Khái quát về tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm? Một số quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm? Một số quy định về trung tâm dịch vụ việc làm?
Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, việc tìm kiếm việc làm đang trở nên hết sức khó khăn đối với những người đang trong độ tuổi lao động của nước ta, kể cả những lao động có trình độ hay bằng cấp. Chính vì vậy, các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ở các địa phương cũng như các Trung tâm môi giới việc làm của các cá nhân, tổ chức đã và đang được thành lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, hoạt động môi giới việc làm ở nước ta hiện nay còn khá nhiều vướng mắc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp bạn tìm hiểu quy định mới về nghĩa vụ của tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Luật việc làm 2013.
– Nghị định số 23/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
1. Khái quát về tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm:
1.1. Dịch vụ việc làm:
Ngày nay, dịch vụ việc làm là một hoạt động của một tổ chức, cá nhân nhằm mục đích để tạo ra một sản phẩm dịch vụ cụ thể là việc làm, theo đó bên cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện các hoạt động ví dụ như tuyển chọn, đào tạo lao động theo đúng các nhu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn mà khách hàng là người sử dụng lao động đã đưa ra trước đó giữa thỏa thuận của các bên.
Kết quả mà sản phẩm dịch vụ việc làm đưa ra là người lao động tìm được nơi làm việc phù hợp với khả năng của mình, người sử dụng lao động tìm được người thích hợp phụ trách công việc mà mình đang cần. Trong đó các quyền và nghĩa vụ cho các bên tham gia sẽ thể hiện qua hợp đồng dịch vụ và phải tuân thủ những quy định pháp luật cho phép.
Hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, dạy nghề cho người lao động,… Hoạt động dịch vụ việc làm là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
1.2. Tổ chức dịch vụ việc làm:
Tổ chức dịch vụ việc làm là các tổ chức có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thu thập, cung cấp thông tin về thị trường và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trong thực tiễn, người lao động và người sử dụng lao động trực tiếp và gián tiếp tìm gặp và thiết lập quan hệ lao động thông qua các tổ chức dịch vụ việc làm
Tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm hai loại sau đây đó là trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Trong đó:
– Trung tâm dịch vụ việc làm được hiểu là đơn vị sự nghiệp công lập và được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập cần phải phù hợp với quy hoạch do thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn các trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động xung quanh vấn đề học nghề, tìm việc và lựa chọn việc làm, tuyển dụng và quản trị nguồn nhân lực và các vấn đề khác liên quan đến việc làm. Ngoài ra còn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được xác định là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm cần phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh cấp. Doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1.3. Chức năng của các tổ chức dịch vụ việc làm:
Các tổ chức dịch vụ việc làm có ba nhóm chức năng cơ bản sau đây, cụ thể là:
– Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động.
– Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
– Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động phục vụ cho nhu cầu của người lao động, giúp người lao động có những hiểu biết về việc làm, có kỹ năng làm việc và tiếp cận với việc làm.
Chức năng cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động thực hiện hoạt động tuyển mộ lao động cho người sử dụng lao động.
Còn chức năng thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động nhằm mục đích thực hiện các hoạt động thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động, từ đó giúp cho Nhà nước, các bên của quan hệ lao động có thông tin, tư liệu để xem xét, đánh giá, quyết định chính sách lao động, việc làm, chính sách đầu tư và quyết định tham gia quan hệ lao động.
2. Một số quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm:
2.1. Các hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp:
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động, bao gồm:
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn nghề cho người lao động về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng.
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn việc làm cho người lao động lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; kỹ năng thi tuyển; tạo việc làm, tìm việc làm trong và ngoài nước.
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn cho người sử dụng lao động tuyển dụng, quản lý lao động; quản trị và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động và phát triển việc làm.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm giới thiệu người lao động cần tìm việc làm cho người sử dụng lao động cần tuyển lao động.
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
+ Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm cung ứng, giới thiệu lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
Ta nhận thấy, các hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp được quy định rất rộng. Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động đã được pháp triển và kết nối qua nhiều hình thức, như trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của trung tâm dịch vụ việc làm, các phiên giao dịch việc làm,… hay gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, điện thoại, tin nhắn,… tạo thành một mạng lưới bao phủ trên toàn quốc. Từ đó đã góp phần to lớn trong việc tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm phù hợp với mình.
2.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động dịch vụ việc làm:
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp trong hoạt động dịch vụ việc làm có trách nhiệm và nghĩa vụ sau đây:
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết, các cam kết với người lao động và người sử dụng lao động, người học nghề, người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện đúng các chế độ tài chính, các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật và bồi thường các thiệt hại do vi phạm các hợp đồng theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian người lao động thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ, hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì theo dõi tình trạng việc làm của người lao động trong 12 tháng.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm niêm yết công khai Bản sao chứng thực giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm tại trụ sở.
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện việc báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về tình hình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Việc quy định về nghĩa vụ của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm rất được quan tâm. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động thì các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định được nêu cụ thể bên trên.
3. Một số quy định về trung tâm dịch vụ việc làm:
3.1. Phân loại trung tâm dịch vụ việc làm:
Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định bao gồm:
– Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập.
– Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập.
– Trung tâm dịch vụ việc làm do người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp trung ương quyết định thành lập.
3.2. Điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm:
Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.
– Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).
– Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành.
– Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.
– Cơ quan có thẩm quyền thành lập phải đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
3.3. Nghĩa vụ của trung tâm dịch vụ việc làm:
Theo quy định của pháp luật, trung tâm dịch vụ việc làm có các nghĩa vạ và trách nhiệm bao gồm các công việc sau là:
– Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí.
– Trung tâm dịch vụ việc làm phải bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
– Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu người tìm việc, việc làm trống để kết nối cung cầu lao động.
– Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm.
– Trung tâm dịch vụ việc làm trong định kỳ sáu tháng và hằng năm phải báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo mẫu được quy định.
Ngày nay, các trung tâm dịch vụ việc làm thực sự trở thành địa điểm tin cậy, kênh thông tin thị trường lao động chính thức, nơi kết nối việc làm hiệu quả giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong khoảng thời gian sắp tới, các trung tâm dịch vụ việc làm cần thực hiện các giải pháp như thông tin thị trường lao động về người tìm việc, việc tìm người. Không những thế cần hình thành mạng lưới kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, phục vụ kết nối cung – cầu lao động để từ đó tạo cơ hội việc làm cho người lao động trên toàn đất nước.