Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc chủ yếu từ phần đóng góp của NLĐ và NSDLĐ. Việc NLĐ tham gia đóng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc giống như một khoản tiền dự trữ nhằm bảo vệ thu nhập của mình khi gặp rủi ro.
Mục lục bài viết
1. Nguồn hình thành quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Nguồn hình thành quỹ BHXHBB chủ yếu từ phần đóng góp của NLĐ và NSLĐ. Đây là nguồn thu chủ yếu của quỹ BHXHBB. NLĐ là đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXHBB, do vậy, họ có nghĩa vụ tham gia đóng quỹ BHXHBB như một khoản tiền dự trữ nhằm bảo vệ thu nhập của mình khi gặp rủi ro. NSDLĐ là chủ thể sử dụng sức lao động nên cũng cần có trách nhiệm đối với NLĐ, đặc biệt là trong các trường hợp NLĐ gặp rủi ro. Trách nhiệm đó được thể hiện qua nghĩa vụ đóng góp vào quỹ BHXHBB. Quy định này được áp dụng phổ biến tại nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới do thể hiện được bản chất của quỹ BHXHBB và trách nhiệm nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXHBB, Nhà nước cũng có trách nhiệm hỗ trợ cho quỹ BHXHBB để đảm bảo cân đối thu chi. Đây là nguồn thu chiếm tỷ trọng cơ bản của quỹ BHXHBB.
Ngoài nguồn thu chủ yếu trên, quỹ BHXHBB cũng được gia tăng từ các hoạt động đầu tư đưới các hình thức khác nhau. Đây cũng là một nguồn thu quan trọng nhằm mục đích bảo toàn và tăng quy mô của quỹ BHXHBB, góp phần cải thiện các khoản trợ cấp, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động của BHXHBB được tăng cường trong tương lai. Bên cạnh đó, quỹ BHXHBB còn có nguồn thu hợp pháp khác như các khoản nộp phạt của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHXH, thu từ các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và trong nước, giá trị tài sản của quỹ được định giá theo quy định của pháp luật (nếu có). Ngoài ra, trong một số trường hợp, quỹ BHXHBB còn có thể nhận được sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước... Trong các nguồn hình thành trên, nguồn chủ yếu nhất là từ sự đóng góp của NSDLĐ và NLĐ. Theo các báo cáo, nguồn thu này không ngừng tăng lên qua mỗi năm mặc dù còn nhiều tồn tại phổ biến trong công tác thu BHXH như tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH đòi hỏi các giải pháp thích cực và toàn diện trong thời gian tới.
Quỹ BHXH do chính người thụ hưởng tham gia đóng góp, đảm bảo bản chất của một quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hình thành nguồn quỹ thể hiện tính xã hội của quỹ, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo duy trì nguồn quỹ, là một quỹ của Nhà nước và khác với các quỹ bảo hiểm tư nhân khác. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản. Trong khi đó, các ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời và có thể bị phá sản. Trong trường hợp ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại phá sản, tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.
Một điểm khác biệt nữa, khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi xác định (theo kỳ hạn gửi), giá trị khoản tiền lãi sẽ ngày càng thấp do tác động của yếu tố trượt giá lạm phát) và sau 20 – 30 năm, giá trị khoản tiền gốc còn lại rất ít. Điều này ngược lại với BHXH, khi tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ và trở thành căn cứ để tính lương hưu. Trong thời gian tham gia BHXH, nếu người tham gia BHXH qua đời, thì thời gian đã đóng BHXH được ghi nhận để tính hưởng chế độ tử tuất.
2. Hoạt động chi quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Chi quỹ BHXH là hoạt động phân phối nguồn quỹ, sử dụng quỹ BHXHBB để chi trả cho người tham gia BHXH khi gặp phải các rủi ro được quy định trong các chế độ BHXHBB. Nguồn chi trả này giúp NLĐ tham gia BHXHBB bù đắp khoản thu nhập bị giảm hoặc mất đi do các rủi ro nói trên. Mức chi trả của các chế độ BHXHBB khác nhau sẽ được xác định dựa trên đặc điểm của từng chế độ bảo hiểm, thời gian và mức tiền lương sử dụng làm căn cứ đóng BHXHBB của từng NLĐ. Do vậy, mức hưởng của từng NLĐ trong từng chế độ BHXHBB có thể có sự khác biệt, vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ NLĐ giải quyết khó khăn vừa tạo sự công bằng giữa những NLĐ tham gia BHXHBB. Đây là nguồn chi trả lớn nhất trong các hoạt động chi của quỹ BHXHBB.
Ngoài nhiệm vụ chi trả các chế độ BHXHBB cho NLĐ, quỹ BHXHBB còn được sử dụng để đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng như người đang hưởng lượng hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với NLĐ bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Các mức chi này cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ NLĐ đang trong tình trạng khó khăn để tiếp tục duy trì việc tham gia BHXHBB. Một số nhiệm vụ chi khác bao gồm chi phí quản lý BHXHBB, trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do NSDLĐ giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ BHXHBB
3. Quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Quỹ BHXHBB được hình thành từ nguồn thu từ nhiều người tham gia, có thời gian hình thành lâu dài và chi trả cho nhiều trường hợp khác nhau, dẫn đến yêu cầu về công tác quản lý quỹ minh bạch, thống nhất và chặt chẽ. Pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định về trách nhiệm của từng chủ thể trong hoạt động quản lý quỹ BHXHBB, bao gồm các nguyên tắc quản lý, yêu cầu cụ thể đối với việc quản lý quỹ và cách thức quản lý quỹ. Việc quản lý quỹ BHXHBB yêu cầu tính tập trung, minh bạch và dân chủ, trong đó, Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tại Việt Nam, việc quản lý sự nghiệp đối với quỹ BHXH nói chung do cơ quan BHXH Việt Nam trực tiếp quản lý, tổ chức thu, chi, đầu tư quỹ. Hội đồng quản lý BHXH có vai trò giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các hoạt động quản lý quỹ BHXH. Các quy định pháp luật về quản lý quỹ đề cập cụ thể đến nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, đồng thời thiết lập cơ chế tương tác giữa các chủ thể để có thể nâng cao hiệu quả công tác quản lý quỹ và giảm thiểu thất thoát.
Như vậy, về bản chất, quỹ được quản lý và đảm bảo hoạt động bởi Nhà nước. Đó là một quá trình từ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện chiến lược, chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội đến việc tổ chức bộ máy thực hiện cũng như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội. Pháp luật đã quy định rất cụ thể và chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng và trách nhiệm của cơ quan quản lý, theo đó các cấp quản lý phải tuân thủ đúng quy định đề ra.
4. Đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Ngày 28/4/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2016/NĐ–CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý. Nghị định 30/2016/NĐ–CP được đánh giá là đã đưa ra được khung pháp lý quy định, đảm bảo an toàn, minh bạch và tăng trưởng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
Do đặc thù người tham gia bảo hiểm đóng phí trong một thời gian dài và thường là rất lâu sau mới được hưởng các chế độ trợ cấp dài hạn (như hưu trí, tuất...); đồng thời, số người tham gia đóng phí và hưởng tại một thời điểm thường có chênh lệch dương nên quỹ BHXH tại một thời điểm nhất định có số tiền kết dư lớn. Mặt khác, quỹ BHXH cũng luôn phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, như việc tính toán mức đóng – mức hưởng của đối tượng không khoa học; những biến động xã hội đặc biệt dẫn đến việc bội chi quỹ; bị giảm giá trị do lạm phát thông thường, do lạm phát từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và nước ngoài tác động...
Việc đầu tư thể hiện mục tiêu tăng trưởng quỹ kết hợp với nguyên tắc đảm bảo nguồn quỹ. Hoạt động đầu tư quay vòng vốn để bảo toàn và tăng trưởng giá trị quỹ BHXH là một yêu cầu nhất thiết khách quan, đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển và phát huy tác dụng của chính sách BHXH trong việc bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Hoạt động đầu tư trước hết giúp mang lại lợi ích cho chính quỹ BHXH. Thông qua hoạt động đầu tư quỹ BHXH vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời của nền kinh tế, nguồn tài chính nhàn rỗi từ quỹ BHXH có thể tạo ra một nguồn tài chính tương đối lớn bổ sung vào quỹ, từ đó tăng quy mô và sức mạnh cho quỹ BHXH. Mặt khác, quy mô số người tham gia BHXH ngày càng tăng cũng tạo nên sự tăng trưởng cho quỹ, đảm bảo khả năng chi trả thường xuyên cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH.
Đối với nền kinh tế, nguồn vốn lớn có được từ tín dụng quỹ BHXH sẽ hỗ trợ quan trọng để đầu tư phát triển một số dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư không ngừng tăng nhanh thì bên cạnh việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, việc cung ứng vốn từ nền kinh tế thông qua các tụ điểm tài chính như quỹ BHXH có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là tạo ra sự tự chủ và thể chủ động trong việc phát triển kinh tế đất nước.