Hiện nay thị trường Việt Nam xuất hiện các hàng hóa nhập khẩu 100% từ nước ngoài ngày càng nhiều. Đồng thời để sản phẩm có thể được lưu thông, phân phối đến tay người tiêu dùng đúng theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nước ngoài cần in và dán nhãn phụ trên sản phẩm. Vậy nhãn phụ là gì? Ghi nhãn phụ, sử dụng nhãn phụ thứ hai?
Mục lục bài viết
- 1 1. Nhãn phụ là gì?
- 2 2. Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ:
- 3 3. Dán nhãn phụ khi thông tin nhà sản xuất không rõ:
- 4 4. Nhập khẩu hàng hóa có cần làm thủ tục đăng ký nhãn phụ:
- 5 5. Quy định về ghi nhãn phụ trên hàng hóa nhập khẩu:
- 6 6. Không có tem nhãn phụ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
1. Nhãn phụ là gì?
– Khái niệm nhãn hàng hóa: được xác định là bản viết, vẽ, in, chụp của chữ viết, hình ảnh hoặc hình vẽ được dán, khắc, chạm trổ, in, đúc hoặc đính trực tiếp trên hàng hóa, bao bì và trên các chất liệu gắn trên đó.
Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ.
– Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP);
– Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4 Điều 3
2. Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ:
– Một là, về ngôn ngữ:
Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt;
– Hai là, các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ:
+ Hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài;
+ Hàng hóa bị trả về, không xuất khẩu được và đưa về lưu thông trên thị trường của Việt Nam.
– Ba là, không bắt buộc ghi nhãn phụ khi:
Nhãn phụ không bắt buộc phải có đối với các loại hàng hóa, sản phẩm sau:
+ Các phụ gia, nguyên liệu hoặc các chất hỗ trợ khi chế biến thực phẩm;
+ Linh kiện được nhập khẩu về Việt Nam để sản xuất hoặc thay thế các linh kiện bị hỏng trong hoạt động, dịch vụ bảo hành hàng hóa, sản phẩm và không đưa ra thị trường để tiêu thụ.
– Bốn là, quy định về việc ghi nhãn phụ trên hàng hóa, sản phẩm:
+ Nội dung của nhãn phụ:
Các thông tin thể hiện trên nhãn phụ phải tương thích, đúng với các thông tin ghi trên nhãn gốc, nêu được nguồn gốc cũng như bản chất của loại hàng hóa đó. Nhãn phụ không được chứa những nội dung hoặc hình ảnh có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, an toàn xã hội và quan hệ ngoại giao của nước ta như tranh chấp chủ quyền, nội dung nhạy cảm khác và không được trái với thuần phong mỹ tục.
+ Tên hàng hóa:
Là thông tin bắt buộc phải có trên nhãn gốc và cả nhãn phụ, được in tại nơi người tiêu dùng, người sử dụng dễ nhìn thấy, dễ đọc được và có kích cỡ chữ lớn nhất so với các chữ viết thể hiện các nội dung khác được cá nhân, tổ chức sản xuất ra hàng hóa đặt ra cho hàng hóa của mình;
+ Xuất xứ hàng hóa:
Được thể hiện trên nhãn phụ bằng một trong số các cụm từ “xuất xứ”, “sản xuất bởi”, “nước sản xuất”, “sản xuất tại”, “chế tạo tại” + tên nước hoặc tên vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó, lưu ý không được viết tắt;
Trong trường hợp nhãn phụ của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài bị trả lại, không xuất khẩu được và tiến hành lưu thông trên thị trường Việt Nam thì xuất xứ hàng hóa được thể hiện bằng dòng chữ cụ thể là “Được sản xuất tại Việt Nam” (phải in đậm).
– Tên, địa chỉ của các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm với hàng hóa:
Các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm với hàng hóa bao gồm cá nhân, tổ chức thực hiện việc sản xuất; cá nhân, tổ chức là đại lý bán hàng cho người sản xuất; cá nhân, tổ chức được nhượng quyền phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất. Riêng đối với các hàng hóa là trang thiết bị y tế phải có cả tên, địa danh của cá nhân, tổ chức sản xuất và cá nhân, tổ chức đăng ký lưu hành hàng hóa nêu trên nhãn phụ
– Ngày sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa:
Trong đó:
+ Ngày sản xuất được xác định là mốc thời gian cuối cùng trong giai đoạn sản xuất hàng hóa, từ mốc thời gian này ta có thể xác định được lúc nào việc sản xuất được hoàn thành; Ngày sản xuất ghi trên nhãn phụ có thể được ghi cụ thể bằng cụm từ “ngày sản xuất” hoặc được viết tắt là “NSX”.
+ Hạn sử dụng hay còn gọi là hạn dùng được xác định là một mốc thời gian nhất định, từ mốc thời gian này trở đi hàng hóa không còn giữ được nguyên đặc tính chất lượng, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Được ghi bằng cụm từ “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” hoặc được viết tắt thành cụm từ “HSD”, “HD”.
+ Cách ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng: được tính và ghi theo năm dương lịch theo thứ tự lần lượt là ngày, tháng, năm và có thể ghi khác thứ tự này nhưng phải có chú thích để người tiêu dùng nhận biết. Thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng được ghi cụ thể tương ứng mới mỗi cột mốc về ngày, tháng, năm được thể hiện bằng hai chữ số tự nhiên, nhưng vẫn ghi bằng bốn chữ số đối với thông tin về năm ví dụ ngày sản xuất là 10/02/19 hoặc 10/02/2019 hoặc ghi khoảng thời gian từ ngày sản xuất trở đi, khoảng thời gian từ hạn sử dụng trở về trước.
Ví dụ có thể ghi NSX: 10/02/19 và HSD: 06 tháng kể từ ngày sản xuất thay vì ghi HSD là 10/08/19;
– Định lượng của hàng hóa:
Với ý nghĩa xác định khối lượng, trọng lượng, thể tích của sản phẩm, hàng hóa hay số lượng các hàng hóa có trong bao bì thương phẩm, được ghi bằng số đếm tự nhiên hoặc một đơn vị đo lường nào đó, riêng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì đơn vị đo lường phải áp dụng theo pháp luật của Việt Nam;
– Thành phần, cấu tạo của hàng hóa:
+ Thành phần bao gồm các nguyên liệu và các phụ gia để sản xuất, tạo ra hàng hóa; Ví du thành phần của bánh quy dừa được ghi trên nhãn phụ bao gồm: bột mỳ, đường kính, trứng gà, bơ, sữa bột, muối, dừa tươi, dầu thực vật, nước và hương sữa.
+ Việc ghi thành phần của hàng hóa phải tuân thủ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 và Phụ lục IV của Nghị định 43/2017/NĐ-CP;
– Thông số kỹ thuật và các thông tin cảnh báo:
+ Thông tin cảnh báo được thể hiện trên nhãn phụ với mục đích nhằm giúp người triêu dùng, người sử dụng lưu ý khi vận chuyển, bảo quản hoặc sử dụng; Ví dụ cảnh báo của thực phẩm chức năng được cảnh báo không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh;
+ Thông số kỹ thuật bao gồm các chỉ tiêu kỹ thuật nhất định có ảnh hưởng đến môi trường hoặc đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng đồng thời quyết định giá trị sử dụng của hàng hóa đó, được quy định tại quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, ví dụ chỉ số BTU biểu thị cho công suất của điều hòa là 9000Btu/h sẽ được thể hiện trên nhãn phụ nếu nhãn gốc chưa thể hiện.
+ Việc thể hiện thông số kỹ thuật và các thông tin cảnh báo của hàng hóa được quy định tại Điều 17 và Phụ lục V của Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng như các văn bản pháp luật có liên quan khác;
– Các nội dung khác có thể được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm như mã vạch, mã số, dấu (bao gồm dấu hợp chuẩn và dấu hợp quy) và các nội dung khác nếu có thêm.
+ Giữ nguyên nhãn gốc ghi dán nhãn phụ, các nội dung trên nhãn phụ phải tương ứng với các nội dung được thể hiện trên nhãn gốc;
+ Nơi gắn nhãn phụ: Nhãn phụ được gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc là trên bao bì thương phẩm của hàng hóa nhưng vin trí gắn không được che mất những nội dung luật bắt buộc nhãn gốc phải thể hiện hoặc các nội dung quan trọng.
3. Dán nhãn phụ khi thông tin nhà sản xuất không rõ:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, bên tôi vừa nhập về một lô thiết bị điện tử rời, tình trạng mới. Tuy nhiên lô hàng này tem nhãn chính lại không thể hiện nhà sản xuất rõ và viết tiếng anh. Như vậy có bắt buộc doanh nghiệp tôi phải có nhãn phụ không?
Luật sư tư vấn:
Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.
Lô hàng hóa bên bạn nhập về do không có tem nhãn rõ, không thể hiện được nội dung chính mà pháp luật Việt Nam quy định.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của
“1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.”
Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định:
“3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”
Như vậy, nếu như hàng hóa nhập khẩu mà bên bạn không đảm bảo nội dung trên nhãn gốc thì bên bạn bắt buộc phải dán tem nhãn phụ và giữ nguyên nhãn gốc khi lưu hành.
4. Nhập khẩu hàng hóa có cần làm thủ tục đăng ký nhãn phụ:
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi sắp nhập sản phẩm từ Thái Lan về bán, theo tìm hiểu thì hàng hóa cần phải có nhãn phụ mới được bán trên thị trường. Nhưng tôi không biết khi làm nhãn phụ thì có cần đăng ký với cơ quan nào hay không? Nếu có thì trình tự làm như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 và khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà chưa có nội dung thể hiện bắt buộc bằng tiếng Việt thì bắt buộc phải có nhãn phụ.
Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì khi dán nhãn phụ, công ty bạn không phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nào cả.
5. Quy định về ghi nhãn phụ trên hàng hóa nhập khẩu:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi phòng luật sư. Em muốn nhập vòi hoa sen thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam mới đóng gói, in tên, nhãn hiệu riêng
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn phụ được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.
Trước tiên, phải xem xét hợp đồng giữa bạn và bên công ty cung cấp, nếu trong hợp đồng cho phép bạn thay đổi nội dung, hình thức của nhãn mác thì bạn có thể được thực hiện việc này, cụ thể sẽ được quy định rõ trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không quy định mà bạn tự ý thay đổi hình thức, nội dung trên nhãn mác mà nội dung đó lại khác với nhãn gốc thì công ty bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung bạn đã ghi.
Như vậy, bạn nhập khẩu thành phẩm vòi hoa sen từ nước ngoài về Việt Nam mà muốn đóng gói, in tên, nhãn hiệu riêng của mình nếu không được bên cung cấp đồng ý thì không được phép. Mà muốn bán sản phẩm này, bạn phải giữ nguyên nhãn gốc và ghi nhãn phụ cho sản phẩm bằng tiếng Việt dịch từ nội dung của nhãn gốc.
6. Không có tem nhãn phụ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư! Tôi có 2 câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn
Câu hỏi 1: Tôi có nhập 1 lô hàng bình nước nóng năng lượng mặt trời trị giá 225 triệu. Công an kinh tế phạt tôi không tem nhãn phụ. Như vậy mức phạt bao nhiêu là đúng?
Câu hỏi 2: Tôi có nhập 1 lô hàng bình nước nóng năng lượng mặt trời trị giá 225 triệu.Trong đó có 3 nhãn hiệu NANO, WAPI, OCEAN bị 2 công ty tố cáo tôi vi phạm nhãn hiệu cục sở hữu trí tuệ của 2 công ty đó. Nhưng tôi theo cục sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu OCEAN không được cấp bảo hộ. Còn NANO và WAPI thì đã cấp bảo hộ, nhưng nhãn hiệu NANO thì bảo hộ tổng thể NANO SOLAR, còn bên tôi thì chỉ có chữ NANO. Không biết như vậy có gọi là vi phạm thương hiệu không? Khi công an kinh tế nhận được đơn tố cáo của 2 công ty đó thì đã vào niêm phong hàng hóa của tôi bây giờ đã 2 tháng rồi vẫn chưa giải quyết. Không biết như vậy công an kinh tế làm có đúng luật không? Lô hàng của tôi vi phạm nhãn hiệu cục sở hữu trí tuệ khoảng 100 triệu, Vậy mức phạt là bao nhiêu? Tôi có thể kiện người ta là nhãn hiệu OCEAN tôi không vi phạm mà người ta lại tố cáo tôi không? Công an kinh tế niêm phong tất cả lô hàng hóa tôi nhập ( gồm vi phạm và không vi phạm) đã 2 tháng vẫn không giải quyết, như vậy thiệt hại cho kinh tế bên tôi. Vậy công an kinh tế làm có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về vấn đề mức phạt đối với hành vi không dán nhãn phụ. Căn cứ Điều 31
“Điều 31. Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3.000.000 đồng:
…
b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng được quy định như sau:
…
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”
Như vậy, hành vi không dán nhãn phụ của bạn sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Thứ hai, về vấn đề vi phạm nhãn hiệu NANO của bạn. Căn cứ vào khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Muốn xét một dấu hiệu có xâm phạm nhãn hiệu hay không, căn cứ vào Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Như vậy, lô hàng của bạn mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa thuộc phạm vi bảo hộ là bình nước nóng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, dấu hiệu NANO được bảo hộ tổng thể là NANO SOLAR vì vậy để xác định xem dấu hiệu này có xâm phạm nhãn hiệu hay không, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 11/2015/TT-BKNCN của Bộ khoa học công nghệ quy định:
“Phạm vi bảo hộ về tổng thể, từng thành phần của nhãn hiệu; mức độ tương tự của dấu hiệu với nhãn hiệu về tổng thể và với các thành phần có khả năng phân biệt của nhãn hiệu, đặc biệt thành phần gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng”
Như vậy, dấu hiệu NANO gắn trên lô hàng của bạn đã đáp ứng đủ hai điều kiện để được coi là dấu hiệu xâm phạm vì vậy hành vi nhập khẩu hàng hóa có mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Cụ thể, căn cứ khoản 13 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại lên hàng hóa;
c) Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
d) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.”
Trong đó, tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt như sau:
“Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Do vậy, với hành vi nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu với giá trị lô hàng là 100 triệu đồng thì số tiền bạn bị xử phạt vi phạm là từ 48 000 000 đồng (40 000 000* 1.2 ) đến 72 000 000 đồng( 60 000 000 *1.2).
Thứ ba, về vấn đề lô hàng mang nhãn hiệu OCEAN không xâm phạm nhãn hiệu mà bị tố cáo thì bạn có thể chứng minh lô hàng của bạn không xâm phạm nhãn hiệu để công ty đó rút lại đơn tố cáo về lô hàng này.