Bản vẽ hoàn công xây dựng chính là bản vẽ thể hiện các thông số về kích thước, vật liệu, vị trí, thiết bị được sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Nó là căn cứ để thực hiện các công việc liên quan đến bàn giao công trình cho chủ sở hữu để khai thác, sử dụng, do vậy cần phải được lập chính xác và đúng chuẩn quy định.
Mục lục bài viết
1. Quy định về bản vẽ hoàn công công trình xây dựng mới nhất:
1.1. Bản vẽ hoàn công xây dựng là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì ta có thể hiểu bản vẽ hoàn công công trình xây dựng là bản vẽ của công trình xây dựng đã hoàn thành, bản vẽ này sẽ thể hiện kích thước, vị trí, vật liệu và các thiết bị được sử dụng thực tế để xây dựng công trình.Hay nói cách khác thì bản vẽ hoàn công xây dựng là bản vẽ được lập sau khi đã hoàn thành việc thi công xây dựng công trình, tức là hoàn thành thi công công trình theo bản vẽ thiết kế, bản vẽ xây dựng, lắp đặt toàn bộ thiết bị, đang hoặc đã thực hiện nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành.
Do bản vẽ hoàn công thể hiện sự hoàn chỉnh của công trình xây dựng nên có thể thấy rằng bản vẽ hoàn công xây dựng là hình ảnh trực quan của công trình được mô tả trên giấy sau khi công trình đã hoàn thành việc xây dựng, tiến hành nghiệm thu. Nó là căn cứ để bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, khai thác nên cần đòi hỏi sự chính xác, đúng theo hiện trạng và quy định pháp luật về hình thức của bản vẽ hoàn công.
Tóm lại thì bản vẽ hoàn công xây dựng chính là bản vẽ thể hiện các thông số về kích thước, vật liệu, vị trí, thiết bị được sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Nó là căn cứ để thực hiện các công việc liên quan đến bàn giao công trình cho chủ sở hữu để khai thác, sử dụng, do vậy cần phải được lập chính xác và đúng chuẩn quy định.
1.2. Quy tắc lập bản vẽ hoàn công xây dựng:
Căn cứ theo quy định của nghị định 06/2021/NĐ-CP thì ta có thể xác định được khi lập bản vẽ hoàn công xây dựng cần phải tuân theo những quy tắc cụ thể như là:
Thứ nhất, bản vẽ hoàn công xây dựng là bản được chụp lại hay có thể hiểu chính là bản photocopy từ bản vẽ thi công và được các bên liên quan đóng dấu, xác nhận nếu kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình, công trình xây dựng không vượt quá sai số cho phép so với kích thước, thông số thiết kế của bản vẽ thi công;
Thứ hai, nhà thầu thi công được phép ghi lại các trị số, kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn ở vị trí bên cạnh hoặc bên dưới các trị số kích thước, thông số cũ trong tờ bản vẽ được chụp lại từ bản vẽ thi công nếu kích thước, thông số thực tế có khác biệt so với bản vẽ thi công được phê duyệt, để làm bản vẽ hoàn công;
Thứ ba, nhà thầu thi công xây dựng có thể lập lại bản vẽ hoàn công mới, có khung tên bản vẽ hoàn công tương tự như mẫu dấu bản vẽ hoàn công quy định trong trường hợp cần thiết;
Thứ tư, phải lập bản vẽ hoàn công xây dựng hoặc được đo đạc, xác định kích thước, thông số thực tế đối với các bộ phận công trình bị che khuất trước khi tiến hành các công việc tiếp theo của dự án;
Thứ năm, từng thành viên trong liên danh đối với nhà thầu là nhà thầu liên danh thì phải có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công tương ứng với phần công việc do mình thực hiện và không được ủy quyền thực hiện cho các thành viên khác trong liên danh;
1.3. Quy định về mẫu dấu sử dụng trong bản vẽ hoàn công xây dựng:
Theo quy định của pháp luật sẽ có hai mẫu dấu sử dụng trong bản vẽ hoàn công xây dựng. Cụ thể đó là:
Một là, trong trường hợp không phải là tổng thầu xây dựng thi công xây dựng thì áp dụng mẫu dấu sau đây:
TÊN NHÀ THẦU THI CÔNG XÂY DỰNG | ||
BẢN VẼ HOÀN CÔNG Ngày……tháng……năm…… | ||
Người lập | Chỉ huy trưởng công trình hoặc giám đốc dự án | Tư vấn giám sát trưởng |
Hai là, trong trường hợp hình thức tổng thầu xây dựng thi công xây dựng thì áp dụng mẫu dấu sau đây:
TÊN NHÀ THẦU THI CÔNG XÂY DỰNG | |||
BẢN VẼ HOÀN CÔNG Ngày……tháng…..năm….. | |||
Người lập | Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu phụ | Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của tổng thầu | Tư vấn giám sát trưởng |
2. Khi nào cần lập bản vẽ hoàn công xây dựng ?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có bất cứ quy định nào về thời điểm lập bản vẽ hoàn công xây dựng. Tuy nhiên, dựa trên một số những ý nghĩa, công dụng của bản vẽ hoàn công thì ta có thể xác định được thời điểm lập bản vẽ hoàn công là khi đã nghiệm thu công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng hoàn thành. Mà trên thực tế thì để tiết kiệm thời gian và để cập nhật đúng tiến độ thi công xây dựng, bản vẽ hoàn công được lập song song cùng với việc nghiệm thu xây dựng công trình. Hoặc là khi nghiệm thu công trình ở giai đoạn nào, bộ phận nào sẽ tiến hành lập bản vẽ hoàn công xây dựng tương ứng.
Tóm lại,bản vẽ hoàn công xây dựng công trình được lập khi đã thực hiện nghiệm thu hạng mục, công trình hoàn thành. Để đảm bảo tiến độ thi công, trên thực tế thì việc lập bản vẽ hoàn công được tiến hành đồng thời với việc nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành.
3. Thẩm quyền ký bản vẽ hoàn công xây dựng:
Như chúng ta đã biết thì bản vẽ hoàn công do đơn vị thi công, chủ thầu xây dựng lập. Còn về thẩm quyền ký bản vẽ hoàn công xây dựng thì được xác định dựa theo hai trường hợp cụ thể như là:
Thứ nhất, đối với trường hợp thi công theo hình thức không phải là tổng thầu xây dựng thi công xây dựng thì người ký bản vẽ hoàn công xây dựng phải bao gồm: Người lập bản vẽ đó (thuộc đơn vị thầu thi công); Chỉ huy trưởng công trình hoặc giám đốc dự án;Tư vấn giám sát trưởng;
Thứ hai, đối với trường hợp thi công theo hình thức tổng thầu xây dựng thì người ký bản vẽ hoàn công xây dựng sẽ bao gồm: người lập bản vẽ; Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu phụ; Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của tổng thầu; Tư vấn giám sát trưởng;
Tóm lại, tùy thuộc hình thức thi công xây dựng công trình là tổng thầu xây dựng hoặc không phải tổng thầu xây dựng mà bản vẽ hoàn công xây dựng yêu cầu phải có chữ ký của các bên khác nhau.Thông qua chữ ký, xác nhận của các bên thể hiện sự đồng ý, chấp thuận của các đơn vị,tổ chức và là căn cứ để xác định trách nhiệm của các bên đối với công trình xây dựng.
4. Sau khi có bản vẽ hoàn công xây dựng thì bao lâu hoàn công nhà?
Như đã trình bày ở các phân mục trên thì công trình xây dựng sau khi đã hoàn thành cần phải thực hiện thủ tục nghiệm thu, hoàn công để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Theo đó thì trên thực tế việc hoàn công xây dựng có thể hiểu rằng là việc chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ thầu thực hiện nghiệm thu công trình sau khi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là nhà ở.
Như vậy, có thể thấy rằng thời gian hoàn công nhà không được xác định cụ thể là bao lâu sau khi có bản vẽ. Việc hoàn công nhà sẽ phụ thuộc vào thời gian chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất và thời gian giải quyết yêu cầu đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất, thông thường là không quá 30 ngày nếu là đăng ký, cấp sổ lần đầu; không quá 15 ngày nếu là đăng ký biến động.
5. Chi phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng:
Như đã phân tích ở các phần mục trên thì bản vẽ hoàn công xây dựng do đơn vị thi công, đơn vị thầu lập. Theo đó, bản vẽ này được chụp lại từ bản vẽ thiết kế thi công xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ hoặc được lập mới nếu thấy cần thiết. Do đó có thể hiểu rằng nếu việc thi công xây dựng mà do chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện, tự lập bản vẽ thì không mất phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một vài trường hợp theo thỏa thuận, hoặc các bên muốn lập bản vẽ hoàn công mới, hoặc chủ thầu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, chủ đầu tư có thể vẫn chịu khoản chi phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng cho căn nhà của mình.
Tóm lại chủ sở hữu hoặc chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ chắc chắn không mất phí lập bản vẽ hoàn công xây dựng nếu việc thi công, nghiệm thu, hoàn thành do chủ đầu tư tự thực hiện.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng 2014;
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP, hướng dẫn quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.