BLHS năm 1999 trên cơ sở kế thừa các quy định trước đó đã tạo ra một bước tiến mới trong việc tội phạm hóa và xử lý các hành vi phạm pháp liên quan đến ma túy, trở thành công cụ pháp lý quan trọng nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở nước ta thời gian đó.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ trước khi ban hành BLHS năm 1985:
- 2 2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi ban hành BLHS năm 1999:
- 3 3. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1999 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015:
1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ trước khi ban hành BLHS năm 1985:
Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị nước ta, nhằm thực hiện chính sách dùng thuốc phiện để mê hoặc, nô dịch, dễ cai trị, và với mục đích làm phai nhòa lý tưởng đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, đặc biệt là để gây tâm lý tự ti, vong bản, đầu độc tư tưởng trong thế hệ trẻ, Thực dân Pháp không ngăn cấm các tụ điểm hút chích thuốc phiện, tự do buôn bán thuốc phiện, tổ chức mại dâm và cờ bạc.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; việc ngăn chặn thuốc phiện, giải quyết hậu quả nặng nề do chính sách cai trị của thực dân Pháp gây ra với chủ trương xóa bỏ triệt để việc sử dụng thuốc phiện là hết sức cấp bách. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp Chính phủ bàn về “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện .
Nếu vào đầu năm 1952, Chính phủ chỉ quy định việc xử lý đối với hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện, quy định khoanh vùng trồng cây thuốc phiện, người trồng cây thuốc phiện có nghĩa vụ nộp thuế bằng 1/3 số thuốc phiện nhựa, phần còn lại phải bán cho mậu dịch quốc doanh; nghiêm cấm việc tàng trữ vận chuyển nhựa thuốc phiện, thì đến cuối năm 1952 Chính phủ quy định người có hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện, bị tịch thu thuốc phiện, bị phạt tiền đến năm lần trị giá thuốc phiện hoặc bị truy tố trước Toà án. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định việc xử lý đối với những hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện: số 150/TTg ngày 5/3/1952; số 225/TTg ngày 22/12/1952.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngày 15/9/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 580–TTg quy định cụ thể những trường hợp phải đưa ra truy tố trước Toà án như: Buôn lậu thuốc phiện có nhiều người tham gia, có thủ đoạn gian dối, trị giá hàng phạm pháp trên 1 triệu đồng, người buôn bán thuốc phiện nhỏ hoặc làm môi giới có tính chất thường xuyên, chuyên nghiệp sau khi đã bị phạt tiền nhiều lần mà còn vi phạm; hành vi vi phạm có liên quan đến nhân viên chính quyền hoặc bộ đội; đã quyết định phạt tiền của cơ quan Thuế vụ hoặc Hải quan. Để cụ thể hoá đường lối xét xử đối với hành vi phạm tội về thuốc phiện, ngày 29/3/1958 và ngày 07/5/1958, Bộ tư pháp ban hành Thông tư số 635–VHH/HS và Thông tư số 33–VHH/HS hướng dẫn đường lối truy tố, xét xử những hành vi buôn lậu thuốc phiện.
Ngày 25/3/197, sau khi đất nước thống nhất, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76–CP về chống buôn lậu thuốc phiện, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn áp dụng pháp luật khi điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nói chung và tội phạm về buôn lậu thuốc phiện nói riêng.
Tuy nhiên, thời gian này, nước ta chưa có BLHS thống nhất, pháp luật hình sự chỉ bao gồm những văn bản đơn hành, riêng lẻ,... các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy mới chỉ được thể hiện dưới hình thức Nghị định và có các Thông tư để hướng dẫn áp dụng pháp luật. Đối tượng của tội phạm thời kỳ này chủ yếu là thuốc phiện, hành vi phạm tội được đề cập mới chỉ là hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc phiện, còn tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn chưa được quy định.
2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi ban hành BLHS năm 1999:
Năm 1985 diễn ra sự kiện pháp điển hóa lần thứ nhất luật hình sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đây, các quy định pháp luật hình sự của Nhà nước ta được hệ thống hóa và ghi nhận tập trung trong một đạo luật hình sự chính thức – BLHS năm 1985. BLHS năm 1985 được ban hành lần đầu tiên quy định về tội phạm ma túy và quy định một điều luật duy nhất về loại tội phạm này là tội “Tổ chức dùng chất ma túy”:
1– Người nào tổ chức dùng chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2– Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm .
Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng và chống các hành vi phạm tội về ma tuý, giải quyết khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội này, ngày 10/10/1996, TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên ngành số 09–TTLN thống nhất hướng dẫn việc áp dụng BLHS năm 1985, theo đó, giải thích:
Hành vi tổ chức dùng chất ma tuý là hành vi rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, môi giới, mua chuộc, khống chế, chứa chấp, tạo địa điểm, phương tiện để tiến hành đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác hoặc giúp người khác sử dụng chất ma tuý trái với quy định của Nhà nước .
Mặc dù, việc lần đầu tiên quy định tội “Tổ chức dùng chất ma túy” tại BLHS năm 1985 cho thấy Đảng và Nhà nước đã nhận định rõ tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này, tuy nhiên, các tội phạm khác liên quan đến ma túy chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến thiếu sự đồng bộ. Bên cạnh đó, việc xác định tổ chức dùng chất ma túy là một tội xâm phạm trật tự công cộng mục B Chương VIII về các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính chưa phân hóa rõ ràng loại tội phạm này; do đó việc sửa đổi quy định của BLHS năm 1985 liên quan đến tội phạm về ma túy là một đòi hỏi khách quan.
Ngày 10/5/1997, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 1997), theo đó, tội phạm ma túy được quy định thành một chương riêng (Chương VIIa), gồm 14 điều, quy định 13 tội danh; Điều 203 đã được xóa bỏ, thay thế bằng quy định tại Điều 185i: tội danh “Tổ chức dùng chất ma túy” (Điều 203) được thay bằng tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 185i) với mức hình phạt cao nhất là tử hình:
1– Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
d) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác hoặc gây cố tật nặng cho người khác;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Gây chết người;
b) Gây tổn hại nặng cho sức khỏe của nhiều người hoặc gây cố tật nặng cho nhiều người;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;
d) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này;
đ) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác .
Ngoài ra, Điều 185(0) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 1997) còn quy định áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội phạm này như sau:
– Phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
– Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.
– Phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm .
Quy định nêu trên của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 1997) đã thể hiện sự hoàn thiện trong kỹ thuật lập pháp hình sự, có sự phân biệt giữa hành vi sử dụng ma túy “trái phép” và hành vi sử dụng ma túy “hợp pháp” theo quy định của Nhà nước như trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu khoa học; việc gắn tội danh này với tính trái pháp luật là phù hợp.Theo quy định này, chỉ những trường hợp tổ chức sử dụng trái phép” chất ma túy không theo quy định của pháp luật mới bị coi là phạm tội.
Để áp dụng thống nhất các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 1997), ngày 02/01/1998, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT–TANDTC–VKSNDTC–BNV, trong đó, hướng dẫn:
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185i là hành vi chuẩn bị địa điểm (như: thuê địa điểm, mượn địa điểm...) cho việc sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với mục đích vụ lợi... .
Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT–TANDTC–VKSNDTC –BNV hướng dẫn:
Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là các phương tiện dụng cụ được sản xuất ra với chức năng chủ yếu dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuý được sản xuất ra với mục đích thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Người nào ngoài việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, còn có hành vi tàng trữ trái phép, mua bán trái phép... chất ma túy, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 185i, còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép, tội mua bán trái phép... theo các điều luật tương ứng .
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT–TANDTC–VKSNDTC BNV cũng đưa ra cơ sở phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với một số tội phạm khác về ma túy, tránh sự nhầm lẫn trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, sau khi Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải được hướng dẫn cụ thể hơn một số quy định của BLHS về “các tội phạm về ma tuý” nói chung và hành vị tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nói riêng. Do đó, ngày 10/5/1998, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT–TANDTC–VKSNDTC–BNV hướng dẫn cụ thể hơn về các hành vi được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 185i BLHS là một trong các hành vi sau đây:
a. Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác;
b. Thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác;
c. Cung cấp trái phép chất ma tuý (trừ hành vi bán trái phép chất ma tuý) cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý; d. Chuẩn bị chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất...) nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác;
d. Tìm người sử dụng chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể của người học;
e. Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…), nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác;
g. Các hành vi khác (ngoài các hành vi được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e trên đây) giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (như: cho người khác tiền, cho người khác vay tiền để người đó mua chất ma tuý sử dụng trái phép, cho người khác tài sản, cho người khác vay tài sản không phải là tiền để người đó đổi lấy chất ma tuý sử dụng trái phép; giúp người khác hút, hít trái phép chất ma tuý, giúp người khác tiêm, chích trái phép chất ma tuý…), nếu người thực hiện một trong các hành vi này đã:
– Bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong BLHS, nhưng chưa được xoá án;
– Bị xử lý vi phạm hành vi về một trong các hành vi vi phạm về ma tuý được quy định trong BLHS và được cụ thể hoá trong Thông tư liên tịch số 01/1998 và Thông tư này, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
– Được cơ quan tiến hành tố tụng miễn TNHS về một trong các hành vi vi phạm về ma túy được quy định trong BLHS và được cụ thể hoá trong Thông tư liên tịch số 01/1998 và Thông tư này, nhưng chưa quá thời hạn một năm, kể từ ngày được miễn TNHS;
– Được cơ quan nhà nước (như: Uỷ ban nhân dân hoặc công an từ cấp phường, xã, thị trấn trở lên, cơ quan nơi công tác…), tổ chức, đoàn thể (như: tổ dân phố, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ…) cũng như những người có trách nhiệm ở cơ quan nơi công tác hoặc ở địa phương nơi cư trú (như: Thủ trưởng cơ quan, cảnh sát khu vực, đại diện Uỷ ban nhân dân các cấp, Tổ trưởng tổ dân phố…) giáo dục, nhưng chưa quá thời hạn một năm, kể từ ngày được giáo dục. Cần chú ý là phải có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng người thực hiện một trong các hành vi trên đây đã được giáo dục (như: biên bản cuộc họp;
Tóm lại, BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm: 1989, 1991, 1992, 1997) là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy. Tuy còn tồn tại một số hạn chế nhưng BLHS năm 1985 lần đầu tiên tập hợp hóa, pháp điển hóa quy định về các tội phạm liên quan đến ma túy đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy nói chung, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng trong suốt 15 năm có hiệu lực thi hành, đồng thời là nền tảng cho việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định tương ứng trong BLHS năm 1999.
3. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1999 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015:
Trên cơ sở kế thừa BLHS năm 1985 cũng như kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và thống nhất các quy định của luật hình sự, BLHS năm 1999 đã được Nhà nước ta ban hành thay thế cho BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm: 1989, 1991, 1992, 1997); trong đó, quy định 10 tội về ma túy, từ Điều 192 đến Điều 201 tại Chương XVIII. Trong đó, tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định tại BLHS năm 1999:
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
d) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai; đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người,
b) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;
d) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống tội phạm ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 24/12/2007, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ
Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT–BCA–VKSNDTC TANDTC–BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999; trong đó, khoản 6 Mục II Thông tư quy định “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi: (1) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; (2) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy . Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT–BCA–VKSNDTC–TANDTC–BTP cũng quy định các trường hợp coi là đồng phạm về tội này; căn cứ phân biệt với các tội phạm khác về ma túy.
Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT–TANDTC VKSNDTC–BCA–BTP ngày 24/12/2007 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thì nhóm đối tượng là những người nghiện ma túy tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự . Như vậy, bên cạnh các yếu tố đặc trưng cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì yếu tố nhân thân của người phạm tội cũng là một trong những yếu tố cần phải làm rõ để làm căn cứ xác định việc người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Trong giai đoạn này, việc xác định tình trạng nghiện là bắt buộc trong việc xử lý các đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một trong những vấn đề quan trọng quyết định hành vi của các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có phải tội phạm hay không.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT–BCA–VKSNDTC–TANDTC–BTP thì:
Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự .
Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT–BCA VKSNDTC–TANDTC–BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT–BCA–VKSNDTC–TANDTC–BTP thì: “.. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT” .
Theo quy định tại khoản 1 Điều 198 BLHS năm 1999 thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” . Quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Cho nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 197 của BLHS năm 1999 thì bị xử lý về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 198 BLHS năm 1999, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đất nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, một số quy định của BLHS năm 1999 bộc lộ một số bất cập như: Chưa phản ánh hết những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế; chưa tạo được cơ sở pháp lý phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập; .... đòi hỏi phải có biện pháp hoàn thiện pháp luật về hình sự để ngày càng phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.
Ngày 19/6/2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010; theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 đã hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong một số 08 điều của BLHS, trong đó có tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999). Như vậy, quy định mức hình phạt cao nhất đối với tội phạm này theo BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là tù chung thân.
Cũng giống như BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 xác định tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong số các tội phạm về ma túy tại Chương XVIII của Bộ luật. Quy định tại Điều 197 BLHS năm 1999 có tính chất kế thừa Điều 185i BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997), tuy nhiên có một số điểm mới và tiến bộ:
Thứ nhất, quy định cụ thể tỷ lệ tổn hại sức khỏe trong điều luật: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 185i BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) quy định “Gây tổn hại nặng cho sức khỏe người khác hoặc gây cố tật nặng cho người khác”; “Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nhiều người hoặc gây cố tật nặng cho nhiều người “ thì điểm e khoản 2, điểm a, b khoản 3; điểm a khoản 4 Điều 197 BLHS năm 1999 quy định “Gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%”, “Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%”, “Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên”. Việc quy định cụ thể tỷ lệ thương tật tại BLHS năm 1999 đã làm rõ một số tình tiết là yếu tố định khung đối với tội danh này so với quy định tại BLHS năm 1985.
Thứ hai, về tình tiết tăng nặng: Điều 197 BLHS năm 1999 đã bỏ tình tiết tăng nặng định khung “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này”;“có nhiều tình tiết tại khoản 3 điều này” được quy định tại điểm d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 185i BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997). Vì trong mỗi khung hình phạt đều có mức tối thiểu và mức tối đa. Nếu có nhiều tình tiết tăng nặng định khung (từ hai tình tiết trở lên) thì có thể áp dụng mức hình phạt tối đa trong khung đó.
Thứ ba, về khung hình phạt: Quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật không có gì thay đổi, riêng khoản 4 Điều 1850 BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 197 BLHS năm 1999 quy định hình phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 2009) loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội này.
Thứ tư, về hình phạt bổ sung: BLHS năm 1999 không quy định thành điều luật riêng về hình phạt bổ sung đối với tội này mà quy định tại khoản 5 Điều 197, hình phạt bổ sung có thể được áp dụng hoặc không áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Đây là điểm mới so với BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997), hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 185(o), là hình phạt bắt buộc áp dụng đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, mức mức phạt tiền tối thiểu khi áp dụng hình phạt bổ sung được nâng lên từ 20 triệu đồng theo BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) thành 50 triệu đồng tại BLHS năm 1999.
Tóm lại, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo ra một bước tiến mới trong việc tội phạm hóa và xử lý các hành vi phạm pháp liên quan đến ma túy. Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng các quy định của Bộ luật này đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở nước ta gần 20 năm qua.