Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta ngày càng có dấu hiệu tiêu cực với những diễn biến nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Mục lục bài viết
1. Ô nhiễm không khí và tác hại của ô nhiễm không khí:
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, nó có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối, đã và đang diễn ra phổ biến tại nước ta hiện nay. Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội ngày càng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thì hệ lụy kéo theo là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Thực tế, thực trạng ô nhiễm không khí đem đến những hệ quả nặng nề cho sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội, cũng như lợi ích riêng của mỗi người dân. Cụ thể như sau:
– Tác hại chung:
+ Ô nhiễm không khí sẽ tạo ra một môi trường ô nhiễm, thiếu trong lành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động lao động, học tập của người dân. Đây được xem là một trong những nhân tố ảnh hưởng, cản trở đến sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội. Bởi lẽ, trong thực tiễn hoàn thành và thực hiện các dự án, công việc, sẽ luôn cần có điều kiện thuận lợi của tự nhiên và môi trường xung quanh. Vậy nên, khi bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề, việc triển khai thực hiện các hoạt động này cũng sẽ bị trì hoãn, hoặc chất lượng chung không được đảm bảo.
+ Hiện nay, Nhà nước ta đã và đang đẩy mạnh nền kinh tế đối trọng, đối ngoại, ngoại giao xúc tiến thương mại. Vậy nên, nền kinh tế du lịch của nước ta đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, nước ta đón nhận một lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Một trong những yếu tố để níu chân khách du lịch là nền văn hóa, môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Một câu hỏi được đặt ra, nếu một đất nước có không khí ô nhiễm, khói bụi nặng nề, thì khách du lịch có muốn quay trở lại hay không? Câu trả lời là không. Vậy nên, một bầu không khí ô nhiễm sẽ là vết lùi cho sự phát triển kinh tế, đối trọng giao lưu quốc tế của nước ta với nước ngoài. Thậm chí, điều này còn xây dựng một hình ảnh xấu của đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
– Tác hại riêng (đối với mỗi người dân):
+ Ô nhiễm không khí khiến người dân không được đảm bảo sinh sống, học tập và làm việc trong một môi trường tốt nhất. Liên quan đến tác hại chung đã được phân tích ở trên, ô nhiễm không khí chính là những tác nhân trì hoãn sự phát triển riêng của mỗi cá thể. Nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực tế, trước những công việc, hoạt động nghiên cứu chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên, thì ô nhiễm không khí sẽ cản trở đến kết quả của các hoạt động này của người dân.
+ Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng (và là nguyên nhân) gây ra các loại bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Hiện nay, tại nước ta, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lao phổi, ung thư ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân gây ra loại bệnh này là do nguồn không khí mà con người thường xuyên tiếp xúc, hô hấp, đào thải bị ô nhiễm nặng nề.
+ Ô nhiễm không khí khiến trẻ em không có một môi trường vui chơi, phát triển thật sự tự nhiên. Những môi trường nhân tạo được xây dựng để thay thế môi trường tự nhiên đang dần bị thay thế ngày càng nhiều. Điều này một phần nào đó hạn chế sự tiếp xúc của con trẻ đối với môi trường bên ngoài.
2. Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí mới nhất:
Theo quy định tại Điều 5 Luật bảo vệ môi trường 2020, việc bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung được quy định như sau:
– Quy định nổi bật nhất trong chính sách bảo vệ môi trường mà Nhà nước đưa ra là tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
– Để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, cần tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác.
– Đảng, Nhà nước và nhân dân cần chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
– Đối với các vấn đề, hoạt động thực tiễn trong đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.
– Trong chính sách bảo vệ môi trường, Nhà nước chủ trương đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.
– Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường là một trong những chính sách cần đảm bảo để bảo vệ môi trường.
– Nhà nước quy định, để bảo vệ môi trường, cần tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
– Các chính sách tôn vinh, khen thưởng các đối tượng là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật cũng cần được đẩy mạnh; mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
– Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư. Ngoài ra, cần lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Trên đây là các quy định chung nhất mà Nhà nước đưa ra trong việc bảo vệ môi trường không khí nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung.
3. Ý nghĩa của việc đưa ra quy định bảo vệ môi trường không khí:
Việc Nhà nước đưa ra quy định bảo vệ môi trường không khí có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên nói chung và quyền, lợi ích của người dân nói chung. Cụ thể như sau:
– Quy định về bảo vệ môi trường không khí mà Nhà nước đưa ra là chính sách, khuôn khổ thước đo chuẩn, buộc tất cả người dân phải tuân thủ thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cán bộ chức năng cũng dựa vào các quy định này để điều chỉnh phương hướng quản lý, kiểm tra, giám sát của mình, nhằm quản lý và giải quyết triệt để, nghiêm minh các vấn đề đề xoay quanh việc bảo vệ môi trường không khí.
– Các quy định bảo vệ môi trường không khí là thước đo chuẩn, mang tính định hướng hành động, hành vi cho cán bộ chức năng và người dân. Tại đó, các đối tượng này có thể giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường của nhau. Chủ thể nào không tuân thủ quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường thì sẽ bị xử lý, xử phạt.
– Nhà nước đưa ra quy định bảo vệ môi trường không khí còn là khung chuẩn hành động, là kim chỉ nam định hướng hướng đi bảo vệ môi trường cho người dân. Khi người dân làm theo sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
– Hơn tất cả, quy định về việc bảo vệ môi trường không khí mà Nhà nước đưa ra nhằm hướng đến việc tạo lập một môi trường phát triển tự nhiên cho người dân; thúc đẩy sự phát triển toàn diện nhất của nền kinh tế xã hội. Môi trường sinh thái được bảo vệ, thì điều kiện phát triển chung nhất về an sinh xã hội mới được duy trì thúc đẩy.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật bảo vệ môi trường 2020.