Tên thương mại của dự án không chỉ là một phần của quyền sở hữu trí tuệ mà còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của nhà đầu tư. Pháp luật Việt Nam đã đưa ra các quy định nhằm bảo vệ tên thương mại, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư trong việc duy trì sự khác biệt và nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường.
Mục lục bài viết
1. Tên thương mại là gì? Quy định về tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ:
Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam, tên thương mại được định nghĩa là tên gọi mà một tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh doanh được xác định khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng. Như vậy, có thể hiểu, tên thương mại được pháp luật bảo hộ nếu có khả năng phân biệt.
Cụ thể, theo Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) (sau đây gọi chung là “Luật Sở hữu trí tuệ 2005”), khả năng phân biệt của tên thương mại được đáp ứng nếu có đủ các các điều kiện về việc chức thành phần tên riêng (trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng), có sự độc đáo, không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên thương mại đã được đăng ký trước đó. Theo đó, tên thương mại không chỉ bao gồm tên của doanh nghiệp mà còn có thể bao gồm cả logo, biểu tượng và các yếu tố đặc trưng khác nhằm tạo điều kiện cho việc nhận diện và ghi nhớ trong tâm trí của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó không được chứa các từ ngữ gây hiểu nhầm về chất lượng, đặc tính, nguồn gốc, mục đích sử dụng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Đồng thời, tên thương mại không được vi phạm thuần phong mỹ tục và trật tự công cộng.
Hiện nay, tên thương mại không chỉ là phương tiện để doanh nghiệp, cá nhân khẳng định danh tính và vị thế của mình trên thị trường mà còn là tài sản trí tuệ quan trọng, có giá trị kinh tế lớn. Một tên thương mại dễ nhớ, gắn liền với chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt có thể trở thành lợi thế cạnh tranh, tạo dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng. Vì lẽ đó, việc lựa chọn, sử dụng và bảo vệ tên thương mại trở nên cực kỳ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Và để bảo vệ tên thương mại, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký bảo hộ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Quy trình đăng ký thường bao gồm các bước như: chuẩn bị hồ sơ, nộp đơn, kiểm tra tính hợp lệ của đơn, công bố đơn, kiểm tra nội dung và cuối cùng là cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ. Một khi đã được đăng ký bảo hộ, tên thương mại sẽ được pháp luật bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm như sao chép, sử dụng trái phép, gây nhầm lẫn với người tiêu dùng.
2. Quy định pháp luật về tên thương mại của dự án thế nào?
2.1. Tên thương mại của dự án là gì?
Hiện nay, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về nhà ở vẫn chưa có quy định hay khái niệm nào liên quan tên thương mại của dự án, mà chỉ có quy định về tên dự án. Tên dự án là một trong những yếu tố quan trọng khi dự án đầu tư được thành lập hay khi đưa sản phẩm bất động sản tiếp cận thị trường và khách hàng mục tiêu, và đây cũng là một trong những phương tiện giúp khách hành nhận diện dự án.
Về các đặc điểm của tên dự án, tên dự án cũng được pháp luật yêu cầu phải có sự khác biệt, không được trùng lặp, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và cơ quan quản lý. Đối với tên dự án, chủ đầu tư cần thực hiện đăng ký trước khi thực hiện dự án và phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định hay chấp thuận. Vì vậy, về cơ bản, tên dự án cũng có thể được hiểu và sử dụng như tên thương mại của dự án.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các trường hợp tên dự án chính là tên thương mại của dự án, ta vẫn có một trường hợp khác. Trong phần lớn các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án bất động sản, tên thương mại của dự án có thể được chủ đầu tư lựa chọn và đặt thêm cho dự án một tên riêng (nickname), bên cạnh tên đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích giúp khách hàng dễ nhớ, dễ hiểu khi quảng bá. Tình trạng này xuất hiện nhiều là vì tên đăng ký trên giấy phép của các dự án thường khá dài, khó đọc và khó nhớ vì được đặt theo quy định pháp luật. Mặt khác, việc thiếu vắng quy định về tên thương mại của dự án cũng mở ra một không gian tự do cho các nhà đầu tư khi họ quảng bá dự án của mình đến công chúng, sử dụng tên dự án hoặc tên tự đặt (tên thương mại của dự án) như một cách thức đặc biệt để gắn kết với khách hàng và định vị dự án hay sản phẩm bất động sản trên thị trường.
2.2. Quy định cụ thể về tên thương mại của dự án đầu tư nhà ở:
Trong trường hợp tên dự án đầu tư nhà ở cũng chính là tên thương mại của dự án, theo quy định của Khoản 3 Điều 19 trong Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cần có tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Như vậy, có thể hiểu, chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở bắt buộc phải đặt tên dự án của mình bằng tiếng Việt và nếu có nhu cầu đặt thêm tên tiếng nước ngoài thì có thể ghi tên đó ngay sau tên tiếng việt trong hồ sơ thực hiện đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư có quyền thay đổi tên dự án và nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư. Trong trường hợp này, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét và cấp bản điều chỉnh của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 3 ngày.
3. Hành vi xâm phạm tên thương mại của dự án được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hành vi bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại là tất cả các hành vi sử dụng tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại. Như vậy, có thể hiểu, việc tên dự án hay tên thương mại của dự án đã được đăng ký hoặc được sử dụng trước mà bị một bên khác kinh doanh cùng loại hàng hoá, dịch vụ mang đi sử dụng sau đó, nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các biện pháp pháp lý áp dụng cho hành vi xâm phạm tên thương mại bao gồm:
-
Yêu cầu dừng hành vi xâm phạm: Chủ sở hữu tên thương mại có quyền yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức vi phạm dừng ngay lập tức các hành vi xâm phạm.
-
Bồi thường thiệt hại: Cá nhân hoặc tổ chức xâm phạm có thể được yêu cầu bồi thường cho chủ sở hữu tên thương mại về các thiệt hại đã phát sinh.
-
Biện pháp xử lý hành chính và hình sự: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, các biện pháp xử lý hành chính (như phạt tiền, thu hồi sản phẩm vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh) hoặc hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng) có thể được áp dụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022)
– Luật Nhà ở năm 2014
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư
THAM KHẢO THÊM: