Hiện nay, đầu tư xây dựng các công trình ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình?
Mục lục bài viết
1. Khái quát về khối lượng thi công xây dựng công trình:
Hiện nay pháp luật đã có những quy định cụ thể về khối lượng thi công xây dựng công trình. Vì thế vấn đề quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình đặt ra ngày càng bức thiết. Khối lượng thi công xây dựng công trình là căn cứ quan trọng có tính chất quyết định đến việc xác định chi phí xây dựng và làm căn cứ quyết định đầu tư, là căn cứ để lựa chọn phương án đối với các chủ đầu tư, đồng thời cũng chính là căn cứ quyết định phương án dự thầu của các nhà thầu trong tương lai. Khối lượng thi công xây dựng công trình là cơ sở cho việc kiểm soát các chi phí và thanh quyết toán giá trị hợp đồng thi công xây dựng công trình trên thực tế. Khối lượng thi công xây dựng công trình đồng thời cũng là cơ sở cho việc xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình và là cơ sở cho hoạt động lập bảng khối lượng mời thầu khi các chủ thể tổ chức lựa chọn nhà thầu cho dự án. Bên cạnh đó thì khối lượng thi công xây dựng công trình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ thiết kế cho đến quá trình thi công xây dựng … Trên thực tế hiện nay nhiều dự án phát sinh và thay đổi khối lượng thi công dẫn đến vượt tổng mức đầu tư và chậm tiến độ. Việc phát sinh khối lượng thi công công trình đồng nghĩa với việc tăng chi phí. Ngoài vấn đề gây lãng phí vốn đầu tư của nhà nước và khiến cho dự án chậm tiến độ thì yếu tố này còn ảnh hưởng tới vấn đề dân sinh và xã hội của khu vực có dự án đang thi công.
Nhìn chung thì thi công xây dựng công trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, có thể là hoạt động xây dựng và lắp đặt các thiết bị đối với công trình xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa, di dời hoặc tu bổ công trình, phục hồi hoặc phá dỡ công trình xây dựng, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng trên thực tế. căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, có quy định cụ thể về vấn đề quản lý thi công công trình xây dựng. Theo đó thì quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng công trình để việc thi công công trình trên thực tế đảm bảo an toàn và chất lượng, bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc, cũng như đáp ứng yêu cầu về thiết kế và mục tiêu đã đề ra trước đó. Việc quản lý thi công công trình xây dựng bao gồm nhiều nội dung khác nhau, trong đó có nội dung về quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình. Vấn đề này được trình bày cụ thể trong các tiểu mục dưới đây.
2. Quy định quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì khối lượng thi công xây dựng công trình đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở để phân tích và tính toán ra số lượng vật tư, cơ sở xác định số lượng nhân công để sử dụng trong quá trình xây dựng công trình, từ đó đưa ra được tính toán ước lượng về chi phí và vật tư cần phải chuẩn bị để tránh sự lãng phí và thiếu vật tư trong quá trình thi công trên thực tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, có ghi nhận về vấn đề quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình như sau:
– Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, và phải được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê diệt trước đó. Khối lượng thi công xây dựng công trình phải được tính toán một cách phù hợp, phải được xác định giữa các chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng, trong quá trình ước lượng khối lượng thì cần phải có sự tham gia và tư vấn giám sát theo thời gian hoặc theo giai đoạn thi công, ngoài ra khối lượng thi công công trình xây dựng còn phải được đối chiếu với khối lượng thiết kế đã được phê duyệt để làm cơ sở nghiệm thu và thanh toán theo hợp đồng;
– Xử lý khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế và dự toán xây dựng đã duyệt trước đó, tức là khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế và phát sinh ngoài dự toán xây dựng công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì khi đó các chủ thể được xác định là chủ đầu tư và chủ thể giám sát thi công xây dựng công trình, các tư vấn thiết kế và các nhà thầu thi công công trình cần phải xem xét để xử lý kịp thời. Khối lượng phát sinh được các chủ đầu tư và người quyết định đầu tư chấp thuận và phê duyệt sẽ là cơ sở để thanh toán và quyết toán hợp đồng thi công xây dựng công trình;
– Pháp luật nghiêm cấm việc khai khống hoặc, hành vi khai tăng khối lượng thi công xây dựng công trình hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến việc làm sai khối lượng thanh toán thi công xây dựng công trình.
3. Quy định về quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình:
Quản lý nghiêm ngặt tiến độ thi công xây dựng công trình chính là một trong những cơ sở để hoàn thành công trình xây dựng đúng thời hạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, có ghi nhận cụ thể về vấn đề quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình như sau:
– Thời điểm lập tiến độ thi công xây dựng công trình cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, công trình xây dựng trước giai đoạn triển khai thì công trình đó phải được các chủ thể là nhà thầu lập tiến độ thi công xây dựng công trình sao cho phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng và phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án, tiến độ thi công xây dựng công trình phải được chủ đầu tư chấp thuận, riêng đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ thi công xây dựng công trình phải được lập theo từng giai đoạn, theo tháng, theo quý hoặc theo năm;
– Chủ thể có trách nhiệm cần phải tiến hành hoạt động theo dõi và giám sát, cần phải điều chỉnh tiến độ thi công xây dựng công trình sao cho phù hợp. Các đối tượng được xác định là chủ đầu tư và bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình cùng với các bên có liên quan phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc theo dõi tiến độ thi công xây dựng công trình trên thực tế và điều chỉnh tiến độ sao cho phù hợp trong trường hợp nhận thấy tiến độ thi công xây dựng công trình ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không làm ảnh hưởng đến tổng thể dự án;
– Trong trường hợp xét thấy tiến độ thi công xây dựng công trình tổng thể của dự án bị kéo dài khi chủ đầu tư cần phải thực hiện hoạt động báo cáo bằng văn bản cho người quyết định đầu tư, để họ quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể sao cho phù hợp.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý khối lượng xây dựng công trình:
Thứ nhất, đối với chủ đầu tư. Ban quản lý dự án cần được phát triển hoàn thiện bộ máy nhân sự, cải cách thủ tục hành chính theo hướng phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, giảm thời gian của các khâu trong quá trình triển khai dự án xây dựng và dần từng bước chuyên nghiệp hóa công tác quản lý dự án, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho cán bộ Ban tham gia công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, để nâng cao năng lực trong công tác quản lý điều hành dự án tại Ban. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý giám sát đối với đơn vị tư vấn thiết kế, yêu cầu tư vấn thiết kế khảo sát thật kỹ các mỏ vật liệu về chất lượng, trữ lượng bảo đảm các yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật của dự án để đưa vào thiết kế kỹ thuật. Trường hợp mỏ vật liệu có sự sai khác so với dự án được duyệt phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.
Thứ hai, đối với đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. đơn vị tư vấn thiết kế phải sử dụng số liệu khảo sát trung thực, nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất thủy văn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và chi phí của dự án. Đơn vị tư vấn giám sát phải bố trí đủ nhân sự đáp ứng các yêu cầu về năng lực theo quy định hiện hành để thực hiện giám sát theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng, đề cương đã được chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư chấp thuận. Trong các kỳ họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án hàng tháng, tư vấn giám sát phải có báo cáo đánh giá cụ thể về tiến độ thi công, tiến độ giải ngân và chất lượng đối với phần công việc thực hiện trong tháng của nhà thầu; báo cáo an toàn lao động, toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên dự án. Tư vấn cho nhà thầu thực hiện các lệnh thay đổi đảm bảo kịp thời tiến độ đề ra.
Thứ ba, đối với nhà thầu thi công. Nhà thầu cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu, đặc biệt chú ý đến công tác lập dự toán dự thầu và kiểm tra kỹ thực địa trước khi tham gia đấu thầu nhằm mục đích không bị tính thiếu khối lượng và lập biện pháp thi công, nguần cấp vật liệu sát với thực tế địa hình của gói thầu. Chú trọng công tác nội nghiệp, nhà thầu cần phải nhanh chóng thực hiện, hoàn thiện hồ sơ phát sinh thay đổi để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xêt phê duyệt sớm làm cơ sở pháp lý cho thi công. Thường xuyên cập nhật khối lượng đã thi công, hoàn thiện hồ sơ tài liệu chứng minh để lập chứng chỉ thanh toán kịp thời trình tư vấn giám sát kiểm tra xác nhận thanh toán với chủ đầu tư.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.