Bảo trì công trình thường xuyên sẽ giúp cho công trình tăng tuổi thọ và đảm bảo mọi hoạt động sinh hoạt trong công trình đó diễn ra bình thường. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng?
Mục lục bài viết
1. Quy định lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng:
1.1. Nội dung lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có ghi nhận về một số nội dung của quy trình lập và phê duyệt hoạt động bảo trì công trình xây dựng, bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
– Các thông số kỹ thuật, các thông số về công nghệ của công trình, bộ phận công trình và thiết bị công trình;
– Quy định đối tượng, một số quy định về phương pháp, phê duyệt về các vấn đề liên quan đến tần suất kiểm tra công trình;
– Quy định nội dung và chỉ dẫn thực hiện bảo dưỡng công trình phù hợp với từng bộ phận công trình, loại công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình;
– Quy định thời điểm và chỉ dẫn thay thế định kỳ các thiết bị lắp đặt vào công trình;
– Chỉ dẫn phương pháp sửa chữa các hư hỏng của công trình, xử lý các trường hợp công trình bị xuống cấp;
– Quy định thời gian sử dụng của công trình, các bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;
– Quy định về nội dung, phương pháp và thời điểm đánh giá lần đầu, tần suất đánh giá đối với công trình phải đánh giá an toàn trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định của pháp luật có liên quan;
– Xác định thời điểm, đối tượng và nội dung cần kiểm định định kỳ;
– Quy định thời điểm, phê duyệt về phương pháp, và đồng thời cũng phê duyệt về chu kỳ quan trắc đối với công trình có yêu cầu thực hiện quan trắc;
– Quy định về hồ sơ bảo trì công trình xây dựng và việc cập nhật thông tin vào hồ sơ bảo trì công trình xây dựng;
– Các chỉ dẫn khác liên quan đến bảo trì công trình xây dựng và quy định các điều kiện nhằm mục đích tuân thủ pháp luật trong vấn đề bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ những yếu tố xoay quanh lĩnh vực vệ sinh môi trường, trong quá trình thực hiện bảo trì công trình xây dựng.
1.2. Trách nhiệm lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng:
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 31 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có quy định cụ thể về trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như sau:
– Các chủ thể được xác định là nhà thầu thiết kế công trình xây dựng sẽ có trách nhiệm trong việc lập và phê duyệt công trình xây dựng, thực hiện hoạt động bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình xây dựng và bảo trì đối với các thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình xây dựng;
– Các nhà thầu thiết kế công trình xây dựng sẽ có trách nhiệm bàn giao cho các chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình xây dựng, bàn giao cho chủ đầu tư bộ phận công trình cùng với hồ sơ thiết kế để triển khai và xây dựng công trình, cập nhật quy trình bảo trì công trình xây dựng sao cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với các nội dung thay đổi thiết kế trong quá trình thi công công trình xây dựng trước khi thực hiện hoạt động nghiệm thu hạng mục công trình, và đưa công trình xây dựng vào sử dụng;
– Trường hợp các nhà thầu thiết kế xây dựng các công trình xây dựng và các nhà thầu cung ứng thiết bị không lập được quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định của pháp luật nêu trên, thì chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn khác có đủ điều kiện năng lực pháp luật và năng lực hành vi để lập quy trình bảo trì xây dựng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tư vấn;
– Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra các đối tượng là chủ đầu tư và chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình xây dựng trên thực tế có quyền thuê các đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực pháp luật và năng lực hành vi để tiến hành hoạt động thẩm tra một phần hoặc thẩm tra toàn bộ quy trình bảo trì công trình xây dựng do các nhà thầu thiết kế lập ra, để làm cơ sở cho việc phê duyệt và xem xét quy trình bảo trì công trình xây dựng;
– Đối với các công trình đã được đưa vào khai thác và sử dụng trên thực tế tuy nhiên các công trình này chưa có quy trình bảo trì công trình xây dựng, thì các chủ sở hữu hoặc người quản lý và sử dụng công trình đó trên thực tế phải tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng công trình xây dựng để làm cơ sở lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu xét thấy cần thiết và phù hợp, trong quá trình bảo trì công trình xây dựng thì phải xác định rõ thời gian sử dụng còn lại của công trình và các thiết bị lắp đặt vào công trình phù hợp với tình hình thực tế;
– Không bắt buộc các chủ thể phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình xây dựng cấp III trở lên và các công trình nhà ở riêng lẻ hoặc các công trình tạm thời, trừ trường hợp pháp luật có quy định. Các chủ thể được xác định là chủ sở hữu hoặc người quản lý và sử dụng hợp pháp các công trình xây dựng này vẫn phải thực hiện hoạt động bảo trì công trình xây dựng theo quy định về bảo trì công trình xây dựng như phân tích ở trên;
– Trong trường hợp có tiêu chuẩn về vấn đề bảo trì công trình xây dựng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý và sử dụng công trình hợp pháp trên thực tế có thể áp dụng các tiêu chuẩn hay mà không cần phải lập quy trình bảo trì công trình xây dựng riêng.
2. Quy định về điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng:
Căn cứ theo Điều 31 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có ghi nhận về vấn đề điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như sau:
– Chủ sở hữu hoặc các đối tượng được xác định là người sử dụng công trình hợp pháp sẽ được quyền điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng khi phát hiện ra quy trình bảo trì này có những yếu tố bất hợp lý, nếu tiếp tục thực hiện thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng của công trình hoặc gây ảnh hưởng đến việc sử dụng công trình, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
– Các đối tượng được xác định là nhà thầu lập quy trình bảo trì công trình xây dựng sẽ phải có nghĩa vụ sửa đổi hoặc bổ sung hoặc thay đổi những nội dung bất hợp lý trong quy trình bảo trì, nếu như những nội dung này xuất phát do lỗi của mình, hoặc các chủ thể này sẽ có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng của chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình nếu xét thấy sửa đổi này không hợp lý;
– Chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình hợp pháp có quyền thuê nhà thầu có đủ điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi để thực hiện hoạt động sửa đổi hoặc bổ sung các nội dung trong quy trình bảo trì công trình xây dựng, trong trường hợp xét thấy các nhà thầu lập quy trình bảo trì công trình xây dựng ban đầu không có khả năng thực hiện được các công việc này. Các nhà thầu thực hiện hoạt động sửa đổi và bổ sung quy trình bảo trì công trình xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện;
– Đối với những công trình xây dựng sử dụng tiêu chuẩn kĩ thuật để bảo trì thì khi tiêu chuẩn này được sửa đổi hoặc thay thế, các chủ thể là chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp công trình cũng sẽ phải có trách nhiệm thực hiện hoạt động sửa đổi nội dung quy trình bảo trì phù hợp với tiêu chuẩn kĩ thuật đã được sửa đổi;
– Ngoài ra thì chủ Yahoo! hoặc người sử dụng hợp pháp công trình xây dựng còn phải có trách nhiệm phê duyệt những nội dung điều chỉnh của quy trình bảo trì công trình xây dựng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Quy định về quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình xây dựng:
Căn cứ theo Điều 34 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có ghi nhận về vấn đề quản lý chất lượng công việc trong hoạt động bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như sau:
– Cần phải kiểm tra chất lượng công trình xây dựng thường xuyên hoặc đột xuất, quá trình kiểm tra công trình xây dựng phải được thực hiện bằng trực quan hoặc các số liệu chắc quan hoặc thông qua các thiết bị kiểm tra chuyên dụng;
– Công tác bảo dưỡng công trình cần phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện theo quy trình bảo trì công trình xây dựng. Kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng công trình xây dựng phải được lập thành hồ sơ và ghi chép đầy đủ, chủ sở hữu công trình sẽ phải có trách nhiệm xác nhận việc hoàn thành công tác bảo dưỡng và quản lý trong hồ sơ bảo trì công trình xây dựng;
– Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình sẽ có trách nhiệm tổ chức giám sát và nghiệm thu công trình sau quá trình sửa chữa, quản lý và lưu giữ hồ sơ sửa chữa của công trình theo đúng quy định của pháp luật. Công việc sửa chữa công trình cần phải được bảo hành không ít hơn 06 tháng đối với công trình cấp II trở xuống và không ít hơn 12 tháng đối với công trình cấp I trở lên. Ngoài ra thì mất tiền bảo hành cũng không được thấp hơn 5% giá trị của hợp đồng mà các bên đã giao kết;
– Chủ sở hữu và người quản lý hợp pháp công trình phải thỏa thuận với nhà thầu để tiến hành hoạt động sửa chữa công trình sao cho phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của các bên, chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình có quyền thuê tổ chức có đầy đủ năng lực để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng công trình, ngoài ra thì trong trường hợp cần thiết, chủ sở hữu công trình có thể thuê tổ chức độc lập để đánh giá báo cáo kết quả kiểm định và báo cáo kết quả quan trắc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
– Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.