Việc xây dựng trường học là việc được Nhà nước ta khuyến kích nhằm mở rộng quy mô dạy học, mở rộng cơ hội tọc tập cho trẻ em. Vậy việc xây trường học hiện nay được quy định tối đa bao nhiêu tầng?
Mục lục bài viết
1. Tầm quan trọng của việc xây dựng trường học:
Với nhu cầu học tập và phương hướng phổ cập giáo dục hiện nay, việc xây dựng trường học đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường học cũng thể hiện việc thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Do đó, không chỉ có trường công lập được xây dựng lên theo kế hoạch của Nhà nước mà còn có nhiều trường tư lập, dân lập được xây dựng vì mục đích đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em hiện nay.
Một ngôi trường được xây dựng với đầy đủ cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện cho học sinh phát huy hết khả năng của mình, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, khơi gợi nguồn cảm hứng cho học sinh và giáo viên. Môi trường học tập tốt cũng rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của mọi học sinh, vì thế, Chính phủ cũng có rất nhiều chính sách trong vấn đề xây dựng trường học nhằm mang lại một môi trường học tập chất lượng hơn.
Vì vậy, việc xây dựng trường học có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc mang lại một nền giáo dục chất lượng cao trong bối cảnh nhu cầu nhân lực chất lượng phục vụ phát triển đất nước ngày càng tăng như hiện giờ.
2. Điều kiện thành lập trường học:
Trường học được thành lập khi đáp ứng các điều kiện cụ thể được quy định như sau:
– Thứ nhất, thành lập trường học phải đảm bảo có đề án thành lập trường. Trong đề án phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục được thực hiện trong trường học theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Giáo dục năm 2019.
– Thứ hai, để hoạt động được mục tiêu giáo dục của trường học, công trình trường hợp cần đáp ứng đủ 04 điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Giáo dục năm 2019:
+ Một là, nơi xây dựng trường học phải có đất đai, cơ sở vật chất dạy học và các thiết bị có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, khi tiến hành xây dựng trường học phải bảo đảm địa điểm xây dựng trường phải bảo đảm phù hợp với môi trường giáo dục, an toàn cho cả giáo viên và học sinh cũng như người lao động trong nhà trường;
+ Hai là, trường học phải bảo đảm có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo đúng chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường học phải bảo đảm có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn quy định và phải bảo đảm đầy đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục một cách tốt nhất;
+ Ba là, trường học khi đi vào hoạt động với mục tiêu giáo dục phải bảo đảm có đủ nguồn tài chính theo quy định dể bảo đảm sự duy trì và phát triển cho hoạt động giáo dục;
+ Bốn là, trường học được xây dựng phải bảo đảm có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
3. Quy định thiết kế số tầng tối đa của các công trình trường học:
Hiện nay, quy định về thiết kế số tầng tối đa của các công trình trường học được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2021/BXD) được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD.
Tại bảng H.4 của Phụ lục H của Quy chuẩn này có quy định về số tầng lớn nhất hoặc chiều cao phòng cháy chữa cháy cho phép lớn nhất của một số dạng nhà và công trình công cộng độc lập. Cụ thể, số tầng tối đa được quy định với mỗi công trình trường học như sau:
– Thứ nhất, đối với công trình trường học nhà trẻ, mẫu giáo:
+ Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo có quy mô đào tạo từ 50 cháu trở xuống thì số tầng tối đa được quy định là 01 tầng;
+ Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo có quy mô đào tạo từ 150 cháu trở xuống thì số tầng tối đa được quy định là 02 tầng;
+ Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo có quy mô đào tạo từ 350 cháu trở xuống thì số tầng tối đa được quy định là 03 tầng. Cần lưu ý với trường học nhà trẻ, mẫu giáo xây dựng 03 tầng thì tầng thứ 03 chỉ được bố trí để giảng dạy cho các cháu lớn hoặc để bố trí cho các gian phòng để học nhạc, học thể dục hoặc để làm không gian chơi cho các cháu.
– Thứ hai, đối với công trình trường học là trường phổ thông và nội trú thì quy định số tầng tối đa cho nhà học là:
+ Đối với nhà học của trường phổ thông và trường nội trú có quy mô đào tạo từ 270 chỗ ngồi trở xuống thì số tầng tối đa được quy định theo quy chuẩn là 01 tầng;
+ Đối với nhà học của trường phổ thông và trường nội trú có quy mô đào tạo từ 360 chỗ ngồi trở xuống thì số tầng tối đa được quy định theo quy chuẩn là 01 tầng;
+ Đối với nhà học của trường phổ thông và trường nội trú có quy mô đào tạo từ 720 chỗ ngồi trở xuống thì số tầng tối đa được quy định theo quy chuẩn là 02 tầng;
+ Đối với nhà học của trường phổ thông và trường nội trú có quy mô đào tạo không phụ thuộc vào số lượng chỗ ngồi thuộc bậc chịu lửa ở bậc II thì số tầng tối đa được quy định theo quy chuẩn là 04 tầng. Lưu ý đối với trường hợp này không bố trí cho học sinh lớp 1 học ở tầng 4;
+ Đối với nhà học của trường phổ thông và trường nội trú có quy mô đào tạo không phụ thuộc vào số lượng chỗ ngồi thuộc bậc chịu lửa ở bậc I thì số tầng tối đa được quy định theo quy chuẩn là 05 tầng. Lưu ý các phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng 04 trở xuống.
4. Trình tự thực hiện xây dựng công trình trường học:
Để thực hiện xây dựng công trình trường học thì chủ đầu tư dự án, công trình cần thực hiện theo trình tự xác định sau:
Trước hết cần thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đầu tư nếu thuộc đối tượng phải xin cấp Giấy chứng nhận. Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020 thì các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
– Dự án đầu tư trường học của nhà đầu tư nước ngoài;
– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2020.
Đối tượng thuộc diện phải xin Giấy phép đầu tư sau khi xin được Giấy phép đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và những đối tượng không phải xin giấy phép sẽ thực hiện đầu tư xây dựng công trình trường học theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng năm 2014 và được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Cụ thể trình tự thực hiện các giai đoạn như sau:
4.1. Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị dự án:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này thì đơn vị đầu tư xây dựng công trình trường học sẽ cần thực hiện các công việc như:
– Khảo sát xây dựng trường học;
– Thực hiện lập, thẩm định, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
– Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;
– Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.
4.2. Giai đoạn 2: Giai đoạn thực hiện dự án:
– Đơn vị thi công công trình trường học sẽ chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có);
– Khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng);
– Lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng, sau đó là bắt đầu tiến hành thi công xây dựng công trình;
– Thực hiện giám sát thi công xây dựng;
– Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành;
– Vận hành, chạy thử;
– Tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng;
– Tiến hành bàn giao công trình trường học để đưa vào sử dụng và các công việc cần thiết khác.
4.3. Giai đoạn 3: Giai đoạn kết thúc xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì đơn vị sẽ quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình, bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan và các công việc cần thiết khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2014;
– Luật Giáo dục năm 2019;
– Luật Đầu tư năm 2020;
– Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Thông tư số 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 19/5/2021 ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.