải đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (trừ các dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý);
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn;
– Sở Công Thương đối với dự án, công trình thuộc thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp (trừ các dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý);
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với những dự án, công trình được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được giao quản lý;
– Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Sở Giao thông vận tải – Xây dựng thì Sở Giao thông vận tải – Xây dựng sẽ thực hiện nhiệm vụ do Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thực hiện đã nêu trên.
Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc phân cấp cho cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của huyện và hoàn toàn được quyền điều chỉnh việc phân cấp thẩm định theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng 2014;
– Luật Xây dựng 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2023/NĐ-CP.