Quy định tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam? Thủ tục đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại?
Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đang là một trong những cách thức quảng cáo được nhiều thương nhân ưu tiên lựa chọn. Trong những năm gần đây, có khá nhiều doanh nghiệp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại. Tuy nhiên, có một số tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đã bị cơ quan chức năng buộc đóng cửa do chưa đáp ứng đúng các yêu cầu của pháp luật về việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam trong hệ thống pháp luật nước ta.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
1.1. Khái niệm về hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
Hội chợ, triển lãm thương mại được hiểu là hoạt động xúc tiến thương mại. Hoạt động này được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết
1.2. Đặc điểm của hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
Hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Thứ nhất: Về chủ thể của hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
Hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam là những hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện.
Nếu như các hành vi xúc tiến thương mại khác có thể do từng thương nhân độc lập tiến hành thì hội chợ, triển lãm chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia đồng thời của nhiều thương nhân tại cùng một thời gian và địa điểm nhất định.
– Thứ hai: Về cách thức tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
Các thương nhân có thể trực tiếp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc cũng có thể thông qua hợp đồng dịch vụ tổ chức hội chợ, triển lãm.
Hội chợ, triển lãm khi được tổ chức ở Việt Nam phải được đăng kí và được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức sự kiện.
Đối với Hội chợ, triển lãm được tổ chức ở nước ngoài thì các thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại khi tổ chức cho thương nhân khác tham gia sự kiện phải đăng ký với Bộ Công Thương.
– Thứ ba: Cách thức thực hiện hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam:
Bán hàng hóa tại chỗ là một đặc trưng của hội chợ thương mại. Việc các thương nhân bán hàng sản xuất trong nước tại các cuộc hội chợ trong nước diễn ra như các hoạt động mua bán thông thường.
Đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất tái nhập thì để tham gia hội chợ, việc mua bán, tặng cho các hàng hóa trên mà không tái xuất hay tái nhập phải tuân thủ các quy định về thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.
1.3. Quy định về hàng hóa, dịch vụ tại hội chợ, triển lãm thương mại:
Đối với sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Các hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại không thuộc diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật.
– Các hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại không thuộc diện cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật. (đối với hàng hóa, dịch vụ do thương nhân ở nước ngoài cung ứng).
– Các hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại không phải là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp trưng bày, giới thiệu để so sánh với hàng thật.
Ngoài việc tuân thủ các quy định về hội chợ, triển lãm thương mại của
2. Thủ tục đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại:
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
2.1. Đối tượng thực hiện thủ tục đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại:
Đối tượng thực hiện thủ tục đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định pháp luật bao gồm:
– Các thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam (không bao gồm các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trong khuôn khổ các Chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định) sẽ phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.
– Các tổ chức cho thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài (không bao gồm các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trong khuôn khổ các Chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định) sẽ phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.
2.2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xác nhận đăng ký:
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xác nhận đăng ký theo quy định pháp luật đó là:
– Sở Công Thương nơi tổ chức đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.
– Bộ Công Thương đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.
2.3. Cách thức đăng ký với cơ quan có thẩm quyền:
Thương nhân được lựa chọn một trong các cách thức đăng ký cụ thể như sau:
– Thương nhân sẽ nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Thương nhân sẽ nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Thương nhân sẽ sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
2.4. Thời hạn đăng ký:
Căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thì thời hạn đăng ký được quy định như sau:
– Tối đa là 365 ngày và tối thiểu là 30 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.
– Tối đa là 365 ngày và tối thiểu sẽ là 45 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.
2.5. Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại:
Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định pháp luật sẽ bao gồm:
– Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
– Bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật.
2.6. Nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại:
Nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại sẽ bao gồm các thông tin sau:
– Tên, địa chỉ của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;
– Tên, chủ đề hội chợ, triển lãm thương mại (nếu có);
– Thời gian, địa Điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;
– Quy mô dự kiến của hội chợ, triển lãm thương mại;
– Việc tổ chức trưng bày hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; việc tổ chức cấp giải thưởng, chứng nhận chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ, chứng nhận uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại với danh nghĩa của tỉnh, thành phố hoặc danh nghĩa quốc gia Việt Nam.
2.7. Thời gian thực hiện thủ tục:
Pháp luật quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trả lời xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trong vòng bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.
Đối với trường hợp không xác nhận thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải nêu rõ lý do.
Nội dung xác nhận hoặc không xác nhận thực hiện theo Mẫu số 11 hoặc Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
2.8. Quy định đối với trường hợp có từ hai thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại trở lên đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trùng tên, chủ đề, thời gian, địa bàn:
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức hiệp thương để lựa chọn thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đó.
Trong trường hợp việc hiệp thương không đạt kết quả, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định xác nhận đăng ký cho một thương nhân hoặc tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại căn cứ vào các cơ sở sau đây:
– Kết quả tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tương tự đã thực hiện.
– Năng lực tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
– Kinh nghiệm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cùng tên, cùng chủ đề hoặc các hội chợ, triển lãm thương mại tương tự.
– Đánh giá của các hiệp hội ngành hàng liên quan.
2.9. Yêu cầu đối với Hội chợ, triển lãm thương mại:
Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sau:
– Đối với hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam thì hàng hóa sẽ phải được trưng bày, giới thiệu trong các gian hàng tiêu chuẩn (kích thước 3mx3m) hoặc khu vực tương đương với nhiều gian hàng tiêu chuẩn.
– Đối với hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam thì sẽ phải có đầy đủ các dịch vụ phục vụ gồm: Điện, nước, an ninh, vệ sinh.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật thì việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam với danh nghĩa của tỉnh, thành phố phải đạt được các tiêu chuẩn theo quy định trên và các tiêu chuẩn theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Việc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài với danh nghĩa Quốc gia Việt Nam phải đạt được tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công Thương.