Ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu là một trong những yêu cầu, điều kiện bảo vệ môi trường khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài. Vậy quy định ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1.Quy định ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu:
- 1.1 1.1. Mục đích và phương thức ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
- 1.2 1.2. Khoản tiền ký quỹ bảo bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
- 1.3 1.3. Quy trình ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
- 1.4 1.4. Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
- 2 2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu:
1.Quy định ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu:
Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất được quy định tại Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
1.1. Mục đích và phương thức ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
– Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm để bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu;
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại tổ chức nhận ký quỹ, một trong những tổ chức nhận ký quỹ sau:
+ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam;
+ Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;
+ Tổ chức tín dụng nơi mà tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch.
– Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu;
– Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật.
1.2. Khoản tiền ký quỹ bảo bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:
+ Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền ký quỹ được quy định như sau:
+ Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc các trường hợp vừa nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
1.3. Quy trình ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với các trường hợp sau:
+ Nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển;
+ Nhập khẩu vào lãnh thổ việt nam đối với các trường hợp khác.
– Ngay sau khi nhận ký quỹ, tổ chức nhận ký quỹ phải xác nhận việc ký quỹ của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức, cá nhân. Các nội dung xác nhận ký quỹ phải được thể hiện đầy đủ các thông tin sau:
+ Tên tài khoản phong tỏa;
+ Tổng số tiền ký quỹ được tính toán theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
+ Thời hạn hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện ngay sau khi hàng hóa được thông quan;
+ Thời hạn phong tỏa tài khoản (nếu có).
– Tổ chức nhận ký quỹ gửi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu 02 bản chính của văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải gửi 01 bản chính văn bản xác nhận đã ký quỹ cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan.
1.4. Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
– Tổ chức nhận ký quỹ nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức nhận ký quỹ đã nhận ký quỹ phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau khi:
+ Nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo các thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan;
+ Nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo các thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan;
+ Chấp hành xong quyết định tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
– Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được thì:
+ Khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm.
+ Nếu số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu không đủ thanh toán cho toàn bộ các khoản chi phí để xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này.
+ Sản phẩm sau xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm có giá trị sẽ bị tịch thu theo các quy định của pháp luật (không bao gồm phần sản phẩm tạo ra từ nguyên liệu, phụ gia hoặc từ phế liệu khác được phối trộn theo quy trình sản xuất của đơn vị được chỉ định để thực hiện xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm) và không được hạch toán vào các chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm.
– Việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm được thực hiện theo đúng quy định về quản lý chất thải. Khi đó, tổ chức, cá nhân vi phạm phải có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị có đủ năng lực để xử lý, tiêu hủy chất thải, phế liệu vi phạm. Những đơn vị xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm phải được ghi rõ trong quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm thì việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm do nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp số tiền ký quỹ còn thừa sau khi thanh toán để xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày mà nhận được ý kiến bằng văn bản về việc hoàn thành quá trình xử lý, tiêu hủy phế liệu của chính cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ở trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì tổ chức nhận ký quỹ phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu:
Căn cứ khoản 9 Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định về yêu cầu về bảo vệ môi trường và những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Điều này quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm như sau:
– Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu được quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.
– Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
– Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
– Chịu trách nhiệm phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Căn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.