Các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Hiện nay, ở nước ta, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngày càng nhiều. Một trong những hình thức huy động vốn kinh doanh trong doanh nghiệp là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Dưới đây là bài phân tích về quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến trái phiếu:
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Hay nói cách khác, trái phiếu là một loại chứng khoán huy động vốn trong đó quy định nhà phát hành (đi vay) phải trả cho cho nhà đầu tư (cho vay) một khoản tiền với một lãi suất cố định trong một thời gian xác định. Nhà phát hành trái phiếu phải hoàn trả khoản cho vay cho nhà đầu tư khi nó đáo hạn Người phát hành có thể là doanh nghiệp, một tổ chức chính quyền như Kho bạc Nhà nước, chính quyền. Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Đây được xem là một trong những cách huy động vốn của doanh nghiệp.
– Hiện nay, trái phiếu thường được phân loại dựa trên nhiều đặc điểm khác nhau, phổ biến là cách phân loại theo chủ thể phát hành, bao gồm:
+ Trái phiếu ngân hàng: Các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm tăng thêm vốn để hoạt động.
+ Trái phiếu chính phủ: Chính phủ phát hành trái phiếu để đáp ứng được nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra còn có mục đích để huy động số tiền nhàn rỗi của dân, tổ chức kinh tế – xã hội. Trái phiếu của Chính phủ được xem là có uy tín và ít rủi ro nhất trên thị trường.
+ Trái phiếu doanh nghiệp: Đây là các trái phiếu được các doanh nghiệp, công ty phát hành ra để tăng vốn hoạt động cho doanh nghiệp. Trái phiếu của doanh nghiệp có rất nhiều loại và vô cùng đa dạng.
– Trái phiếu có các chức năng chính trọng việc gia tăng lợi ích cho công ty, đó là: Giá trị danh nghĩa – giá mà trái phiếu được bán lần đầu tiên trên thị trường; Lãi suất trả cho chủ sở hữu trái phiếu – điều này thường được cố định; Ngày mua lại – khi giá trị danh nghĩa của trái phiếu phải được hoàn trả cho người nắm giữ trái phiếu.
2. Các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp:
– Phát hành trái phiếu là cung ứng chứng chỉ hoặc bút toán ghi số xác nhận nghĩa vụ trả nợ của người cung ứng (tổ chức phát hành) và quyền sở hữu một khoản tiền kèm theo thu nhập được hưởng của người sở hữu.
– Người cung ứng trái phiếu gọi là tổ chức phát hành trái phiếu, đến hạn thanh toán có nghĩa vụ hoàn trả cho người sở hữu trái phiếu khoản tiền là mệnh giá trái phiếu kèm theo một khoản tiền lãi. Lãi trái phiếu có thể được tính theo tỷ lệ phần trăm của mệnh giá trái phiếu hoặc bằng một số tiền cố định. Tổ chức phát hành trái phiếu có thể là doanh nghiệp hoặc nhà nước.
– Mục đích lớn nhất của việc phát hành trái phiếu là nhằm huy động vốn đầu tư. Trái phiếu giúp giúp các doanh nghiệp, công ty có thể huy động được vốn đầu tư. Bởi thực tế, khi đầu tư trái phiếu, những nhà đầu tư cho công ty, doanh nghiệp vay tiền nhưng họ không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của công ty. Điều này đảm bảo cho việc duy trì hệ thống vận hành, hoạt động, cũng như cơ chế chung trong khâu điều hành, quản lý của doanh nghiệp. Cùng với đó, quyền lợi của người đầu tư trái phiếu cũng được đảm bảo. Khi các công ty hoặc tổ chức gặp khó khăn đi đến giải thể thì các công ty này bắt buộc phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ cho trái chủ trước sau đó mới đến những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty. Như vậy có thể thấy, bản chất của việc phát hành trái phiếu chính là vay vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ khác nhau.
3. Quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng:
Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán. Xoay quanh vấn đề mua bán trái phiếu doanh nghiệp có rất nhiều nguyên tắc, quy định đề ra. Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, tổ chức tín dụng được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Chứng khoán,
– Thứ hai, tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan.
– Thứ ba, tổ chức tín dụng mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải tuân thủ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về góp vốn, mua cổ phần và các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
– Thứ tư, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi đảm bảo những yêu cầu nhất định theo quy định của pháp luật. Đó là:
+ Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án);
+ Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án, thì tổ chức tín có quyền mua trái phiếu doanh nghiệp
+ Tổ chức tín dụng chỉ tiến hành mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
– Thứ năm, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
– Thứ sáu, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.
Nhà nước đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể, rõ ràng về việc mua bán trái phiếu của tổ chức tín dụng. Những quy định này được xem là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng dựa vào đó để điều chỉnh hoạt động mua bán trái phiếu của mình. Bản chất của việc mua bán trái phiếu là huy động vốn, tìm kiếm nguồn đầu tư nhằm mục đích thu lợi nhuận. Các quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng giúp bình ổn giá trị tài chính trong thị trường doanh nghiệp; bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.