Tịch thu phương tiện là hình thức xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Vậy quy định tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa trái phép được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép:
1.1. Quy định về tịch thu phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật:
Quy định về tịch thu phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong Luật Xử lý vi phạm hành chính:
Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây sẽ gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính)
– Trục xuất.
Theo đó, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây sẽ gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) là một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện mà đang có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, sẽ được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Hình thức xử phạt tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính cũng có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc cũng có thể được quy định là hình thức xử phạt chính.
Quy định về tịch thu phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong Hình sự:
Phương tiện phạm tội là đối tượng vật chất được chủ thể của tội phạm sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội.
Phương tiện phạm tội có nhiều dạng khác nhau, trong đó có dạng được gọi là công cụ phạm tội như là việc dùng dao để đâm nạn nhân, búa để phá cửa nhà kho vào trộm cắp… Bên cạnh các dạng phương tiện phạm tội được gọi là công cụ phạm tội thì còn có dạng phương tiện phạm tội khác không được gọi là công cụ phạm tội như là xe máy dùng để chuyên chở thuốc phiện hay xe ô tô dùng để chở hàng hóa trái phép.
Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về vật chứng, Điều này quy định vật chứng chính là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc các vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Điều 46 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định các biện pháp tư pháp, bao gồm:
– Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
– Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
– Bắt buộc chữa bệnh;
– Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Trong đó, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
– Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
– Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
– Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
Lưu ý rằng:
– Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì sẽ không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
– Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu như người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
1.2. Quy định tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép:
Hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ:
– Vận chuyển hàng hóa (hàng hóa không thuộc danh mục cấm lưu thông) không rõ nguồn gốc xuất xứ
– Vận chuyển ma túy
– Vận chuyển pháo nổ
– Vận chuyển súng đạn trái phép,…
Sẽ tùy từng hành vi, động cơ, mục đích,…của người vận chuyển hàng hoá trái phép mà người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi vận chuyển hàng hoá trái phép hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu:
– Người vận chuyển hàng hoá trái phép bị xử lý vi phạm hành chính là áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (xe chở hàng hóa trái phép) khi hành vi vi phạm hành chính (hành vi vận chuyển hàng hoá trái phép) nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Khi đó, phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép sẽ bị sung vào ngân sách nhà nước.
– Người vận chuyển hàng hoá trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử): khi đó phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép là phương tiện phạm tội và cũng là vật chứng chứng minh tội phạm. Theo quy định của pháp luật, phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp:
+ Phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì sẽ không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
+ Phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (vận chuyển hàng hóa trái phép), thì có thể bị tịch thu (nhưng cũng có thể được xem xét quyết định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp).
2. Quy định về xử lý phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bị tịch thu:
Điểm e khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là một trong những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Như vậy, khi phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì sẽ xử lý phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bằng cách thức là bán thông qua đấu giá. Khi bán đấu giá phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bị tịch thu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Tuân thủ quy định của pháp luật.
– Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người đã mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
– Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá là do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện. Trình tự, thủ tục bán đấu giá phương tiện vận chuyển hàng hoá trái phép bị tịch thu được thực hiện như sau:
2.1. Ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản:
Người có tài sản đấu giá (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản (phương tiện đã bị tịch thu). Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản.
2.2. Ban hành Quy chế cuộc đấu giá:
Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho mỗi cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản. Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá;
– Nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;
– Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;
– Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá;
– Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;
– Tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước;
– Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;
– Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá;
– Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;
– Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước.
2.3. Niêm yết việc đấu giá tài sản:
Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản là phương tiện đã bị tịch thu (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày tiến hành mở cuộc đấu giá. Ngoài ra, tổ chức đấu giá tài sản còn phải thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.
2.4. Xem tài sản đấu giá:
Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản sẽ tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian là liên tục ít nhất là 02 ngày. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản sẽ phải ghi rõ tên của người có tài sản đấu giá và thông tin về tài sản đó.
2.5. Đăng ký tham gia đấu giá:
– Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia cuộc đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá sẽ phải đáp ứng điều kiện đó.
– Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.
2.6. Tiến hành cuộc đấu giá:
Trước khi tiến hành cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá để lựa chọn một trong các hình thức sau đây:
– Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
– Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
– Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
– Đấu giá trực tuyến.
2.7. Chuyển hồ sơ cuộc đấu giá:
– Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản sẽ phải ghi kết quả đấu giá tài sản vào Sổ đăng ký đấu giá tài sản và thông báo bằng văn bản cho người có tài sản đấu giá.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản hoặc là Hội đồng đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá tài sản, biên bản đấu giá và danh sách người trúng đấu giá cho người có tài sản đấu giá để ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc gửi cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt kết quả đấu giá tài sản, hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Luật Đấu giá tài sản 2016.