Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng quan trọng mở đầu cho các hoạt động điều tra, trong giai đoạn này cơ quan có thẩm quyền khởi tố tiến hành các hoạt động xác định dấu hiệu tội phạm. Vậy kiểm sát trong hoạt động khởi tố vụ án hình sự được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khởi tố vụ án hình sự là gì?
- 2 2. Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
- 3 3. Kiểm sát việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, việc không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
- 4 4. Kiểm sát việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.
1. Khởi tố vụ án hình sự là gì?
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng đầu tiên trong đó cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp luật tố tụng tiến hành xác định có hay không có các dấu hiệu tội phạm trong các hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó. Như vậy, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bắt đầu từ thời điểm nhận được thông tin về hành vi tội phạm cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố hay không khởi tố.
2. Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mở đầu cho các hoạt động tố tụng hình sự. Có tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thì mới xác định được có tội phạm hay không có tội phạm xảy ra, để xác định việc ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định thì trong trường hợp viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì trong thời gian không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận phải viện kiểm sát phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 thì trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoặc ra quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và gửi 01 bản cho Cơ quan điều tra về việc cơ quan đã ra quyết định phân công giải quyết. Đối với trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã rõ về các dấu hiệu của tội phạm và Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm được quy định cụ thể tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
– Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.
– Trường hợp phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động, như:
+ Yêu cầu việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật; kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;
+ Yêu cầu cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; Yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra.
– Viện kiểm sát giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Như vậy, viện kiểm sát tiến hành trực tiếp các cuộc kiểm sát, là những hoạt động kiểm sát mang tính toàn diện, để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật… trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và ngăn ngừa các vi phạm, xử lý nghiêm tội phạm trong hoạt động tư pháp.
3. Kiểm sát việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, việc không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Đối với trường hợp kiểm sát việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự:
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án của cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền kiểm sát điều tra phải cử kiểm sát viên tiến hành kiểm tra căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án.
– Kiểm tra tính có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án hình sự:
+ Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý vụ án hình sự.
+ Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các tài liệu dùng làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự bao gồm: Tài liệu về tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; các tài liệu khi cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh thu thập được; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, biên bản khám xét, biên bản bắt người phạm tội quả tang… cùng các tài liệu, vật chứng thu thập được khi tiến hành khám nghiệm; đơn yêu cầu khởi tố, kết luận giám định, biên bản lấy lời khai bị hại, người làm chứng.
– Kiểm tra tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự:
+ Kiểm sát viên cần kiểm tra trình tự, thủ tục tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra có đúng quy định pháp luật.
+ Kiểm tra thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, hình thức và nội dung quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra.
Sau khi kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố thì kiểm sát viên được cử phải báo cáo kết quả nghiên cứu với Viện trưởng hoặc lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra để xem xét xử lý như sau:
– Nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì ra quyết định phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án và gửi quyết định phân công cho Cơ quan điều tra. Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự chưa rõ về căn cứ để khởi tố vụ án thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ căn cứ.
– Có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu nhận thấy rằng quyết định đó không có căn cứ; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí hoặc là quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với trường hợp kiểm sát việc không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự:
Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:
– Nếu cho rằng quyết định không khởi tố vụ án hình sự có căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan điều tra. Nếu thấy việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ.
– Nếu nhận thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
4. Kiểm sát việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 như sau: Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được:
– Nếu thấy quyết định thay đổi hoặc bổ sung chưa rõ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;
– Nếu thấy quyết định không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí thì Viện kiểm sát thực hiện việc ra quyết định hủy bỏ theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.
– Nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố thì Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự.
THAM KHẢO THÊM: