Khái quát chung về hợp đồng mua bán tài sản? Một số quy định về hợp đồng mua bán tài sản?
Hiện nay, trong quan hệ dân sự thì các hình thức trao đổi tài sản, trao đổi hàng hóa, chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng rất đa dạng và phong phú. Chính bởi vì thế mà rất nhiều loại hợp đồng đã ra đời và đem đến những lợi ích cho các chủ thể tham giao vào các giao dịch dân sự.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát chung về hợp đồng mua bán tài sản:
1.1. Hợp đồng mua bán tài sản là gì?
Điều 430
Hiểu một cách đơn giản thì hợp đồng mua bán tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng được sử dụng phổ biến trong thực tiễn. Trong hợp đồng mua bán tài sản, bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.
Thông thường, hợp đồng mua bán tài sản sẽ được thực hiện ngay sau khi các bên thỏa thuận xong về đối tượng và giá cả. Khi bên mua trả tiền xong thì bên bán chuyển giao vật cho bên mua tuy nhiên cũng có thể được các bên thỏa thuận khác như nhận tiền trước, giao vật sau hoặc giao vật trước, trả tiền sau. Cũng có trường hợp khi đối tượng của hợp đồng mua bán là một số lượng lớn tài sản thì các bên có thể chuyển giao vật làm nhiều lần và mỗi lần theo một số lượng, khối lượng nhất định.
hợp đồng mua bán tài sản là phương tiện pháp lí quan trong nhằm tạo điều kiện cho công dân, tổ chức trao đổi hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hợp đồng mua bán tài sản được xác lập đã phản ánh mối quan hệ kinh tế về trao đổi vật tư, sản phẩm giữa các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Thông qua đó đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
1.2. Đặc điểm pháp lí của hợp đồng mua bán tài sản:
Trong thực tế và căn cứ theo quy định pháp luật, hợp đồng mua bán tài sản có một số đặc điểm cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ.
Bên bán và bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản đều có quyền và nghĩa vụ tượng ứng đối với nhau. Trong hợp đồng mua bán tài sản, bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận vật và trả tiền mua vật; ngược lại, bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao vật và nhận tiền bán vật.
– Thứ hai: Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng có đền bù.
Khoản tiền mà bên mua tài sản phải trả cho bên bán tài sản là khoản đền bù về việc mua bán tài sản. Đặc điểm có đền bù trong hợp đồng mua bán tài sản là yếu tố phân biệt giữa hợp đồng này với hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù.
– Thứ ba: Mục đích của hợp đồng mua bán tài sản là chuyển giao quyền sở hữu.
Đặc điểm này là một căn cứ quan trọng kế tục quyền sở hữu tài sản. Đặc điểm này là yếu tố phân biệt giữa hợp đồng mua bán tài sản với hợp đồng cho mượn tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản.
1.3. Chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản:
Việc xác định chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản là một vấn đề rất được quan tâm và có ý nghĩa quan trọng. Các chủ thể trong hợp đồng mua bán tài sản có thể là tổ chức, pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình hay các chủ thể khác nhau của quan hệ dân sự nhưng phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Theo đó:
– Bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản: được hiểu là người có tài sản đem bán, là chủ sở hữu tài sản hoặc là người được ủy quyền bán hoặc cũng có thể là người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản: được hiểu là người có tiền mua tài sản.
Trong hợp đồng mua bán tài sản thì nội dung chủ thể của hợp đồng sẽ được xây dựng thông qua các thông tin về nhân thân của các chủ thể đó.
Đối với trường hợp tài sản được mua bán thông qua việc ủy quyền thì ngoài việc phải ghi nhận đầy đủ thông tin của người bán, người mua còn phải thể hiện rõ thông tin của người thực hiện công việc ủy quyền và ghi rõ người thực hiện công việc ủy quyền cho người bán cho người mua.
Còn đối với trường hợp tài sản được bán qua tổ chức bán đấu giá thì nội dung chủ thể trong hợp đồng thể hiện như sau: bên bán là tổ chức bán đấu giá nào, có trụ sở tại đâu và do đấu giá viên nào tổ chức bán; bên có tài sản là chủ sở hữu tài sản và bên mua.
2. Một số quy định về hợp đồng mua bán tài sản:
2.1. Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản:
Theo quy định tại Điều 431
“1. Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.
2. Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.”
Như vậy, tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản có thể là vật, có thể là quyền tài sản với điều kiện tài sản đó phải được phép giao dịch.
– Trong trường hợp tài sản là vật thì vật đó phải được xác định rõ.
– Trong trường hợp tài sản là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh quyền đó thuộc sở hữu của bên bán. Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là quyền tài sản thì phải có những chứng từ hoặc bằng chứng khác để chứng minh quyền đó thuộc sở hữu của bên bán. Quyền tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phổ biến là chuyển giao quyền đòi nợ, mua bán quyền sử dụng đất đai, mua bán quyền sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao được.
Như vậy, cho dù đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là vật cụ thể hay một quyền tài sản thì phải được xác định rõ.
Ngoài ra, cũng theo quy định của pháp luật thì đối tượng của hợp đồng mua bán còn có thể là các tài sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp này, bên bán sẽ có trách nhiệm cần phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để có thể xác định được tài sản đó và chứng minh tài sản sẽ chắc chắn được hình thành trong tương lai và khi hình thành, chắc chắn tài sản đó thuộc quyền sở hữu của mình.
Tất cả các loại tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản. Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản cũng phải thỏa mãn những quy định của pháp luật về chế độ pháp lí của đối tượng trong giao dịch dân sự. Đối tượng của hợp đồng mua bán phải được phép giao dịch.
Trong các trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.
Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán tài sản đó.
2.2. Giá và phương thức thanh toán:
Theo quy định pháp luật thì giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.
Đối với trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.
2.3. Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản:
Theo quy định pháp luật thì hình thức của hợp đồng mua bán tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
Trong trường hợp các đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì hình thức của hợp đồng mua bán tài sản phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định.
Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản sẽ là căn cứ để xác định người bán và người mua đã tham gia vào hợp đồng mua bán tài sản, từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; xác định trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng.
2.4. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán:
Theo quy định pháp luật thì thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán tài sản do các bên thỏa thuận. Bên bán sẽ có trách nhiệm phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận và bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
Khi các bên không thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.
Bên mua sẽ thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu các bên không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
2.5. Địa điểm và phương thức giao tài sản:
Theo quy định pháp luật thì địa điểm giao tài sản do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận thì được xác định theo địa điểm thực hiện nghĩa vụ như sau:
– Địa điểm giao tài sản là nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản.
– Địa điểm giao tài sản là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.
Tài sản được giao theo phương thức cụ thể do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.
Cần lưu ý đối với trường hợp theo thỏa thuận, bên bán sẽ giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.