Viên chức là một vị trí làm việc gắn liền với chức danh nghề nghiệp của một cá nhân làm việc cho cơ quan Nhà nước theo chế độ Hợp đồng làm việc. Vậy hiện nay, khi pháp luật có nhiều sửa đổi, bổ sung thì những quy định về Hợp đồng làm việc của viên chức có thay đổi gì không? Quy định mới nhất về ký hợp đồng làm việc của viên chức hiện nay như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về viên chức:
1.1. Thế nào là viên chức?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 thì Viên chức được quy định là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí làm việc, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ Hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức là người được hưởng lương trực tiếp từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật hiện hành.
1.2. Điều kiện để được đăng ký dự tuyển viên chức:
Hiện nay, tuỳ thuộc vào tình hình nhu cầu, tiêu chuẩn công việc trên thực tế cũng như quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua một trong hai hình thức sau: Thi tuyển và xét tuyển. Để được thi tuyển hoặc xét tuyển công chức thì người dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010. Cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định như sau:
– Người dự tuyển viên chức là công dân Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
– Về độ tuổi: Từ đủ 18 tuổi trở lên
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì đối với một số lĩnh vực, ngành nghề như văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao thì độ tuổi dự tuyển có thể thấp hơn 18 nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
– Có đơn đăng ký dự tuyển theo quy định;
– Có lý lịch rõ ràng;
– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
– Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế;
– Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không trái pháp luật và không phân biệt loại hình đào tạo.
1.3. Phân loại viên chức:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì viên chức được phân loại như sau:
– Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:
+ Viên chức quản lý;
+ Viên chức không giữ chức vụ quản lý.
– Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.
2. Các loại hợp đồng làm việc của viên chức hiện nay:
Khác với người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp tư nhân làm việc theo chế độ
– Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Đây là loại hợp đồng mà các bên có thoả thuận về việc làm việc xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc. Theo đó, thời hạn ở đây được quy định là từ 12 đến 60 tháng. Loại hợp đồng làm việc xác định thời hạn được áp dụng đối với những viên chức được tuyển dụng làm việc kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 (thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực thi hành);
– Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Đây là loại Hợp đồng làm việc mà hai bên không xác định thời hạn cũng như thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng lao động. Loại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn này được áp dụng đối với những viên chức được tuyển dụng trong các trường hợp sau:
+ Viên chức được tuyển dụng từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020, trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực thi hành;
+ Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58;
+ Người được tuyển dụng làm viên chức được bố trí làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Hợp đồng làm việc của viên chức được ký kết với nội dung và hình thức như thế nào?
3.1. Nội dung của Hợp đồng làm việc của viên chức:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Viên chức năm 2010 thì Hợp đồng làm việc của viên chức hiện nay được ký kết bao gồm các nội dung sau:
– Thông tin của đơn vị sự nghiệp, bao gồm:
+ Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Thông tin của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
– Thông tin của người được tuyển dụng làm viên chức: Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh.
Lưu ý: Trong trường hợp được quy định định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP thì người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng.
– Thông tin về công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Loại hợp đồng làm việc, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
– Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
– Chế độ tập sự (nếu có).
Lưu ý về chế độ tập sự:
+ Thời gian tập sự đối với viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật viên chức 2010, được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được quy định là từ 03 tháng đến 12 tháng (tuỳ từng yêu cầu của từng công việc cụ thể) và phải được quy định trong hợp đồng làm việc;
+ Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì trường hợp không cần phải áp dụng chế độ tập sự được áp dụng đối với người có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và định bố trí làm việc đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đongs bảo hiểm xã hội bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh, nghề nghiệp được tuyển dụng. Theo đó, đối với viên chức được tuyển dụng mà không phải áp dụng chế độ tập sự thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng viên chức sẽ phải cử viên chức đó tham gia khoá bồi dưỡng để hoàn thiện về tiêu chuẩn, điều kiện mà chức danh nghề nghiệp viên chức đã đặt ra trước khi người đó được bổ nhiệm.
– Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
– Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
– Các cam kết khác của các bên gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.2. Hình thức của Hợp đồng làm việc của viên chức:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Viên chức năm 2010 thì Hợp đồng làm việc được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức được ký kết bằng hình thức văn bản. Theo quy định này thì Hợp đồng làm việc được lập thành ba bản, trong đó có một bản sẽ giao cho viên chức được tuyển dụng giữ.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Viên chức năm 2010 thì đối với những chức danh nghề nghiệp, vị trí làm việc theo quy định của pháp luật do cấp trên của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm thì trước khi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết với viên chức được tuyển dụng thì phải có sự đồng ý của cấp đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Viên chức năm 2010;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;
– Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.