Lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự là gì? Quy định lấy lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự? Biên bản lấy lời khai của người làm chứng?
Đối với vụ án dân sự có thể thấy lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án. Theo đó lời khai có thể là chứng cứ chứng minh trong các trường hợp cụ thể, thông qua lời khai của người làm chứng thì Tòa án cũng có thể dễ ràng năm bắt nội dung vụ án hơn. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc lấy lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự. Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
1. Lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự là gì?
Như chúng ta đã biết thông qua các vụ án dân sự cụ thể có thể thấy việc thu thập chứng cứ là việc phát hiện tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng giải quyết các vụ việc dân sự”. Để thu thập chứng cứ, tùy từng vụ việc dân sự và tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác nhau, trong đó có hoạt động lấy lời khai của đương sự, người làm chứng. Từ đó có thể hiểu hoạt động lấy lời khai là một trong các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự.
Tòa án có thể thu thập các chứng cứ thông qua lời khai cả người làm chứng vì lời thông qua phân tích hoạt động thu thấp chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự, thì hoạt động lấy lời khai của Tòa án trong tố tụng dân sự là hoạt động của Tòa án trong việc phát hiện tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự thông qua lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng khi giải quyết vụ việc dân sự. Hoạt động lấy lời khai của Tòa án trong tố tụng dân sự là một hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án nên hoạt động này mang tính quyền lực Nhà nước. Hoạt động lấy lời khai được thực hiện sau khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự và chủ yếu do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự tiến hành (tại phiên tòa sơ thẩm là Hội đồng xét xử).
2. Quy định lấy lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự
Tại Điều 99. Lấy lời khai của người làm chứng Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.
Trước khi lấy lời khai của người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
2. Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như thủ tục lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật này.
3. Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.
Như vậy, dựa trên các quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về người làm chứng trong tố tụng dân sự có thể hiểu đây là “Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.” (Điều 77
Một điểm cần lưu ý về việc lấy lời khai của người làm chứng đó là địa điểm lấy lời khai có thể là tại trụ sở Tòa án nơi giải quyết vụ án dân sự hoặc ngoài trụ sở Tòa án, có thể là tại nhà văn hóa thôn, nhà ở,… của người làm chứng. Trước khi lấy lời khai của người làm chứng, thẩm phán giải thích về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng cũng như yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
Ngoài ra đối với việc lấy lời khai để tránh những rủi ro sau này và theo quy định của pháp luật thì việc lấy lời khai của người làm chứng được lập thành biên bản. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Người làm chứng có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của người làm chứng được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
Đối với các trường hợp theo quy định như chúng tôi nêu như trên về việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.
3. Biên bản lấy lời khai của người làm chứng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TÒA ÁN NHÂN DÂN ……….(1)
BIÊN BẢN
LẤY LỜI KHAI CỦA NGƯỜI LÀM CHỨNG
Hồi .…. giờ.…. phút ngày .…. tháng ….. năm………
Tại:(2)…..
Chúng tôi:(3)….
Tiến hành lấy lời khai của (4)..
Địa chỉ:(5)……..
Là người làm chứng trong vụ án dân sự thụ lý số ……/TLST-……… (6)
Về việc(7)…..
Thẩm phán giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
Người làm chứng cam đoan khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án, (8)………khai:
(9)..
Việc lấy lời khai kết thúc hồi….. giờ…phút cùng ngày.…(10) đã……..(11), công nhận là biên bản ghi đúng lời khai của mình.
NGƯỜI KHAI
(Ký tên, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ) (12)
THƯ KÝ TÒA ÁN GHI BIÊN BẢN
(Ký tên, ghi rõ họ tên)
THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
Từ nội dung chúng tôi đã cung cấp và đưa ra các cách hiểu về quy định đối với việc lấy lời khai của người làm chứng chúng ta có thể thấy rằng trong pháp luật tố tụng dân sự thì Nhà nước luôn có những chính sách nhất định để bảo về quyền lợi , nghĩa vụ của người làm chứng. Theo cả tố tụng dân sự hay hình sự thì người làm chứng đều có quyền Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó thì theo quy định của pháp luật thì người làm chứng phải phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật đề ra. Trong trường hợp mà người làm chứng vắng mặt thì phải nêu rõ lý do (lý do chính đáng, phù hợp). Một điều quan trọng đó là người làm chứng cần phải có nghĩa vụ khai báo trung thực nhất những gì mà mình biết nếu khai báo gian dối sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm theo quy định của pháp luật tố tụng.
Qua bài viết này công ty Luật Dương Gia chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quy định lấy lời khai của người làm chứng trong tố tụng dân sự ” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.