Hiện nay, xung quanh vấn đề quản lý dự án đầu tư các công trình, có khá nhiều nội dung nhận được sự quan tâm của người đọc. Dưới đây là quy định của pháp luật về nội dung trong quá trình quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Quy định nội dung quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng:
1.1. Khái quát về dự án đầu tư công trình xây dựng:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể và rõ ràng về dự án đầu tư công trình xây dựng. Có thể nói dự án đầu tư công trình xây dựng là một trong những khái niệm được nhiều chủ đầu tư quan tâm. Khái niệm này đã được quy định cụ thể tại Điều 3 của Luật xây dựng năm 2020. Theo đó thì dự án đầu tư xây dựng là khái niệm để chỉ tập hợp các đề xuất có liên quan với nhau, tức là các đề xuất này có liên quan đến việc sử dụng vốn trong quá trình vận hành và tiến hành hoạt động xây dựng một công trình, thông qua nhiều hình thức khác nhau có thể là xây mới hoàn toàn, sửa chữa hoặc cải tạo công trình theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển và duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc nâng cao chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, dự án đầu tư xây dựng công trình còn nhầm mục đích xác định các chi phí cần thiết để xây dựng các công trình đó. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình thì dự án sẽ được thể hiện thông qua văn bản, tức là thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng và đầu tư công trình, Báo cáo nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế kĩ thuật về đầu tư xây dựng công trình. Báo cáo này phải được lập theo quy định của pháp luật và nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét.
1.2. Nội dung quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng:
Pháp luật hiện nay đã có những nội dung cụ thể về vấn đề quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng, trước hết căn cứ theo quy định tại Điều 56 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có ghi nhận về việc, hoạt động quản lý trật tự xây dựng công trình phải được thể hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình đó được bàn giao và đưa vào sử dụng trên thực tế nhằm mục đích phát triển hoặc ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó còn thể hiện một số nội dung về quản lý trật tự xây dựng công trình, cơ bản như sau:
– Đối với các công trình được cấp giấy phép xây dựng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc quản lý trật tự xây dựng công trình phải được thực hiện theo nội dung của giấy phép xây dựng đã được cấp bởi chủ thể có thẩm quyền đó và thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan;
– Đối với các công trình được miễn giấy phép xây dựng, thì nội dung quản lý trật tự xây dựng công trình bao gồm những vấn đề sau:
+ Kiểm tra và đánh giá sự đáp ứng các điều kiện về giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật cụ thể là tại khoản 30 Điều 1 của Luật xây dựng năm 2020;
+ Kiểm tra và đánh giá sự tuân thủ của việc xây dựng công trình này sao cho phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch có tính chất kĩ thuật và có tính chất chuyên ngành, hoặc phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng các công trình nêu trên với các nội dung và thông số chủ yếu của thiết kế đã được thẩm định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng xem xét;
+ Khi phát hiện ra các hành vi đi phạm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý trật tự xây dựng sẽ phải yêu cầu dừng hoạt động thi công công trình xây dựng đó và xử lý hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền, hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xử phạt hành vi vi phạm nội dung trong vấn đề quản lý trật tự dự án đầu tư công trình xây dựng.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 66 của Luật xây dựng năm 2020 có quy định cụ thể về nội dung quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng, theo đó nội dung này bao gồm những vấn đề cơ bản như:
– Quản lý về phạm vi và kế hoạch công việc trong quá trình xây dựng công trình đó;
– Quản lý về khối lượng công việc và chất lượng xây dựng của công trình;
– Tiến độ thực hiện và chi phí đầu tư xây dựng công trình trên thực tế;
– Quản lý về mức độ an toàn trong việc thi công công trình xây dựng và vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng;
– Lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng, quản lý một số rủi ro và hệ thống thông tin công trình … ngoài ra còn có thể bao gồm một số nội dung cần thiết khác khi xét thấy có yêu cầu.
2. Quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Luật xây dựng năm 2020 có ghi nhận về một số hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng, những hình thức này được xác định dựa trên quy mô và tính chất, xác định dựa trên nguồn vốn sử dụng và một số điều kiện để thực hiện dự án, và các hình thức này sẽ do người quyết định đầu tư dự án đưa ra, bao gồm một số hình thức cơ bản sau:
– Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
– Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước;
– Thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ;
– Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc theo quy định hiện nay, xét thấy có đủ điều kiện năng lực để quản lý thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, dự án có sự tham gia của cộng đồng;
– Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án quy định nêu trên phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 152 của Luật Xây dựng;
– Chính phủ quy định chi tiết về mô hình, tổ chức và hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.
3. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng:
Căn cứ theo Điều 56 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có ghi nhận về một số trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có một số trách nhiệm sau:
– Chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn mà mình quản lý;
– Có trách nhiệm ban hành các quy định trong lĩnh vực quản lý xây dựng công trình, tiến hành hoạt động phân cấp và ủy quyền quản lý công trình xây dựng cho các chủ thể khác trong đó có Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương, tiến hành hoạt động phân cấp và ủy quyền tiếp nhận thông báo khởi công các công trình xây dựng kèm theo bản đồ và hồ sơ thiết kế xây dựng, trong trường hợp công trình thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật cụ thể là căn cứ theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng năm 2020 thì cần phải cân nhắc và bổ sung thêm một số giấy tờ tài liệu khác, kèm theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng;
– Ban hành một số quy chế quản lý kiến trúc và các thiết kế đô thị cho từng khu vực để làm cơ sở cho hoạt động cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật và cấp giấy phép quản lý trật tự xây dựng đối với từng khu vực nhất định, đặc biệt là các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng trong đô thị hoặc trong khu chức năng hoặc trong các điểm dân cư nông thôn;
– Tiến hành hoạt động chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra và theo dõi, phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm phát sinh trên địa bàn mà mình quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật;
– Có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng và phức tạp, giải quyết những vướng mắc trong quá trình quản lý trật tự xây dựng công trình trên địa bàn.
Thứ hai, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
– Chịu trách nhiệm về vấn đề quản lý trật tự xây dựng công trình trên địa bàn theo sự phân cấp và ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Tổ chức thực hiện và theo dõi cũng như kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn sau đó xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hoặc kiến nghị về vấn đề xử lý khi phát hiện ra các vi phạm trên địa bàn, thực hiện hoạt động cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo sự phân công và theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.