Kết luận thanh tra là văn bản, giấy tờ do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành, được sử dụng để đánh giá, đưa ra kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì vấn đề công khai kết luận thanh tra được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định mới nhất về việc công khai kết luận thanh tra:
Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các tổ chức, cơ quan, cá nhân trực thuộc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Khi giai đoạn thanh tra kết thúc, các bên cần phải lập kết luận thanh tra. Công khai kết luận thanh tra hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Thanh tra năm 2022. Theo đó:
-
Chậm nhất trong khoảng thời gian 10 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, cá nhân đã ra quyết định thanh tra cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ công khai kết luận thanh tra theo một số hình thức do pháp luật quy định;
-
Kết luận thanh tra bắt buộc phải được công khai toàn văn, ngoại trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc những bí mật khác theo quy định của pháp luật không thể công khai;
-
Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm một số hình thức cơ bản sau:
+ Đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
+ Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm: Cá nhân là người đã ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng được thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
+ Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục tiến hành thì cần phải thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở cấp trung ương; đối với các cuộc thanh tra được tiến hành bởi Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra cấp huyện thì phải được thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở cấp địa phương;
+ Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Ngoài ra, điều luật này còn được hướng dẫn bởi Điều 48 và Điều 49 của Nghị định 43/2023/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 của Nghị định 43/2023/NĐ-CP, có quy định về những nội dung kết luận thanh tra bắt buộc phải được công khai. Theo đó, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, ngoại trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật ngân hàng theo quy định của pháp luật không thể công khai.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 49 của Nghị định 43/2023/NĐ-CP, có quy định về hình thức công khai kết luận thanh tra. Theo đó:
-
Việc đăng tải kết quả thanh tra trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất trong khoảng thời gian 15 ngày liên tục;
-
Ngoài việc công khai kết luận thanh tra nêu trên, người ra kết luận thanh tra có thể lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau đây để công khai kết luận thanh tra:
+ Công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp với thành phần bao gồm: người ra quyết định thanh tra, người được ủy quyền, đại diện của đoàn thanh tra, đối tượng được thanh tra, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan;
+ Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó bao gồm báo in, báo nói, báo hình hoặc báo điện tử. Thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng này ít nhất là hai lần liên tục, riêng việc thông báo trên báo điện tử bắt buộc phải được thực hiện ít nhất trong khoảng thời gian 15 ngày;
+ Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra sẽ do đối tượng thanh tra đó thực hiện; thời gian niêm yết ít nhất trong khoảng 15 ngày liên tục.
2. Có được tiết lộ thông tin, tài liệu khi kết luận thanh tra chưa được công khai không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật thanh tra năm 2022 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra. Bao gồm:
-
Có hành vi lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, gây khó khăn, phiền hà, nhiễu sách cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội; có hành vi lạm quyền trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra trên thực tế;
-
Thanh tra không đúng thẩm quyền, thanh tra không đúng nội dung ghi nhận trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền;
-
Cố tình không ra quyết định thanh tra khi phát hiện ra có hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải tiến hành hoạt động thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố tình đưa ra kết luận sai sự thật trong quá trình thanh tra; đưa ra kết luận, quyết định, xử lý trái luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển thành phần hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra để xem xét, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật hình sự;
-
Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra;
-
Tiết lộ thông tin, tiết lộ tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra trong trường hợp kết luận thanh tra chưa được công khai;
-
Can thiệp trái quy định pháp luật vào hoạt động thanh tra, tác động làm sai lệch nội dung kết quả thanh tra, kết luận và kiến nghị thanh tra;
-
Không cung cấp thông tin, cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, khách quan, vô tư, minh bạch, thiếu chính xác; có hành vi chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, giấy tờ, chứng cứ, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra;
-
Chống đối, mua chuộc, đe dọa, trả thù người tiến hành thanh tra, người thực hiện hoạt động thẩm định, người thực hiện hoạt động giám sát, người cung cấp thông tin, cung cấp tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; hoặc gây khó khăn cho hoạt động thanh tra của cơ quan có thẩm quyền;
-
Thực hiện một số hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi tiết lộ thông tin, tài liệu khi kết luận thanh tra chưa được công khai là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động thanh tra.
3. Công khai kết luận thanh tra là giai đoạn thứ mấy khi tiến hành một cuộc thanh tra hành chính?
Trình tự và thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Căn cứ theo quy định tại Điều 49 của Luật thanh tra năm 2022 có quy định về quy trình, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính. Theo đó:
Thứ nhất, chuẩn bị thanh tra. Chuẩn bị thanh tra bao gồm các bước sau đây:
-
Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;
-
Ban hành quyết định thanh tra;
-
Xây dựng, gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo quy định của pháp luật với nội dung liên quan;
-
Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
Thứ hai, tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước như sau:
-
Công bố quyết định thanh tra;
-
Thu thập thông tin, thu thập tài liệu giấy tờ liên quan đến nội dung thanh tra;
-
Kiểm tra thông tin, xác minh thông tin, tài liệu;
-
Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
Thứ ba, kết thúc cuộc thanh tra. Kết thúc cuộc thanh tra bao gồm các bước sau đây:
-
Báo cáo kết quả thanh tra;
-
Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trên thực tế;
-
Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;
-
Ban hành kết luận thanh tra trên thực tế;
-
Công khai kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công khai kết luận thanh tra là giai đoạn cuối cùng khi tiến hành 01 cuộc thanh tra hành chính.
THAM KHẢO THÊM: