Quy định thông tin về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm? Quy định thông tin về nguồn gốc sản phẩm? Quy định thông tin về xuất xứ sản phẩm?
Mục lục bài viết
1. Quy định thông tin về nguồn gốc sản phẩm:
Nguồn gốc sản phẩm là một trong các thành tố cơ bản của thông tin sản phẩm. Trên phạm vi toàn cầu, nguồn gốc sản phẩm là cụm từ hiện nay đang được rất nhiều người quan tâm. Nguồn gốc sản phẩm bắt đầu được quan tâm nhiều khi mà người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với thực phẩm không sạch, mỹ phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả, sản phẩm nông nghiệp chứa chất cấm độc hại hay dư thừa hóa chất, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc...
Nguồn gốc sản phẩm, theo đúng nghĩa mặt chữ của nó, là giúp người tiêu dùng tìm hiểu về thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, từ lúc sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng truyền thống hay trên sàn thương mại điện tử ngược về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.
Như vậy, thông tin liên quan nguồn gốc sản phẩm giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản xuất sản phẩm trong cả quá trình sản xuất sản phẩm đó.
Quá trình tìm kiếm thông tin nguồn gốc sản phẩm, theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối được gọi chung là “truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. thương mại điện tử phát triển đã đang đặt ra các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Quy định của Việt Nam tại Điều 10, Điều 12, Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định nghĩa vụ của người sản xuất, nhập khẩu v.v về tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa sản phẩm để duy trì chất lượng, điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu trữ, bảo quản. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc
Từ năm 2005, Liên minh Châu Âu quy định bắt buộc các nước thành viên truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo Ủy ban Châu Âu, “truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm, dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biết, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối kinh doanh”. Cũng theo Ủy ban Châu Âu, hệ thống truy xuất nguồn gốc là “hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm”. Các nước phát triển thương mại truyền thống và thương mại điện tử trên thế giới đều phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh tăng cường hệ thống kiểm định này. Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA – Food Safety Modernization Act), trong đó: yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất. Năm 2006 Ấn Độ thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet của các nhà sản xuất, chế biến nho. Năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử, Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS–The National Bureau of Agricultural Commodity and Food Standards) tập huấn và hỗ trợ nông dân đăng ký dùng miễn phí.
Triển khai truy xuất nguồn gốc thường gặp khó ở khâu hệ thống dữ liệu. Truy xuất nguồn gốc được sử dụng dưới 3 dạng là phương pháp truyền thống, phương pháp điện tử và phương pháp kết hợp của cả 2 dạng này.
Trong thương mại điện tử, công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử đã giúp việc cập nhật và quản lý thông tin. Đặc biệt, ngoài các ứng dụng quét mã vạch chuyên dụng, nhiều mạng xã hội (có giao diện thương mại điện tử) cũng tích hợp công cụ quét mã vạch phục vụ truy xuất dữ liệu thông tin sản phẩm nội bộ và truy xuất dữ liệu theo thông tin kết xuất mã vạch – Quick Response Code – QR Code được phát hành hoặc in lên nhãn mác sản phẩm để lưu hành trên thị trường, người tiêu dùng muốn kiểm tra thông tin đó có thể dùng các ứng dụng trên phương tiện thiết bị điện tử như Smartphone để Scan (Quét) giải mã để đọc dữ liệu, thông tin về sản phẩm được lưu trữ của máy chủ ở trên.
Công nghệ truy xuất nguồn gốc và các quy định liên quan truy xuất nguồn gốc có sử dụng công nghệ thông tin hiện được rất nhiều nước phát triển áp dụng như một khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn đưa ra lưu thông trên thị trường.
2. Quy định thông tin về xuất xứ sản phẩm:
Một sản phẩm khi đã hoàn thiện để đưa ra lưu thông trên thị trường thì trở thành hàng hóa mua bán trao đổi. người tiêu dùng có thể tìm hiểu để xem sản phẩm được rao bán trao đổi do ai sản xuất, ở đâu vv có phù hợp với yêu cầu hàng hóa họ đang tìm kiếm hay không. Vậy, đề cập đến xuất xứ sản phẩm chính là đề cập đến xuất xứ hàng hóa.
Luật pháp các nước đều có quy định về xuất xứ hàng hóa “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Như vậy, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được công nhận xuất xứ hàng hoá thuộc 1 trong 2 trường hợp nêu trên.
Khái niệm “xuất xứ” và khái niệm “nơi sản xuất” là khác nhau mặc dù xuất xứ hàng hoá và nơi sản xuất đều cho biết hàng hóa được sản xuất tại đâu. Xuất xứ và nơi sản xuất là hai khái niệm có bản chất khác nhau, không dễ phân biệt, và dễ bị nhầm lẫn. Xuất xứ hàng hoá là thuật ngữ pháp lý, còn nơi sản xuất là từ ngữ thông dụng chỉ khu vực sản xuất ra hàng hoá. Có thể phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất dựa vào khái niệm, bản chất và giá trị pháp lý.
– Xuất xứ hàng hoá là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng đối với hàng hoá. Bản chất chứng nhận nơi xuất xứ hàng hoá để hưởng các ưu đãi thuế quan. Và giá trị pháp lý của xuất xứ hàng hóa là được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá”, là bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá.
– Nơi sản xuất là chỉ khu vực sản xuất, chế biến ra sản phẩm đó, được người tiêu dùng xem là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bản chất của nơi sản xuất là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nơi sản xuất ra hàng hoá. Nơi sản xuất không có giá trị pháp lý, chỉ có giá trị thương mại nhằm khẳng định nơi sản xuất hàng hoá để thu hút người tiêu dùng.
Trên thế giới, các quốc gia đã quan tâm đến xuất xứ hàng hóa từ rất sớm. Bộ trưởng liên quan thương mại của các nước đã họp ngày 20 tháng 9 năm 1986 đã thoả thuận rằng mục tiêu của Vòng Đàm phán Thương mại Đa biên Uruguay là nhằm “tự do hóa và mở rộng hơn nữa thương mại thế giới“, ” tăng cường vai trò của GATT” (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – General Agreement on Tariffs and Trade) và ” nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống GATT đối với việc phát triển môi trường kinh tế quốc tế“; và tiếp tục thực hiện các mục tiêu của GATT 1994. Các quốc gia Thừa nhận rằng những quy tắc xuất xứ rõ ràng và dự đoán được trước và việc áp dụng chúng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại quốc tế với Mong muốn đảm bảo rằng các quy tắc xuất xứ tự chúng không tạo ra trở ngại không cần thiết với thương mại;
Như vậy, xuất xứ hàng hóa là cơ sở để áp dụng các chính sách thuế khác nhau của các quốc gia trong hoạt động thương mại. Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có quy định về ưu đãi thuế quan cho hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ xuất nhập khẩu giữa các nước.