Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xây dựng nhà tiêu. Nguyên tắc xây dựng các công trình ngầm có khả năng gây ô nhiễm môi trường?
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xây dựng nhà tiêu. Nguyên tắc xây dựng các công trình ngầm có khả năng gây ô nhiễm môi trường?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Khi xây dựng nhà ở và nhà vệ sinh đối với hộ gia đình trong khu dân cư, đô thị thì yêu cầu công trình vệ sinh phải có khoảng cách bao nhiêu thì không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, liền kề, nhất là khoảng cách hầm vệ sinh với giếng khoan là bao nhiêu để không ô nhiễm nguồn nước ngầm sau này. Cảm ơn luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự 2005;
– Thông tư 27/2011/Tt-BYT;
– Luật xây dựng 2014.
2. Luật sư tư vấn:
Không gian xây dựng ngầm đô thị là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị. Phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất là tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất.
Căn cứ Điều 267 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc xây dựng như sau:
– Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
– Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 1.1 Điều 1 Thông tư 27/2011/Tt-BYT thì yêu cầu xây dựng nhà tiêu chìm như sau:
– Không xây dựng ở nơi thường bị ngập, úng;
– Cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên;
– Miệng hố phân cao hơn mặt đất xung quanh ít nhất 20cm;
– Không để nước mưa tràn vào hố phân;
– Mặt sàn nhà tiêu và rãnh thu dẫn nước tiểu nhẵn, không đọng nước, không trơn, không bị nứt, vỡ, sụt lún; nước tiểu được dẫn ra dụng cụ chứa, không chảy vào hố phân;
– Có nắp đậy kín các lỗ tiêu;
– Có mái lợp ngăn được nước mưa; cửa và xung quanh nhà tiêu được che chắn kín đáo, bảo đảm mỹ quan;
– Ống thông hơi có đường kính trong ít nhất 90mm, cao hơn mái nhà tiêu ít nhất 400mm và có lưới chắn côn trùng, chụp chắn nước mưa.
Yêu cầu về vệ sinh trong sử dụng và bảo quản như sau:
– Sàn nhà tiêu khô, sạch;
– Không có mùi hôi, thối; không có ruồi, nhặng, gián trong nhà tiêu;
– Không để vật nuôi đào bới phân trong nhà tiêu;
– Không có bọ gậy trong dụng cụ chứa nước và dụng cụ chứa nước tiểu;
– Bãi phân phải được phủ kín chất độn sau mỗi lần đi tiêu;
– Giấy vệ sinh sau khi sử dụng bỏ vào lỗ tiêu (nếu là giấy tự tiêu) hoặc bỏ vào dụng cụ chứa giấy bẩn có nắp đậy;
– Đối với nhà tiêu không thực hiện việc ủ phân tại chỗ thì phải bảo đảm vệ sinh trong quá trình lấy, vận chuyển và ủ phân ở bên ngoài nhà tiêu.
Như thế, bạn phải bảo đảm khi xây dựng nhà tiêu ngầm về khoảng cách được nêu ở trên. Ngoài ra, đối với các công trình này trước khi xây dựng phải đươc cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình này trừ những công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng theo khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014.
– Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
– Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
– Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
– Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
– Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật xây dựng 2014;
– Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
– Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
– Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
– Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
– Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng trong các khu đô thị theo Điều 91 Luật xây dựng 2014 là:
+ Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
+ Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
+ Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
+ Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật xây dựng 2014.
Thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng như sau:
– Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép xây dựng mới bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
+ Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Bản vẽ thiết kế xây dựng;
+ Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối vớicông trình liền kề.
– Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng;
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;
– Trong thời gian 12 ngày đối với công trình và nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 30 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.
Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng: Ủy ban nhân dân cấp huyện.